Xung đột Israel - Hamas: Hàng trăm con tin bị giam giữ, quốc tế nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng
Trong lúc này, Hamas tuyên bố đang giam giữ khoảng 150 con tin từ phía Israel, trong đó có cả người nước ngoài.
Hamas: Khoảng 150 con tin từ phía Israel đang bị giam giữ
Số phận của các con tin cũng như tác động của vấn đề này tới chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza vẫn là một ẩn số. Những con tin trong tay Hamas đang làm phức tạp thêm tính toán của Israel trong kế hoạch quân sự ở Dải Gaza.
Bà Ricarda Louk, mẹ của một cô gái bị Hamas bắt cóc làm con tin, cần khẩn: "Con gái tôi đã bị Hamas bắt cóc cùng với một nhóm du khách ở miền Nam Israel. Chúng tôi đã được gửi một đoạn video, trong đó tôi nhận ra con gái tôi đang bất tỉnh trong một chiếc ô tô. Xin hãy giúp đỡ chúng tôi".
Vài giờ sau khi các tay súng Hamas tấn công vào các khu định cư của người Do Thái gần Dải Gaza hôm 7/10, hàng loạt video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, nhóm này đã bắt nhiều dân thường làm con tin. Hamas tuyên bố, đây là những mục tiêu hợp pháp, bởi họ đều bị coi là "người định cư chiếm đất của người Palestine".
Chưa có con số chính xác nhưng Hamas xác nhận, nhóm đang giữ hơn 100 người Israel làm con tin, bao gồm cả quân nhân và các sĩ quan cấp cao của Israel, đồng thời bày tỏ ý định dùng con tin để đổi lấy tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ. Hamas cảnh báo sẽ sát hại con tin nếu Israel tiếp tục tấn công trả đũa nhằm vào các tòa nhà dân cư và cơ sở dân sự tại Dải Gaza.
Ông Abu Obaida, phát ngôn viên Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam thuộc lực lượng Hamas, nói: "Chúng tôi tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào nhắm vào người dân của chúng tôi mà không có cảnh báo trước sẽ dẫn đến việc hành quyết một con tin dân thường mà chúng tôi đang giữ. Chúng tôi sẽ buộc phải phát sóng vụ việc đó bằng âm thanh và video. Với quyết định này, chúng tôi buộc Israel phải chịu trách nhiệm. Bây giờ quả bóng đang ở bên phía Israel".
Hiện Isral vẫn tiến hành chiến dịch không kích lớn chưa từng có chống Hamas. Chiến dịch nhắm đến các mục tiêu như kho chứa, nhà máy chế tạo vũ khí, sở chỉ huy với mục tiêu "xóa sổ Hamas khỏi bề mặt Trái đất".
Hamas chưa có động thái gì liên quan tới các con tin, nhưng nếu Israel không lùi bước, có những hành động quyết liệt hơn trong chiến dịch bộ binh, không thể lường trước kịch bản xấu nào sẽ xảy ra.
Một kịch bản khác được giới phân tích nói tới là trao đổi tù nhân. Ước tính có khoảng 5.200 người Palestine đang bị Israel giam giữ, trong đó có khoảng 200 người là phụ nữ và trẻ em. Về phía Israel, nước này tuyên bố đã chặn nguồn cung nước, điện và nhiên liệu vào Dải Gaza cho tới khi các con tin được Hamas phóng thích.
(Ảnh: AP)
Lực lượng vũ trang Hamas: Họ là ai?
Ngày 14/10, quân đội Israel thông báo đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Dải Gaza và lần thứ hai đưa ra cảnh báo sơ tán với người dân Palestine sinh sống tại đây. Trong khi đó, phía Hamas khẳng định sẽ không rời dải Gaza, bất chấp cảnh báo của Israel.
Cùng với những lo ngại về sự lan rộng của bạo lực và trả đũa, một câu hỏi được đặt ra là Israel, với ưu thế quân sự vượt trội, sẽ đi đến đâu trong cuộc đối đầu với Hamas?
