"Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề
cao quý", thầy cô chính là những người truyền lại ngọn lửa đam mê học tập
và dìu dắt, dạy dỗ thế hệ trẻ nên người. Việc dạy học cho những những học sinh
bình thường khó khăn bao nhiêu thì đối với những học sinh khuyết tật lại càng
trở nên vất vả gấp bội. Vì những đứa trẻ khiếm khuyết luôn có suy nghĩ mặc cảm,
tự ti và đặc biệt việc tiếp thu bài giảng luôn khó khăn hơn những người khác
nên giáo viên của họ không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn cần có tâm và tình
yêu thương.
Bởi khó khăn như thế nên không phải ai cũng có thể
trở thành giáo viên của những em học sinh này, thế nhưng bằng nghị lực và trái
tim của mình, cô Trần Kim Ngân đã cố gắng truyền đạt kiến thức đến các học
sinh, đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt để giúp đỡ và dìu dắt các em từng
bước đi lên trong cuộc sống.
Tốt nghiệp loại khá trường CĐ Sư phạm Hà Nội - Khoa nhạc họa thể dục năm 2011, Trần Kim Ngân được phân về giảng dạy tại trường Hi Vọng (Đức Giang - Long Biên - Hà Nội). Đây là ngôi trường mà hầu hết học sinh bị khuyết tật bẩm sinh về thính giác và khó khăn trong việc phát âm.
Sau hơn 4 năm gắn bó, cô giáo Ngân được giao nhiệm vụ quản lý thư viện kiêm phụ trách bộ môn thể dục và hỗ trợ giảng dạy "ngôn ngữ bằng tay" cho các em học sinh trong trường.
Sinh năm 1990, hiện cô đã lập gia đình và có một bé trai 4 tuổi bên cạnh người chồng hết mực yêu thương và luôn ủng hộ cô trong việc dạy dỗ trẻ em thiệt thòi.
Không như những người bạn cùng khóa tại trường CĐ Sư phạm, cô gái cá tính đã quyết định sẽ theo đuổi và gắn bó với mái trường đặc biệt này.
Khác với các học sinh ở môi trường sư phạm thuần túy, các em ở đây đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe nói hay làm các công việc bình thường như các bạn cùng độ tuổi. Những năm tháng trên giảng đường không dạy cô chuyên môn về việc giảng dạy khắc nghiệt như thế này, thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm, cô giáo Ngân cũng đã làm quen và nhận được sự hợp tác của các học sinh.
Hầu hết gia đình các em học sinh đều đặt niềm tin vào sự dạy dỗ cho cô giáo thế nên áp lực đặt lên cô Ngân không hề nhỏ. Qua những buổi tập huấn của các dự án đào tạo, bài học của các đồng nghiệp đi trước phần nào đã giúp cô nắm bắt được tốt hơn công việc của mình.
Cô giáo Ngân chia sẻ: "Được giảng dạy trong môi trường tốt, gần nhà là mơ ước của nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, cái duyên đã đưa mình đến với các em khiến mình luôn luôn muốn gắn bó. Mình coi chúng như chính đứa con mình đẻ ra và cảm thông cho sự thiệt thòi này, bản thân mình luôn luôn nỗ lực để giúp các em sớm có thể hòa đồng vào với cuộc sống bình thường".
Toàn trường PTCS Hi Vọng có 82 em học sinh và 14 thầy cô, trong đó có 18 em đang trong giai đoạn can thiệp sớm trước 6 tuổi. Hầu hết các em đều gặp khó khăn trong việc giao tiếp hàng ngày và cần được hỗ trợ các kỹ năng để hòa nhập xã hội.
Không nghe, không nói được nên mọi việc giao tiếp của các em học sinh đều dùng ký hiệu bằng tay. Cái khó khăn nữa là làm sao có những phương pháp giúp các em hiểu nhanh và hiểu đúng trong giao tiếp khiến cô giáo Ngân thường xuyên phải trau dồi nâng cao trình độ.
Cô Ngân chia sẻ, cô vô cùng hạnh phúc khi được những thầy cô đi trước dìu dắt cũng như có hậu phương gia đình luôn luôn ủng hộ công việc này. Biết vợ vất vả, hàng ngày việc đưa đón con luôn được người chồng đảm nhiệm, anh còn mày mò học "ngôn ngữ tay" để có thể động viên chia sẻ công việc với vợ mình.
Ấn tượng trong ngày 20/11 suốt 4 năm qua đối với Ngân đó là khi được đón nhận tiết mục văn nghệ của các em học sinh dành tặng cho mình. Thành quả và cũng như món quà lớn lao mà Ngân nhận được đó là khi những em học sinh 8, 9 tuổi tưởng chứng không bao giờ nói được lại có thể bập bẹ "chào cô". Đó là cơ hội để các em hòa nhập với môi trường học tập thuần túy.
Công việc hàng ngày tuy đơn thuần là những động tác thể dục, giúp các em biết các sắp xếp gọn gàng giá sách ở thư viện hay chuẩn xác những cử chỉ "ngôn ngữ" nhưng đó cũng là hạnh phúc đối với cô giáo Ngân.
Khi được hỏi về sự thay đổi công việc khi có cơ hội tốt hơn, cô giáo Ngân cho biết: "Mình sẽ vẫn chọn cho mình việc gắn bó với ngôi trường thân yêu này, đây là một công việc cao cả vì nó mang lại hạnh phúc và tiếng cười cho bao trẻ em thiệt thòi khác".
Cô Trần Thị Minh Thảo - Hiệu trưởng trường PTCS Hy vọng cho biết: "Việc dạy các học sinh bình thường đã khó, việc dạy các em khuyết tật lại càng khó khăn hơn. Ngân là cô giáo trẻ nhưng đầy tâm huyết với bộ môn giáo dục đặc biệt này. Cô giáo Ngân luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Tuy mới về trường được 4 năm nhưng cũng có không ít học sinh được cô dạy dỗ, can thiệp sớm đã có thể theo học tại các trường tiểu học, phổ thông bình thường".