'Yêu râu xanh' nhắm vào trẻ em qua game online và ứng dụng chat ảo

Đại Dương,
Chia sẻ

Ngày càng nhiều đối tượng xấu lợi dụng game online và các ứng dụng chat ảo để tiếp cận, dụ dỗ, thao túng, đe dọa và xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

Theo Công an TP Hà Nội, trong thời đại công nghệ số, trẻ em đang được tiếp cận sớm với internet và mạng xã hội. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là vấn nạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Theo đó, các đối tượng xấu đang lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, các ứng dụng hẹn hò (Tinter, Litmarch), phòng chat “ảo”, Game online (liên quân Mobile, PUBG, Free Fire) để tiếp cận, nhắn tin làm quen với trẻ em. Sau một thời gian trò chuyện, các đối tượng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới tính, tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng rồi dụ dỗ các em tự quay, tự chụp lại các hình ảnh khiêu dâm của bản thân.

Sau khi có được hình ảnh, các đối tượng thực hiện hành vi “tống tiền” hoặc sẽ bán hình ảnh các em cho các đối tượng khác. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn hứa hẹn chuyện tình cảm, thậm chí cho vay tiền, tặng quà với mục đích để dễ tiếp cận, gặp gỡ các em ở ngoài thực tế rồi thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, có trường hợp còn dụ dỗ đưa sang nước ngoài.

Tháng 3/2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của gia đình em T. (16 tuổi) về việc em T. có trò chuyện với một đối tượng trong game có nickname là K.

Qua trao đổi, K. hứa hẹn cho cháu T. tài khoản game với điều kiện cháu T. phải gửi video tự quay không mặc quần áo. Sau đó đối tượng đã sử dụng video trên để đe dọa cháu T. hàng ngày phải gửi video clip khiêu dâm cho đối tượng. Khi cháu T. không đồng ý, đối tượng đã gửi video của cháu T. cho bạn của cháu trên mạng xã hội để đe dọa và yêu cầu phải chuyển tiền.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo, đối với các bậc phụ huynh phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động online của con, em mình, kiểm tra danh sách bạn bè, các hội nhóm mà con, em mình tham gia trên mạng xã hội. Thường xuyên giáo dục con, em mình về an toàn thông tin trên mạng, không nói chuyện với người lạ, giải thích cho trẻ về mối nguy hiểm khi chia sẻ thông tin, hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng xã hội, khuyến khích trẻ báo ngay với bố mẹ, thầy cô khi bị ai đó dụ dỗ, đe dọa.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, không gửi ảnh, video nhạy cảm của bản thân cho người khác, không chia sẻ thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ nhà, địa chỉ trường học, số điện thoại với người lạ. Cảnh giác với các trường hợp yêu cầu gọi video, gửi ảnh riêng tư hoặc hứa hẹn tặng quà. Không truy cập vào đường link lạ, các liên kết hoặc các tập đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội vì có thể chứa mã độc hoặc lừa đảo.

Không chỉ ở TP Hà Nội, trước đó, Công an một số địa phương cùng ngành chức năng cũng đã đưa ra cảnh báo nhận diện thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em trên mạng xã hội.

Theo chuyên gia pháp lý, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu theo nhiều điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), cụ thể: Điều 145 - giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146 - dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Điều 170 - cưỡng đoạt tài sản, nếu có hành vi dùng hình ảnh nhạy cảm để đe dọa tống tiền; Điều 326 - truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; Điều 151 - mua bán người dưới 16 tuổi (nếu có hành vi dụ dỗ ra nước ngoài); Điều 289 - xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, nếu có sử dụng thủ đoạn công nghệ cao… Ngoài ra, hành vi dụ dỗ, xâm hại trẻ qua mạng cũng có thể bị xử lý về hành vi sản xuất, lưu trữ, phát tán tài liệu khiêu dâm trẻ em, vi phạm cả luật pháp Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước về quyền trẻ em.

Chuyên gia pháp lý cho rằng, điều nguy hiểm nhất của tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng là nạn nhân không có khả năng phản kháng, dễ bị thao túng và thường im lặng vì sợ hãi. Nếu không có sự vào cuộc kịp thời của phụ huynh, nhà trường và lực lượng chức năng, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề cả về tâm lý và danh dự của trẻ.

Chia sẻ