Hamas là một tổ chức chính trị Hồi giáo dòng Sunni, từ năm 2007 đóng vai trò là nhà cầm quyền trên thực tế tại Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Cái tên Hamas là từ viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Hamas được thành lập vào năm 1987 sau khi bắt đầu phong trào Intifada, hay còn gọi là cuộc nổi dậy của người Palestine đầu tiên,.
Ngoài vai trò là một tổ chức vũ trang, Hamas còn là một trong hai đảng chính trị chính của người Palestine. Đối thủ chính trị của Hamas là phong trào Fatah, có chủ trương đấu tranh ôn hòa và hiện nắm quyền ở Bờ Tây, nơi Israel áp đặt lệnh chiếm đóng.
Trong cuộc đối đầu và để kiềm chế Hamas, Israel duy trì lệnh phong tỏa Gaza trong 16 năm qua, hạn chế việc di chuyển hàng hóa và người ra vào vùng lãnh thổ này.
Về đất liền, Dải Gaza giáp hai quốc gia là Ai Cập và Israel.
Ở phần giáp Israel, dọc đường biên giới, Israel xây dựng một bức tường bê tông dây thép gai cao 8 mét cùng hệ thống tháp canh cao 10 mét, bố trí lính canh 24/24 giờ, bất cứ người Gaza nào không được cho phép vượt qua cũng sẽ bị bắn.
Về phía giáp với Ai Cập cũng có một cửa khẩu bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Hamas đã đào hàng loạt hệ thống hầm ngầm để thoát ra khỏi sự kiểm soát đó và tích lũy vũ khí, cũng như tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Chiến dịch tấn công vào ngày 7/10 của lực lượng vũ trang Hamas không phải là một hoạt động tự phát mà là một chiến dịch đã được chuẩn bị công phu.
Theo CNN trích dẫn video tuyên truyền của lực lượng Hamas, Hamas đã triển khai các hoạt động huấn luyện cho cuộc tấn công hàng năm trời ngay tại khu vực biên giới giáp với Israel. Lực lượng này thậm chí đã xây dựng một khu định cư mô phỏng Israel ở Gaza, nơi họ thực hành hoạt động đổ bộ và huấn luyện tấn công.
(Ảnh: AP)
Các chuyên gia nhận định, trong suốt hai năm qua, Hamas đã thực hiện một chiến dịch đánh lạc hướng khi gửi đi các thông điệp ám chỉ không muốn bắt đầu thêm một cuộc chiến mới với Israel với việc kiềm chế các hoạt động quân sự chống lại Israel.
Về phần mình, Israel thừa nhận đã mất cảnh giác, trong khi giới phân tích cho rằng lực lượng tình báo Israel đã thất bại trước cuộc tấn công của Hamas.
Ông Justin Crump, công ty phân tích rủi ro Sibylline của Anh, cho biết: "Đây thực sự là sự kiện thay đổi hình thái xung đột. Sự việc đã gây ra sự bối rối lớn cho Lực lượng Phòng vệ Israel khi các thông tin tình báo của họ rõ ràng là sai. Hamas thực hiện cuộc tấn công cùng với các nhóm Hồi giáo cực đoan Palestine và những tổ chức khác. Những báo cáo về điều đó đã bị đánh giá thấp, bị hiểu sai".
Hamas nhận được sự ủng hộ bí mật của những người hồi giáo cùng chí hướng ở khắp Trung Đông và lãnh đạo của lực lượng này cũng có mối quan hệ gần gũi với một số quốc gia Trung Đông. Lãnh đạo của Hamas lên tiếng rằng, nếu cuộc tấn công trên bộ của Israel tiếp tục, cuộc đối đầu này sẽ không chỉ giới hạn ở Gaza mà sẽ lan nhanh, trở thành một cuộc xung đột nguy hiểm ở Trung Đông.
