Ý kiến khác nhau về giao bài tập Tết
Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thường kéo dài trên dưới 10 ngày tùy địa phương.
Trong khoảng thời gian này, có nên giao bài tập về nhà cho học sinh hay không được các bậc phụ huynh quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau.
Không nặng nề bài tập
Với cấp tiểu học, cô Mai Thùy Linh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ) thẳng thắn nêu quan điểm “không nên giao bài tập cho học sinh dịp nghỉ Tết”. Lý do là, với chương trình học 2 buổi/ngày, cơ bản từ kiến thức mới đến nội dung ôn tập, củng cố…, giáo viên và học sinh đã bảo đảm giải quyết hết ở trường.
“Điều quan trọng là thầy cô cần nhắc nhở học sinh nghỉ Tết an toàn, khỏe mạnh. Thời gian nghỉ chỉ ít ngày; nhà trường, giáo viên và phụ huynh không nên quá lo lắng chuyện các em quên kiến thức. Hãy để học sinh được thoải mái vui chơi đón Tết. Các em có thời gian giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, thăm hỏi người thân, bạn bè, sinh hoạt quây quần bên gia đình. Thời gian nghỉ Tết, học sinh được rèn luyện các kỹ năng như quan tâm, chia sẻ... cũng là những yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất”, cô Mai Thùy Linh chia sẻ.
Từng nhiều năm dạy tiểu học, NGƯT Tô Ngọc Sơn (Trường ĐH Đồng Tháp) đồng tình không nên giao bất kỳ bài tập nào cho học sinh làm vào ngày nghỉ Tết. Thời gian này nên để các em được vui chơi; trải nghiệm phong tục, tập quán; gặp gỡ người thân, họ hàng; vận dụng, thực hành nhiều kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống…
“Thầy cô hãy chỉ cho học sinh thấy ý nghĩa hoạt động được tham gia trong ngày Tết. Mỗi hoạt động diễn ra thường gắn kết với các chủ đề mà trẻ học trong sách giáo khoa. Ví dụ, cùng với gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa dịp Tết; gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ Tết; thăm ông bà, họ hàng… Đây chính là những bài học giúp trẻ phát triển năng lực.
Tùy tình hình và điều kiện lớp học, thầy cô tổ chức buổi học đầu tiên sau nghỉ Tết sao cho ý nghĩa, cuốn hút. Có thể tổ chức trưng bày ý tưởng ngày Tết, thi kể việc đã làm, trang phục đẹp ngày Tết… Kế hoạch nếu có nên công bố trước Tết để các em chuẩn bị”, NGƯT Tô Ngọc Sơn gợi ý.
Theo cô Nguyễn Thu Hằng - Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), đa phần học sinh không mong muốn có bài tập về nhà để được thư giãn trọn vẹn nhất. Nhưng điều này khiến thầy cô, bố mẹ lo lắng các em quên kiến thức, ảnh hưởng đến chất lượng học sau Tết.
Vậy nên, giáo viên tùy vào tình hình thực tế vẫn có thể giao bài tập Tết, nhưng cần lưu ý một số nguyên tắc. Một là, bài tập vừa phải, không nên là đề cương quá dài, gây cảm giác mệt mỏi cho học sinh. Hai là, mục tiêu giao bài chỉ là ôn tập, mức độ vừa phải để học sinh nhớ bài và có tâm thế thoải mái. Ba là, có thể giao những bài tập vận dụng vào thực tiễn, tích hợp các môn học có liên quan đến chủ đề ngày Tết để giúp học sinh hào hứng hơn.
