Xuất thân thấp hèn nhưng tại sao Lệnh phi vẫn được Càn Long sủng ái trong cả Như Ý Truyện và Diên Hi Công Lược?
Trong hậu cung, muốn đắc sủng thì nhất định phải xài chiêu. Lệnh phi xuất thân thấp kém nhưng từ từ bước lên vị trí Hoàng Quý phi cũng đủ thấy bản lĩnh của bà lớn thế nào.
Lệnh phi Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) trong Diên Hi Công Lược và Lệnh phi Vệ Yến Uyển (Lý Thuần) trong Như Ý Truyện đều dựa trên nguyên mẫu Lệnh Ý Hoàng quý phi (tức Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu) trong lịch sử. Mỗi bộ phim xây dựng Lệnh phi một kiểu, bên chính diện, bên phản diện. Trong cả hai bộ phim, hai vị Lệnh phi đều bị chê xuất thân thấp kém nhưng vẫn giành được sự sủng ái cao nhất của vua Càn Long. Vậy họ có những tuyệt chiêu gì?
Lệnh phi – một chức danh, hai số phận.
Dám làm những việc không ai dám
Khác với những phi tần xuất thân hiển hách, Lệnh phi không có gia thế khủng để dựa vào, lại là người Hán. Những gì Lệnh phi có được đều tự mình giành lấy, dựa vào sự sủng ái của vua và phúc phần của con cái mà có chỗ đứng trong hậu cung. Thật không quá lời khi nói Lệnh phi là start-up thành công nhất Tử Cấm Thành, đi lên từ hai bàn tay trắng.
Anh Lạc cùng vua vẽ tranh.
Những chiêu thức tranh sủng của Lệnh phi Anh Lạc và Lệnh phi Yến Uyển có kha khá điểm tương đồng. Anh Lạc chơi diều, thả đèn trời thì Yến Uyển thả đom đóm thu hút sự chú ý của Hoàng đế. Anh Lạc vẽ tranh cùng Hoàng thượng thì Yến Uyển biết múa, biết hát côn khúc. Anh Lạc giả trang thị vệ, "cosplay" cô bán rượu để "câu dẫn" Hoàng thượng thì Yến Uyển cũng giả trang tì nữ, hầu Hoàng thượng tắm uyên ương.
Hai vị Lệnh phi lắm chiêu trò nhất Tử Cấm Thành đều là những người rất biết cách làm mới mình, chịu khó học hỏi, không xuất sắc cái gì nhưng cái gì cũng có thể học. Họ dám làm những việc mà những phi tần khác có biết cũng không dám làm vì họ không thể vượt khuôn khổ lễ giáo.
Yến Uyển lột đồ hầu tắm uyên ương dưới nước.
Nói về độ "bạt mạng" của mình, Anh Lạc từng nói với Na Lạp Hoàng hậu (Xa Thi Mạn) rằng: "Thần thiếp cái gì cũng dám làm, cái gì cũng có thể làm". Vệ Yến Uyển cũng thế, nhưng giữa họ vẫn có sự khác biệt lớn.
Khác nhau ở chính những việc "dám làm"
Lệnh phi Vệ Yến Uyển của Như Ý Truyện là ác nữ bị ghét nhất Tử Cấm Thành. Nàng dựa vào nhan sắc trời phú để thu hút Hoàng thượng (Hoắc Kiến Hoa), mà xinh đẹp vốn dĩ là một loại tài năng rồi.
Yến Uyển xuất thân thấp kém nhưng cũng học đòi làm sang, kết quả là thất bại thảm hại với món "tổ yến thập cẩm" khiến Hoàng thượng chán ghét. Biết mình không thể sang lên được, nàng bắt đầu ti tiện tới bến, dùng đủ chiêu trò để tranh sủng. Từ việc lén lút cho Hoàng thượng uống rượu lộc huyết bổ thận tráng dương khiến vua "say quên lối về" đến việc sẵn sàng lột đồ, hầu tắm uyên ương. Để đắc sủng, Yến Uyển không từ bất cứ thủ đoạn nào, mưu hại hoàng thất, triệt hạ các phi tần khác, thậm chí lật đổ cả Hoàng hậu.
