Xung quanh vụ việc học sinh lớp 10 tự tử vì bị thầy mắng

Daydreamer,
Chia sẻ

Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho những người ở lại vì một sự ra đi được chính bản thân Dương quyết định.

Chiều ngày 29/4/2011, Nguyễn Ngọc Dương - học sinh lớp 10 C3, Trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng - được người nhà phát hiện đã treo cổ tự vẫn sau khi bị thầy giáo môn Hóa học mắng trước lớp. Em để lại 5 bức thư tuyệt mệnh cùng những lời nhắn nhủ tới gia đình và bạn thân.

Sau khi trải qua cơn bàng hoàng và xót xa, gia đình em cũng như dư luận công chúng đang dần chuyển sang chiều hướng trách móc và vấn tội thầy Mĩ - người giáo viên được đề cập đến như là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc thương tâm này xảy ra. Bên cạnh đó, khi người thân đặt trách nhiệm lên vai thầy Mĩ, thì bạn bè thân thiết của em lại đề cập đến nguyên do từ tập thể lớp C3 mà em đang theo học.
 
Thư tuyệt mệnh mà học sinh Dương để lại. (Ảnh: D.P)

Được biết, Dương vốn là một học sinh giỏi 9 năm liền, và em cũng có nhiều mơ ước cho tương lai. Tuy nhiên, trong môi trường mới, tâm lý của cậu học sinh vẫn còn nhiều khúc mắc do chưa hòa nhập được vào lớp mới sau giai đoạn chuyển cấp, chỉ chơi thân với các bạn cũ ở cấp 2. Có lẽ chính vì thế mà em có dấu hiệu trầm cảm từ tháng 11/2010, và dấu hiệu này cũng đã được gia đình nhận biết.

Cùng với sự thương cảm và tiếc nuối trước sự ra đi đột ngột nhưng cũng đầy nông nổi của Dương, chúng tôi đã đi tìm hiểu từ những mối liên hệ trong cuộc sống thường ngày của em về quan điểm và ý kiến xung quanh vụ việc.

Trên diễn đàn của trường PTTH Ngô Quyền, các thành viên là bạn học cùng lớp cấp 2 và cấp 3 của Dương cũng chia sẻ nhiều thông tin trái chiều. Những người bạn học cấp 2 của em cho rằng, để dẫn đến sự việc này, phần lỗi nằm nhiều là ở phía thầy giáo và các bạn học cùng lớp cấp 3. Theo họ, Dương bị các bạn lớp 10C3 "tẩy chay", thậm chí trong ngày tiễn đưa còn có bạn thốt lên một câu tàn nhẫn về sự ra đi của em: "Cho rộng đất".

Tuy nhiên, các học sinh lớp 10C3 phản bác lại ý kiến này. Mặc dù cả tập thể lớp chưa hoàn toàn hòa đồng với nhau trong môi trường mới, nhưng "bàn tay có ngón ngắn ngón dài", có người không thân thiết thì cũng vẫn có những bạn nam thường rủ Dương ra sân đá bóng. Bên cạnh đó, họ phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của câu nói trên, bởi không một ai nhẫn tâm đến viếng chỉ để nói ra những lời nói không chút lương tâm như vậy.
 
Ngôi trường nơi Dương theo học trước khi học sinh này tự vẫn. (Ảnh: D.P)

Khi đưa ra thông tin cụ thể về việc thầy Mĩ mắng em Dương, nhiều bạn cho biết: Dương bị mắng do hôm đó lên bảng không làm được bài, và lúc thầy kiểm tra vở thì Dương cũng không làm bài tập về nhà. Việc giáo viên mắng học sinh khi không làm bài cũng là chuyện xưa nay không hiếm. Trường hợp của Dương không phải là quá đặc biệt, bởi theo như lời kể của nhiều học sinh các khóa trước đã được thầy Mĩ chủ nhiệm, thầy vẫn thường mắng họ với mong muốn họ tốt hơn. Tuy nghiêm khắc là thế, nhưng thầy cũng rất tâm lý và rất thương học sinh. Giờ đây khi nhìn lại, nhiều bạn thấy rất biết ơn thầy, vì nhờ có thầy mà họ đã trưởng thành hơn.

Có lẽ, mỗi người trong mỗi chúng ta, khi đã từng có những năm tháng học đường, ai cũng đôi lần phạm lỗi và được giáo viên nhắc nhở hay răn dạy bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, việc thu nhận những lời răn dạy của thầy cô đến mức nào và phản ứng lại ra sao thì còn tùy từng người. Đối với Dương, có lẽ với tâm lý cô đơn, chưa hòa nhập và có xu hướng trầm cảm, thì đó là một giọt nước làm tràn ly. Vì vậy, em đã quyết định chọn con đường tối tăm nhất để đáp lại những áp lực cuộc sống mà em gặp phải. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta có thể đổ hết lỗi cho một người thầy chỉ vì đã chưa thể kịp nắm bắt trọn vẹn tâm lý của từng học sinh để áp dụng phương pháp riêng cho phù hợp.

Trước sự ra đi đầy xót xa của em, chúng tôi xin chia buồn cùng với gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong rằng mình có thể chuyển tải tới độc giả một hướng nhìn khác của sự việc. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho những người ở lại vì một sự ra đi được chính bản thân Dương quyết định.

Chia sẻ