Xúc động với bài nói chuyện đầy ý nghĩa của thầy Văn Như Cương trong lễ khai giảng
Trong chiếc áo đỏ sao vàng, người thầy 79 tuổi đặt câu hỏi với học sinh của mình: "Chúng ta đến trường để học cái gì?", cùng với những mong mỏi của thầy với các em học sinh trong năm học mới.
Đến trường để học gì?
Rất nhiều học sinh sáng nay dự lễ khai giảng năm học mới 2015 - 2016 đã không khỏi xúc động khi thầy Văn Như Cương có bài nói chuyện hết sức ý nghĩa, xúc động và thiết thực đối với học sinh trước thềm năm học mới. Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn bài nói chuyện của thầy Văn Như Cương gửi đến đông đảo các em học sinh.
"Kính thưa ban giám hiệu và các thầy cô giáo, thưa các bậc cha mẹ học sinh cùng toàn thể các em học sinh trường Lương Thế Vinh.
Hôm nay là ngày chính thức mở đầu năm học 2015-2016 của trường Lương Thế Vinh chúng ta. Tôi xin gửi đến các thầy cô, các cán bộ công nhân viên, các vị phụ huynh, các em học sinh lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Video bài nói chuyện cực xúc động của thầy Văn Như Cương gửi đến các em học sinh trước thềm năm học mới.
Bằng một cách ngắn gọn, cô hiệu phó đã nêu lên những kết quả tốt mà toàn trường chúng ta đã đạt được trong năm học trước, đặc biệt là kết quả xuất sắc của 588 em học sinh lớp 12 trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi. Tôi rất phấn khởi, hoan nghênh và nhiệt liệt biểu dương công trạng đó của khối 12. Tôi xin cám ơn các thầy cô giáo, các cán bộ, các bậc cha mẹ học sinh đã hết lòng chăm lo động viên các em học tập và rèn luyện tốt nhất trong năm học nhiều khó khăn và thay đổi vừa qua.
Nhân dịp này, tôi xin phép các vị lớn tuổi có vài lời với các em học sinh.
Các em thân mến!
Đã bao giờ các em suy nghĩ một cách nghiêm túc để trả lời đúng đắn cho một câu hỏi có vẻ tầm thường sau đây: "Hàng ngày chúng ta đến trường để học cái gì?". Phần lớn các em đều nhanh chóng có câu trả lời “Học những điều có trong sách vở, cụ thể nhất là trong sách giáo khoa”. Chính vì thế mà người ta nói “Cắp sách đến trường”.
Thầy năm nay đã 79 tuổi, thầy được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, rồi Đại học, sau Đại học, nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ… Và bây giờ khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực ra không phải là toàn những “bảo bối”, cũng không phải là những “cẩm nang thần diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy..., trong đó cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng. Bởi vì hồi bấy giờ nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường.
Cũng còn may là ở cái thủa thiếu thời ấy, thầy không chỉ chúi đầu vào sách vở mà do hoàn cảnh gia đình, thầy còn phải làm nhiều việc khác nhau, ngẫm nghĩ những vấn đề khác nhau… Dẫu sao thầy vẫn ân hận và lấy làm tiếc cho cái thủa đến trường ấy không tranh thủ để học được nhiều hơn những bài học bổ ích vốn không nằm trong chương trình và sách giáo khoa.
Kiến thức sách vở chỉ là vùng biển gần bờ
Bởi vậy với tư cách là một thầy nhiều tuổi nghề và nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi”.
Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.
Trong những năm học vừa qua, rất nhiều học em học sinh đã tham gia đội Thanh niên tình nguyện để làm những công việc khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn… Chẳng hạn trong suốt một tháng hè đã miệt mài lao động để làm đẹp thêm mái trường chúng ta, làm vệ sinh các phòng ốc, sơn mới các bức tường, sửa chữa nhà ăn… Qua đó đã thu hoạch được những bài học quý giá cho mình: biết tìm hiểu công việc, biết vạch kế hoạch làm việc, biết cách làm việc theo nhóm, biết phân công và hỗ trợ lẫn nhau, biết cải tiến kỹ năng lao động và biết sáng tạo trong lao động.
Qua những công việc mang tính phục vụ cộng đồng như vậy, mỗi cá nhân cảm thấy gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn… Thầy nghĩ rằng những bài học như thế không có hoặc ít có trong các tiết học toán, lý, tiếng Anh… hay sinh, sử.
Bên cạnh những niềm vui, đôi lúc thầy vẫn thoáng gặp những hiện tượng đáng buồn. Đó là khi thầy trông thấy một em nào đó vô tư vứt rác không đúng chỗ, đó là khi trên mặt bàn mới toanh ai đó đã ngang nhiên viết và vẽ nậy, hoặc bôi bẩn bằng kẹo cao su, đó là khi trên mặt tường trắng đẹp bỗng in hằn một dấu chân bẩn thỉu… Những hành động, tuy rất hiếm hoi nhưng không thể nào chấp nhận được, phải nói thẳng đó là những hành động không tử tế. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường trước hết các em phải là những người tử tế, muốn vậy cần phải học tập và rèn luyện thường xuyên ngay trong thời gian cắp sách đến trường.
Các em thân mến!
Rồi đây khi rời xa mái trường Lương Thế Vinh thân yêu, các em sẽ bước vào đời bởi nhiều con đường khác nhau, do chính mình lựa chọn, hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy. Thầy mong rằng những điều đã học – theo nghĩa rộng của từ này sẽ giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống. Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác. Nhưng nhất thiết phải là những người tử tế, biết yêu thương, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta. Đó là điều thầy mong chờ ở các em."