Yến Uyển cho vua uống rượu lộc huyết khiến vua thị tẩm 4 phi tần một lúc.
Để mua vui cho Hoàng thượng, Yến Uyển chịu khó học đủ món kỹ nghệ cầm ca, từ múa đến hát côn khúc, thậm chí còn học bắn tên cho bằng mấy chị em Mông Cổ. Giữa một bàn tiệc đủ món sơn hào hải vị, Hoàng thượng ăn mãi cũng ngán, chính những món lạ như Vệ Yến Uyển lại đem đến khẩu vị tươi mới, khiến Hoàng thượng hứng thú. Chính Hoàng hậu Như Ý (Châu Tấn) cũng nói rằng mỗi phi tần giống như một bức tranh đẹp nhưng Hoàng thượng nhìn mãi cũng chán, Vệ Yến Uyển lại giống như một tờ giấy trắng để Hoàng thượng mặc sức vẽ nên những gì mình thích.
Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu là đây.
Đối với đàn ông mà nói, còn gì thích thú hơn có một nữ nhân xinh đẹp nhưng ngu ngơ ở bên để mình dạy bảo. Cái gì cũng xuất sắc rồi thì Hoàng thượng biết thể hiện ở đâu. Đối với một Càn Long phong lưu, đa tình, ưa của lạ thì chỉ có Yến Uyển mới hầu được mà thôi.
Ngụy Anh Lạc không có được vẻ đẹp sắc nước hương trời như Yến Uyển. Cô từng ngồi trước gương than thở với Minh Ngọc (Khương Tử Tân) về "cái mặt không chơi được" của mình. Xấu thì không xấu nhưng cũng không quá xinh đẹp, đặc biệt gương mặt lại có nét láu cá, ưu điểm là khiến cô không dễ bị bắt nạt nhưng nhược điểm là sẽ khiến người khác dè chừng, không dám tin tưởng. Ấy vậy mà "cái mặt đáng ghét" của Anh Lạc lại khiến Hoàng thượng (Nhiếp Viễn) bị ấn tượng và nhớ mãi, đêm nào cũng "xuất hiện trong giấc mơ của trẫm". Hoàng thượng năm lần bảy lượt véo má Anh Lạc, phán rằng cái mặt nàng nhất định ế đến già, phải ở trong cung cả đời "để trẫm nuôi" (đương nhiên là phải nuôi vợ rồi).
Anh Lạc "tâm sự mỏng" về nhan sắc với Minh Ngọc.
Ngay từ đầu Anh Lạc chẳng cần làm gì thì Hoàng thượng cũng đã tự động "đớp thính" rồi. Hoàng thượng từng rất mực yêu thương Phú Sát Hoàng hậu (Tần Lam) nhưng Hoàng hậu lại quá đoan trang, hiền hậu, thậm chí có lúc yếu mềm. Càn Long cần một người hiểu ông ta, có thể "đấu trí" với ông ta, về điều này thì Anh Lạc lại làm quá tốt. Nàng tự do, chân thực, cá tính nhưng biết cương biết nhu, mạnh mẽ khi cần và tỏ ra yếu đuối đúng lúc. Thay vì cố chiều lòng Hoàng thượng, nàng lại khiến Hoàng thượng phải thích nghi với tính cách của mình. Hoàng thượng chính thức "sập bẫy" Ngụy Anh Lạc và ngày càng lún sâu, không dứt ra được.
Anh Lạc cũng biết làm nũng Hoàng thượng.