Cho rằng, có thể giao bài tập, nhưng theo thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nên khuyến khích chứ không bắt buộc; có phần thưởng khích lệ học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhiều phụ huynh cũng ủng hộ việc không giao bài tập trong dịp nghỉ Tết. Chị Đặng Thanh Liễu (Long Biên, Hà Nội) cho biết, Tết nào gia đình cũng về quê nội, ngoại, mỗi nơi ở 3 - 4 ngày là hết Tết. Thời gian này, các con gặp gỡ người thân, họ hàng; trải nghiệm khung cảnh làng quê; tham gia chuẩn bị Tết, chơi Tết…
Nếu có bài tập, các con phải mang theo sách vở về quê, đi chơi cũng không thoải mái, vui vẻ vì áp lực phải hoàn thành bài. “Tôi nghĩ chỉ vài ngày thì không lo bị “trôi” kiến thức. Do đó, tốt nhất là không giao bài tập để học sinh có được cái Tết vui trọn vẹn”, chị Liễu bày tỏ.
Trải nghiệm thay bài tập
Không giao bài tập, nhưng cô Nguyễn Kiều Oanh - giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) giao nhiệm vụ gắn với ngày Tết. Ví dụ, cùng gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Xuân; chuẩn bị bánh, kẹo, mứt… đón khách; chuẩn bị đồng phục, soạn đầy đủ sách vở để chuẩn bị trở lại trường học... Nhiệm vụ này gợi mở, cũng như giáo dục học sinh về hoạt động ngày Tết, những văn hóa, giá trị truyền thống dịp Tết.
“Tôi in các phiếu nhiệm vụ để học sinh ghi nhớ và bố mẹ cùng con đánh giá hoạt động đó thực hiện thế nào. Thực tế, học sinh khá hào hứng hưởng ứng nhiệm vụ Tết kiểu này thay vì lối mòn hoàn thành bài tập lý thuyết. Phụ huynh tích cực phối hợp cùng con ghi lại những khoảnh khắc để chia sẻ với các bạn. Tôi cho rằng, đây cũng là hình thức giáo viên và phụ huynh cùng giáo dục các con về ngày Tết”, cô Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ.
Kỳ nghỉ Tết, cô Phạm Thị Thu Trang - Trường THPT Kim Bôi (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) thường giao nhiệm vụ nhẹ nhàng, gắn với thực tiễn. Ví dụ, cho học sinh viết bài thu hoạch, hoặc kể lại (khuyến khích kèm theo minh họa bằng hình ảnh) về chủ đề Tết (giáo viên cho câu hỏi định hướng theo chủ đề).
Tương tự, thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trường THCS Lê Tư Thành (huyện Hưng Hà, Thái Bình) giao bài trải nghiệm là những câu hỏi về Tết cổ truyền của Việt Nam, giúp học sinh vừa được nghỉ ngơi, vui chơi, không lo áp lực học tập mà có kiến thức văn hóa dân tộc.
“Tết là thời điểm học sinh vừa hoàn thành kiểm tra học kỳ I, học kỳ II mới bước vào 1 - 2 tuần. Các em cần được nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng Tết trọn vẹn. Việc làm bài tập trong vài ngày nghỉ Tết ngắn ngủi không thực sự cần thiết và hiệu quả”, thầy Hùng nêu quan điểm.
Theo thầy Vũ Vân Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thụy An (huyện Thái Thụy, Thái Bình), tùy đặc điểm từng địa phương, nhà trường mà có quyết định giao bài tập hay không cho học sinh dịp Tết.
Đối với những nơi như thành phố, thành thị, học sinh ngày thường phải học quá nhiều, học ở trường sau giờ chính khóa lại học ở trung tâm, học thêm, có ít thời gian nghỉ ngơi; đặc biệt tận dụng những ngày nghỉ Tết cả gia đình lại về quê thì không nên giao bài tập để tránh áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Còn lại, nếu có giao bài tập, với cấp THCS nhà trường cần thống nhất số lượng kiến thức ôn tập, tránh lượng bài giao quá nhiều và chỉ tập trung vào kiến thức bài cũ tiếp nối sang bài mới. Đối với cấp tiểu học, thầy cô có thể hệ thống lại kiến thức trọng tâm, cơ bản của môn học.