Yêu bao lâu thì cưới?
Hôn nhân có nghĩa là một giai đoạn mới của cuộc đời, ngoài sự cam kết trọn đời, nó còn mang thêm nhiều trách nhiệm, rủi ro và nghĩa vụ.
“Tôi và bạn trai đều đang trong độ tuổi kết hôn. Chúng tôi yêu nhau và mối quan hệ rất ổn định. Nhưng hễ tôi nhắc chuyện cưới, anh ấy luôn nói phải đợi. Tôi rất bối rối. Chúng tôi phải đáp ứng những điều kiện gì trước khi kết hôn?”.
Câu hỏi trên cũng làm nhiều người băn khoăn. “Có đủ tài chính” và sẵn sàng kết hôn có nghĩa là gì? 40,86% số người trưởng thành ở châu Á được hỏi cho rằng dù tạm thời chưa mua được nhà nhưng họ vẫn có thể kết hôn nếu cả hai bên (và gia đình) có thu nhập kinh tế ổn định và có thể mua nhà trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát ý kiến những người trẻ về một số quan niệm hôn nhân. 76,34% số người được hỏi cho rằng “kết hôn có phù hợp hay không không liên quan đến việc cặp đôi yêu nhau được bao lâu”.
Vậy, hẹn hò bao lâu thì phù hợp để kết hôn? Tại sao những điều kiện kể trên trở nên quan trọng?
Những người đã lập gia đình ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau đã chia sẻ quan điểm của mình:
Gia đình là nền tảng cho cuộc hôn nhân
Anh N. (32 tuổi) chia sẻ: “Tôi luôn lo lắng rằng gia đình cô ấy sẽ coi thường tôi. Nếu hai gia đình không thể hòa hợp, ngay cả khi chúng tôi kết hôn thì sau này cũng sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
Vì vậy, chúng tôi bắt đầu có ý thức để hai gia đình tiếp xúc nhiều hơn, thỉnh thoảng đi ăn cùng nhau, sắp xếp đi chơi,... Sau nửa năm, tôi thấy hai bên cha mẹ rất hài lòng và hòa thuận với nhau. Điều này khiến chúng tôi yên tâm và quyết định kết hôn".
Việc kết nối hai gia đình với nhau vừa giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về đối phương, mặt khác có thể sàng lọc và dự đoán trước những rủi ro trong tương lai. Khi hai gia đình có thể thực sự chấp nhận và chúc phúc cho các con thì hôn nhân sẽ có nền tảng vững chắc.
Phải có nhà riêng
Chị A. (27 tuổi) nói: “Yêu cầu duy nhất của tôi khi kết hôn là phải có nhà riêng. Để đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi đã từ bỏ công việc ở thành phố để trở về quê hương ổn định cuộc sống và mua nhà. Bây giờ chúng tôi đang cùng nhau trả hết khoản thế chấp và tự mình gây dựng cuộc sống mới.
Tôi luôn cảm thấy rằng chỉ có sở hữu một ngôi nhà thì tôi mới có được một gia đình thực sự. Hai vợ chồng có thể cùng nhau xây dựng tổ ấm - nơi chứa đựng niềm vui, nỗi buồn và những kỷ niệm.
Đó chính là sự phụ thuộc về mặt tâm lý, sự ổn định thực chất và phản ánh sự sẵn lòng của đối phương để chia sẻ một cuộc sống bình thường với tôi.”
Học cách chấp nhận sự khác biệt
Anh G. (37 tuổi) tâm sự: “Tôi là người Trung Quốc và vợ tôi là người Mỹ. Khi mới quen nhau, chúng tôi hay cãi nhau vì có nhiều khác biệt về quan niệm, thói quen. Nhưng thường thì không ai có thể thuyết phục được ai, và chúng tôi cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian dài ở bên nhau.
Vào thời điểm quan trọng nhất, một cuộc trò chuyện sâu sắc đã cứu vãn mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi đã đi đến một sự đồng thuận mới: nếu không thể giải quyết được sự khác biệt, chúng tôi sẽ chung sống với nó.
Thay vì cố gắng khiến nhau chấp nhận quan điểm của mình, chúng tôi học cách chấp nhận những khác biệt của nhau. Bằng cách này, mối quan hệ đã được xoa dịu.
Tôi nghĩ thái độ này không chỉ áp dụng cho các mối quan hệ đa văn hóa mà còn áp dụng cho tất cả các mối quan hệ. Sự khác biệt không nhất thiết phải được giải quyết, và sự tồn tại của chúng đôi khi có thể tạo thêm nét tươi mới cho cuộc sống.
Khi bạn học cách chấp nhận, thấu hiểu và tìm được nhịp điệu thoải mái, thư giãn cho cả hai thì đó là cơ sở cho mối quan hệ lâu dài.”
Suy cho cùng, cuộc sống của người khác chỉ mang tính chất tham khảo, bạn có thể suy nghĩ lại về tiêu chuẩn hôn nhân của mình dựa trên những gợi ý trên.
Nếu bạn vẫn cảm thấy lạc lõng, đừng lo lắng. Hôn nhân là một quyết định nghiêm túc và lãng mạn, bạn nên cho mình đủ thời gian để suy nghĩ về điều đó.