Anh Lạc cũng lắm trò thật đấy nhưng không phải là kẻ tiểu nhân như Yến Uyển. Nàng sát phạt cả hậu cung nhưng không bao giờ vô cớ hại người, hơn nữa nàng còn "bảo kê" cho toàn bộ con trẻ ở Tử Cấm Thành. Về trình tranh sủng, giữ chồng thì Anh Lạc là nhất, nhưng cái chiến thắng vẻ vang của nàng hơn người ở chữ "tình". Anh Lạc không đoan trang hiền thục như Phú Sát Hoàng hậu, không xinh đẹp như Thuận tần (Trương Gia Nghê), không giỏi vẽ tranh như Thuần phi (Vương Viện Khả), không giỏi dạy con như Du phi (Luyện Trác Mai), nàng chỉ cần khiến Hoàng thượng yêu mình thôi. Hoàng thượng có chê nàng thô tục đi nữa cũng chỉ là mắng yêu lấy lệ, cuối cùng vẫn chiều nàng đấy thôi.
Giữa chốn hậu cung ba nghìn giai lệ, mưu sâu kế hiểm đến đâu thì cuối cùng chỉ có tình cảm chân thành mới giữ được trái tim đế vương. Và cũng nhờ một chữ tình của đế vương mà Anh Lạc mới có chỗ đứng vững chắc, nếu không nàng đã sớm bay đầu từ lâu rồi.
"Cái mặt không chơi được" nhưng mà Càn Long thích.
Khác biệt lớn nhất, một người là "con đẻ" còn người kia là "con ghẻ" của biên kịch
Nhân vật trong phim vốn không đại diện cho nhân vật lịch sử, họ chỉ là sản phẩm sáng tạo do biên kịch "đẻ" ra. Trong phim, Lệnh phi Ngụy Anh Lạc là nhân vật chính diện nên nàng làm gì cũng đúng, còn Lệnh phi Vệ Yến Uyển là phản diện nên làm gì cũng "auto" sai trái.
Ngụy Anh Lạc là nữ chính được "buff" nhất trong Diên Hi Công Lược, lúc nào cũng thông minh, tài giỏi, thấu tình đạt lý. Hào quang nữ chính của Anh Lạc có thể làm lu mờ tất cả mọi thứ. Đến "Hoàng hậu" Tần Lam cũng nói vui rằng: "Cô ấy cứ như con đẻ của biên kịch vậy".
Chị là nữ chính, chị không thể chết.
Nếu như Anh Lạc được coi như "con đẻ" của biên kịch Diên Hi Công Lược thì Yến Uyển đích thị là "con ghẻ" của tác giả Như Ý Truyện. Không biết Lưu Liễm Tử có thù gì với Lệnh phi không mà giập nàng không thương tiếc trên phim. Yến Uyển hèn hạ, ác dơ khiến người ta ghét đã đành, nàng còn bị "ăn hành" từ đầu đến cuối, trở thành phi tần rồi vẫn bị sỉ nhục, cuối cùng bị cả hậu cung "đánh hội đồng" và chết trong đau đớn. Vai diễn này gây ám ảnh cho Lý Thuần đến nỗi sau này cô không muốn nhận vai phản diện nữa.
Khổ thân Yến Uyển, đời này kiếp này chỉ được làm "con ghẻ" của biên kịch thôi.
Trong Diên Hi Công Lược, dù Kế Hoàng hậu là vai phản diện nhưng biên kịch vẫn giữ thể diện cho bà, thậm chí Xa Thi Mạn còn tỏa sáng hơn cả nữ chính với vai diễn này. Mối quan hệ giữa Lệnh phi và Kế Hoàng hậu tuy không tốt đẹp nhưng cũng không thù địch đến mức cạn tình cạn nghĩa. Cuối phim Lệnh phi còn xin Hoàng thượng giữ lại vị hào cho Hoàng hậu để trả ơn bà cứu mạng năm xưa.
Chung quy Lệnh phi trên phim sang hay hèn, vinh hay nhục, ti tiện hay quân tử cũng đều do bàn tay nhào nặn của các biên kịch mà thôi.