Xuất tinh vón cục, bị vợ nghi oan

,
Chia sẻ

Giật mình thấy đám "binh tướng" của chồng xuất ra vón thành cục, Lê nhất quyết không cho chồng đụng vào người nữa vì nghi anh rước bệnh do "ăn bánh trả tiền".

Nhiều người khi xuất tinh thấy vón cục đều có chung tâm trạng lo lắng và thắc mắc không biết có phải do bệnh gì không, có ảnh hưởng tới khả năng làm bố về sau không.

Bỗng dưng... có tội

Hoàng (phố Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) 35 tuổi, là kỹ sư xây dựng, vừa hoàn thành chuyến công tác miền nam gần nửa năm. Sau đêm vợ chồng "hội ngộ", Lê vợ anh bỗng mặt nặng mày nhẹ và nhất quyết không cho chồng chung chăn gối nữa. Tất cả chỉ vì cô nhìn thấy đám tinh dịch mà anh "giải phóng" không bình thường như trước mà xuất hiện “hiện tượng lạ”. Nó lổn nhổn, lẫn những cục nhỏ màu trắng và dường như đông đặc hơn bình thường.

Ảnh minh họa

Lê khóc lóc, quả quyết chắc chắn rằng vì Hoàng đi "giải quyết nhu cầu ở bên ngoài" và lây bệnh hoa liễu nên giờ mới thế. Còn Hoàng thì khăng khăng rằng, nửa năm qua anh đi theo công trình ở vùng núi hẻo lánh, dù muốn cũng chả có “bánh” mà mua. Nhưng anh không giải thích được tại sao đám “binh hùng tướng mạnh” của mình lại trở nên lạ lùng như thế. 

Một trường hợp tương tự là Thành Hiếu, 23 tuổi, quê ở Bắc Giang, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Hiếu chưa có bạn gái nhưng đã một lần tò mò theo cậu bạn cùng phòng đi “thử để lấy kinh nghiệm”. Lần ấy Hiếu có dùng bao cao su. Hơn một tháng trở lại đây, mỗi lần “tự giải quyết”, Hiếu thấy tinh dịch của mình xuất ra có lẫn những hạt nhỏ, màu nâu đục, kèm theo cảm giác hơi đau khi xuất tinh. Cậu đang lo không biết đây có phải hậu quả của lần dại dột "thử nghiệm" kia không, và có ảnh hưởng gì đến chất lượng “con giống” sau này không.

Không có bệnh, tinh dịch vẫn có thể vón cục

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, về bản chất, tinh dịch gồm hai phần. Chiếm tỷ lệ lớn là chất lỏng, màu trắng đục, dính, chứa nước, muối khoáng, đường fructose, vitamin và cả protein. Phần còn lại gồm có tinh trùng, bạch cầu và các tế bào biểu mô. 

Khi cơ quan tạo ra tinh trùng bị viêm nhiễm, bạch cầu sẽ tập trung nhiều hơn. Quá trình tổn thương do viêm nhiễm cũng làm cho các tế bào biểu mô bong ra nhiều, lẫn vào tinh dịch khiến nó trở nên đặc hơn và có thể có những cục nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả khi không viêm nhiễm gì cũng vẫn có trường hợp tinh dịch bị vón cục như vậy. Bình thường, khi đã được xuất ra ngoài, tinh dịch cũng sẽ kết dính, ngưng tụ, sau vài phút mới loãng dần. Nhiều người lúc xuất tinh làm dính vào quần áo làm bằng loại vải thấm hút không tốt, tinh dịch dính vào không thấm được hết nên để lại những đốm cục nhỏ trên bề mặt vải, khiến nhiều người lầm tưởng mình đang bị bệnh.

Những quý ông suốt thời gian dài không có quan hệ tình dục, không xuất tinh (như trường hợp của anh Hoàng) cũng có thể bị vón cục trong tinh dịch. Lý do là tinh trùng và các tế bào biểu mô không thoát được ra ngoài, bị “già” đi và chết, tích tụ lại bên trong, tạo thành các cục. Thời gian ngừng sinh hoạt tình dục càng lâu thì tình trạng này càng rõ. Ở trường hợp này, các cục đông kết chỉ có màu trắng, trong, tinh dịch có thể đặc hơn và dính nhưng không có mùi lạ. Nếu sinh hoạt tình dục trở lại một cách điều độ, an toàn, vệ sinh thì dần dần hiện tượng này sẽ tự hết mà không cần phải can thiệp gì thêm.

Tuy nhiên, bác sĩ Hưng khuyến cáo các quý ông cần đặc biệt lưu ý nếu những cục đông trong tinh dịch có màu nâu hoặc hơi đỏ, dịch có dây sợi, có mùi khác lạ, kèm theo cảm giác đau khi xuất tinh hay có thêm các hiện tượng như tiểu buốt, tiểu rắt, khó đi tiểu... Đây là triệu chứng viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Khi đó, môi trường tinh dịch thay đổi khiến một số protein và muối khoáng kết tủa thành từng hạt nhỏ, tinh dịch trở nên đặc sánh hơn. Tinh trùng dù vẫn có thể sống nhưng rất khó di chuyển để thụ thai. Do vậy, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tinh trùng, khó khăn trong việc thụ thai sau này.

Bác sĩ Hưng cũng nhấn mạnh, tinh dịch vón cục không phải là một bệnh lý nguy hiểm, chỉ cần điều trị đúng thuốc và đủ liều là có thể giải quyết triệt để. Điều quan trọng là phải đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và chữa kịp thời. 

Theo Nam Thi
Đất Việt

Chia sẻ