10 món ăn Việt Nam trở thành "kinh dị" với du khách quốc tế

Địa chỉ Hà Nội tổng hợp - Ảnh: sưu tầm,
Chia sẻ

Một số món ăn "khoái khẩu" của người Việt nhưng lại là nỗi kinh hoàng thực sự đối với các thực khách quốc tế.

Mỗi quốc gia trên thế giới là 1 bức tranh đa dạng về sắc màu văn hóa với những nét đặc trưng riêng khó lẫn. Sự khác biệt về văn hóa còn được thể hiện rõ nét qua ẩm thực truyền thống của mỗi dân tộc. Một số món ăn "khoái khẩu" của người Việt nhưng lại là nỗi kinh hoàng thực sự đối với các thực khách Tây phương. Hãy xem đó là những món gì nhé!

1. Trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn (hột vịt lộn) là món ăn bình dân bổ dưỡng phổ biến của người Việt Nam. Sau khi vịt đẻ trứng, cho ấp 19 đến 21 ngày rồi đem luộc sôi khoảng năm phút, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng với một số gia vị như rau răm, gừng tươi thái chỉ, muối tiêu vắt chanh hay tắc (quất) và dầm ớt...


 
Thế nhưng, trong con mắt của khách nước ngoài, trứng vịt lộn là món ăn đứng đầu trong danh sách 10 món ăn kinh dị nhất hành tinh. Thậm chí, nhiều du khách còn coi đó như một thử thách lớn để chinh phục. Chia sẻ trên trang CNNGo, Anthony Bourdain, một chuyên gia sành ăn người Australia cũng bày tỏ: "Phải công nhận trứng vịt lộn là một trải nghiệm ẩm thực khó khăn của mình”. 
 
Xem video clip người nước ngoài ăn trứng vịt lộn tại Việt Nam:
 
Nguồn clip: youtube.

2. Mắm tôm

Mắm tôm là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm và muối ăn, sử dụng 1 loại enzyme có trong ruột tôm để lên men, tạo nên hương vị đặc trưng riêng biệt. Với người Việt Nam, mắm tôm là thứ không thể thiếu được trong nhiều món ăn như: Bún đậu, bún thang, thịt chó...


Người nước ngoài khi sang Việt Nam sẽ thấy rất lạ và càng lạ hơn khi biết công đoạn chế biến mắm tôm. Nhiều người còn bị dị ứng khi ngửi thấy mùi mắm tôm.

3. Tiết canh

Tiết canh là món ăn độc đáo của nhân dân ta. Từ xưa, ông cha ta đã biết ăn tiết canh vịt, tiết canh lợn, tiết canh dê... Bởi vì người xưa quan niệm “huyết tươi là một vị thuốc bổ màu nhiệm”, ví dụ như: huyết lợn có thể trị chứng thiếu máu, suy nhược cơ thể. Huyết chim sẻ bổ thận. Huyết dê làm mạnh cơ thể, tráng thần, bổ huyết, chữa choáng váng, chóng mặt đau lưng...


 
Tiết canh được chế biến từ nguyên liệu chính là tiết động vật tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏi đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Là món ăn phổ biến của người Việt nhưng chưa từng thấy trong ẩm thực của một nơi nào khác trên Thế giới. Cho dù "dễ tính" đến đâu, hầu như không có mấy thực khách quốc tế nào dám động đũa vào món ăn này.
 
Clip người nước ngoài "nhắm mắt" ăn món tiết canh tại Việt Nam:
 
Nguồn clip: youtube.

4. Thịt chó

Thịt chó là một món ăn khoái khẩu ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Người dân quan niệm rằng ăn thịt chó sẽ có tác dụng “giải xui”. Còn theo Đông y, thịt chó vị mặn, chua, tính nóng, không độc; có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí trừ hàn.
 


 
Trong khi đó, tại nhiều nước phương Tây và Hồi giáo, việc ăn thịt chó thậm chí còn bị cấm. Và với người phương Tây, họ không chỉ coi chó là vật nuôi mà còn là những người bạn, vì vậy, khi đến Việt Nam họ rất thắc mắc vì sao người Việt Nam có thể ăn thịt chó khi mà vẫn nuôi chúng.

5. Thịt chuột

Tuy không phổ biến bằng thịt chó nhưng thịt chuột cũng là món ăn rất phổ biến trong ẩm thực Việt Nam. Tại một số địa phương ở miền Bắc như Từ Sơn (Bắc Ninh), Thạnh Thất, Hoài Đức (Hà Nội), thịt chuột là một đặc sản không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết quan trọng.


Thậm chí, thịt chuột cũng là một món ăn khá xa xỉ với giá 100.000 đồng/đĩa. Có đến hơn 30 món ăn được chế biến công phu từ thịt chuột như: chả chuột, thịt chuột hấp lá chanh, thịt chuột xào hành tỏi, thịt chuột áp chảo, chuột đồng rang muối...


