Yêu gia đình mới khó, còn phòng ngừa HIV có nhằm nhò gì
Tiết lộ và bàn luận những chủ đề phức tạp như phòng ngừa và điều trị HIV không dễ đối với mọi gia đình. Tuy vậy, những cá nhân chung sống với HIV vẫn tìm về cội nguồn yêu thương sau bao bộn bề.
Chia sẻ với gia đình: bước đầu "vượt khó"
Mong muốn bảo vệ và gắn kết gia đình đặc biệt mãnh liệt ở những người có H (HIV). Có thể kể đến câu chuyện của Tuấn (30 tuổi, hiện đang sống tại TPHCM với chồng). Tích cực hỗ trợ cho cộng đồng người có HIV qua các hoạt động xã hội, anh không bao giờ nghĩ rằng đến một ngày, chính mình lại là người ngồi ở phía bên kia của bàn tư vấn.
Hoài nghi và mặc cảm, anh quyết định giấu ba mẹ mọi chuyện. Anh cũng không màng tới việc giữ lửa trong gia đình nhỏ với Thành – người chồng thân yêu. Cho đến khi biết tin mình bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu, Tuấn nhận ra: mình cần thay đổi.
Để công khai với gia đình, Tuấn tinh ý đưa mẹ đồng hành trong quá trình thực hiện các hoạt động tư vấn HIV, nhân cơ hội đó nhấn mạnh thông điệp "HIV là một tình trạng sức khỏe có thể được phòng ngừa và điều trị". Anh cũng lựa chọn sử dụng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) khi mẹ ở bên. Mưa dầm thấm lâu, mẹ cũng cảm thông cho anh. Còn với chồng của mình, Tuấn đã thẳng thắn chia sẻ và được "nửa kia" chấp nhận.
Nhưng không phải ai cũng may mắn có gia đình đồng cảm như Tuấn. Minh (40 tuổi, quê tại Hà Nội) phát hiện bản thân có H từ năm 1998. Lúc ấy, các thông tin khoa học về HIV vẫn chưa phổ biến, và người có H thường gặp phải ánh nhìn kỳ thị từ xã hội. Anh từng rất suy sụp khi thấy sự thất vọng từ người thân.
Anh quyết định rời quê hương, đến một nơi xa lạ để "làm lại cuộc đời". Tại nơi đây, anh tìm thấy người bạn đời – người vợ – người chấp nhận anh và cùng anh xây dựng tổ ấm.
Chỉ cần gia đình ở bên, mọi khó khăn có nhằm nhò gì
Không chỉ có sự trợ giúp của mẹ, anh Tuấn còn có người bạn đời đồng hành trên chặng đường cải thiện sức khỏe. Khoảnh khắc được gặp gỡ "cha đẻ" của mệnh đề K=K (không phát hiện = không lây truyền), gia đình Tuấn – Thành dường như đã vượt qua ham muốn bản năng để cùng chung sống với thế giới có H. Có biện pháp an toàn và hiệu quả như ARV, thể trạng được duy trì, đồng thời nguy cơ lây truyền cho bạn tình sẽ được giảm thiểu.
Còn với Minh, gia đình chính là điểm tựa để anh thích nghi với nhịp sống mới. Có gia đình nghĩa là anh đã có người vợ thấu hiểu và đồng hành việc sử dụng thuốc điều trị ARV cùng anh mỗi ngày. Sau khoảng thời gian điều trị để duy trì tải lượng vi rút trong cơ thể ở ngưỡng không phát hiện và sinh được hai bé khỏe mạnh, anh như có thêm hai "thiên thần hộ mệnh" dẫn lối thay đổi.
Khi việc chung sống với H đã trở nên quen thuộc, yêu thương chẳng còn gì khó! Ba mẹ anh Minh giờ đây rất tự hào về người con trai. Còn gia đình của anh Tuấn luôn ở bên như một nguồn sáng.
Những bước đi kế tiếp
Câu chuyện của anh Minh, hay anh Tuấn, đã đem đến một góc nhìn lạc quan về cách những người có H tận hưởng tình yêu, gắn kết gia đình và trên hết là cải thiện sức khỏe nhờ vào những phương pháp điều trị hiệu quả.
Trong tương lai, họ sẽ cùng thực hiện một sứ mệnh đặc biệt, đó là lan tỏa sự yêu thương để giúp cộng đồng trải nghiệm tình cảm gia đình thiêng liêng như họ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ tính riêng tư. Hình ảnh minh họa trong khuôn khổ chiến dịch K=K do Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế (VAAC) phối hợp thực hiện Thông tin về chiến dịch "Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì".
"Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" là một chiến dịch cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng cũng như loại bỏ những kỳ thị về HIV.
Chiến dịch khắc họa sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng của các biện pháp phòng ngừa HIV. Với những loại thuốc an toàn và hiệu quả, tình trạng HIV sẽ không gây cản trở các mối quan hệ, tình yêu cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Đồng hành cùng chiến dịch trên fanpage K=K (https://www.facebook.com/KbangK.VN) và truy cập yeumoikho.com
Thông tin về ARV, K=K
Thuốc ARV có thể được sử dụng theo 2 cách để dự phòng lây nhiễm HIV:
Những người không có H sử dụng PREP để duy trì trạng thái Không HIV.
Người có H sử dụng ARV để điều trị HIV (còn được gọi là ART). Phương pháp điều trị này giúp làm giảm tải lượng virus trong cơ thể. Nếu một người có H đạt trạng thái dưới ngưỡng phát hiện, virus HIV sẽ không thể lây truyền khi quan hệ tình dục. Điều này còn được biết đến qua thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K.