Israel thừa nhận sai lầm khi đánh giá về Hamas
Chiến dịch tấn công vào ngày 7/10 của lực lượng vũ trang Hamas không phải là một hoạt động tự phát mà là một chiến dịch đã được chuẩn bị công phu. Chính Israel đã thừa nhận rằng đã mất cảnh giác và mắc sai lầm trong các báo cáo đánh giá thông tin tình báo.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi cho rằng Hamas đã rút ra bài học từ cuộc chiến lớn gần đây nhất với Israel hồi năm 2021.
Các chuyên gia nhận định, trong suốt hai năm qua, Hamas đã thực hiện một chiến dịch đánh lạc hướng khi gửi đi các thông điệp ám chỉ không muốn bắt đầu thêm một cuộc chiến mới với Israel, đồng thời kiềm chế các hoạt động quân sự chống lại Israel.
(Ảnh: AP)
Đến nay, giới chức Israel đã ghi nhận hơn 1.300 dân thường và nhân viên an ninh thiệt mạng kể từ khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10, cùng với ít nhất 120 người bị bắt cóc và được cho là đang bị giam giữ ở Gaza.
Tuy nhiên, ông Hanegbi đã bác bỏ khả năng thương lượng với Hamas về bất kỳ thỏa thuận trao đổi tù nhân nào.
Nỗ lực hạ nhiệt xung đột Israel - Hamas
Những nỗ lực ngoại giao từ khắp thế giới đang được xúc tiến để ngăn chặn ngọn lửa xung đột tại Trung Đông lan rộng. Các nước cho rằng kể cả trong chiến tranh cũng có luật pháp quốc tế, và Israel cần bảo vệ dân thường Palestine trong chiến dịch tấn công trả đũa của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/10 đã tiến hành hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington dành cho Nhà nước Do Thái, cũng như sự cần thiết của các hoạt động viện trợ nhân đạo dành cho dân thường Palestine. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ đã nêu cụ thể những nỗ lực của Mỹ nhằm phối hợp với các đối tác để ngăn xung đột lan rộng.
Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Trung Đông, có cuộc gặp với các đối tác ở Israel và thế giới Arab. Ông Blinken cho biết, cuộc gặp của ông với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman là "rất hiệu quả".
Các quốc gia Arab đều lên án hành động nhằm vào dân thường Palestine và phản đối việc Israel ra thời hạn để người dân Palestine phải rời đi.
Ông Ayman Safadi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan, tuyên bố: "Chúng tôi khẳng định tại diễn đàn của Liên đoàn Arab rằng việc yêu cầu người Palestine rời khỏi đất nước là một lằn ranh đỏ. Chúng tôi không chấp nhận và sẽ đối mặt với vấn đề này. Liên đoàn Arab đã tuyên bố, tất cả người Arab sẽ đoàn kết để chống lại hành động này".
Trung Quốc cho rằng hành động của Israel đã vượt quá phạm vi tự vệ và kêu gọi Israel bảo vệ sinh mạng dân thường Palestin.
Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Trung Đông Trạch Tuyển vào tuần tới sẽ công du Trung Đông để xúc tiến hòa giải: "Trung Quốc luôn cho rằng sử dụng vũ lực không bao giờ là giải pháp. Việc đáp trả bạo lực bằng bạo lực sẽ chỉ dẫn đến một vòng luẩn quẩn trả đũa, tạo thêm trở ngại cho các giải pháp chính trị. Chỉ bằng cách dừng ngay lập tức cuộc xung đột, chấm dứt bạo lực và xoa dịu căng thẳng mới có thể tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị".
Về phần mình, Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành biểu quyết vào ngày 16/10 đối với một dự thảo nghị quyết về xung đột Israel - Hamas, trong đó kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, đồng thời lên án bạo lực nhằm vào dân thường.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ triệu tập hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo vào tuần tới để thảo luận về cuộc xung đột Israel - Hamas.