 
Thế nhưng trên thực tế thì hầu hết khách nước ngoài cho rằng chuột là những con vật bẩn thỉu, hôi ham, mang bệnh tật và cần phải tránh xa.

6. Thịt rắn

Việt Nam là một nước nhiệt đới nên các loại bò sát nói chung và các loài rắn nói riêng rất đa dạng về chủng loại. Nhưng thông thường, người ta chỉ hay ăn rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia hay rắn ráo. Từ lâu, thịt rắn đã được công nhận là một dược liệu quý với tên là Xà nhục. Thịt rắn có vị ngọt, mặn, mùi tanh và tính ấm, có tác dụng chữa trị các bệnh liên quan đến xương khớp, mệt mỏi, trị độc.
 



Thế nhưng việc đối mặt với hình ảnh người đầu bếp dùng dao rạch 1 đường trên thân rắn, rồi lọc lấy quả tim bé xíu còn phập phồng vào đĩa bên cạnh. Cùng cái cảm giác gai người khi mùi tanh của máu hòa cùng vị cay của rượu vẫn là 1 trở ngại lớn đối với người nước ngoài.

7. Chả rươi

Rươi là sinh vật sống vùng nước lợ miền Bắc, thường chỉ xuất hiện vào những mùa mưa, nắng thất thường cuối tháng 9, đầu tháng 10. Rươi được coi là nguồn thức ăn bổ dưỡng và quý giá vì rươi chỉ xuất hiện theo mùa, trong thời gian rất ngắn, lại giàu chất đạm, có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
 
Từ rươi, những người nội trợ khéo tay đã chế biến ra rất nhiều món ngon, mang hương vị đặc trưng riêng biệt như: chả rươi, mắm rươi, rươi hấp, nem rươi, rươi kho, rươi xào củ niễng măng tươi hay củ cải, thậm chí có nơi còn làm canh riêu rươi.....


 
Món ngon là vậy, nhưng nếu ai đã một lần trực tiếp nhìn rươi sống, chắc cũng khó lòng mà không kinh sợ. Rươi sống giống con đỉa lai rết, có rất nhiều chân, thân hình nhũn nhũn mềm mềm, có đủ màu: xanh, đỏ, vàng, xám, vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ và sặc mùi tanh tanh đến khó chịu.
 
Xấu xí đến nỗi người nước ngoài gọi đó là “giun”. Và dù đã được nếm thử những món ăn thơm ngon đó nhưng họ cũng không thể nào quên cảnh hàng nghìn con "giun" lúc nhúc trọng chậu trước khi chế biến.
 
 
Clip món chả rươi làm cho người nước ngoài ghê sợ:
 
Nguồn clip: youtube. 

8. Nội tạng động vật

Thường ở nhiều nước trên thế giới, họ thường không ăn các bộ phận nội tạng của động vật, và chỉ ăn phần thịt ở vùng lưng và bụng. Vì vậy khi đến Việt Nam họ đã rất bất ngờ về những món ăn được chế biến từ nội tạng và các bộ phận khác của con vật. Ở Việt Nam, mọi bộ phận của động vật: ruột, tim, dạ dày, óc, bầu dục, chân, móng, đuôi, đầu, cổ… đều có thể trở thành một món ăn nào đó và không lãng phí bất cứ bộ phận nào.




Tuy vậy thì đây cũng không phải là 1 món quá khó ăn. Và đang ngày càng được các thực khách quốc tế yêu thích và ưa chuộng khi khám phá ẩm thực Việt Nam.

9. Rượu ngâm

Rượu ngâm (còn gọi là "rượu thuốc") sử dụng các loại thảo dược hoặc động vật được ngâm trong rượu trắng chưng cất có độ cồn cao. Được sử dụng như một loại thuốc và rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nhưng ở nước ngoài thì họ cảm thấy hết sức lạ lẫm và ghê sợ, bởi các loại rượu ngâm rất phổ biến và đa dạng, nhưng thành phần chính đều từ những loại động vật sống, chỉ qua sơ chế và không nấu chín.
 
Dường như với họ, người Việt Nam có thể ngâm rượu bất cứ thứ gì: từ cao hổ cốt, cao ngựa, đến mai rùa, rắn, cá ngựa, bọ cạp hay những loại tạng phủ như: tiết rắn, mật gấu, óc khỉ, cà dê...




10. Các chế phẩm thuộc họ côn trùng

Nhộng, châu chấu, dế mèn, ấu trùng ong, bọ cạp, kiến... trong con mắt của người nước ngoài đều được liệt vào hàng sâu bọ, côn trùng. Trên Thế giới, có nhiều quốc gia cũng sử dụng những loại côn trùng này làm thức ăn vì những giá trị dinh dưỡng hiếm có của nó. Tuy vậy, với một số nước phương Tây, điển hình là Pháp, thì đây vẫn là những món ăn thách thức sự can đảm của những vị khách hiếu kỳ.





Chia sẻ