Xuất hiện tình trạng dội bom thư nặc danh dìm hàng các trường đại học
Vừa qua, nhiều học sinh, phụ huynh nhận được thư nặc danh có nội dung không chính xác, thiếu khách quan về nhiều trường Đại học ở Đà Nẵng. Sự việc diễn ra đúng lúc thí sinh đang phân vân chọn trường, ngành cho năm học mới...
Theo phụ huynh, học sinh, thư được gửi đến bên trong chứa nhiều tài liệu in trên giấy A4; nội dung phản ánh quá khứ, phân tích thực trạng 8 trường ĐH ở Đà Nẵng (hệ công lập: Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ; khối tư thục: Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT).
Trong đó, tài liệu chủ yếu bới móc, quy chụp, bôi nhọ; phân tích “lợi hại” của các trường để "định hướng" thí sinh nên chọn ngành nào, trường nào, học phí trường nào phù hợp nhất. Tài liệu trên còn thống kê điểm cộng, điểm trừ các trường.
Nhiều thông tin sai lệch
Những tài liệu được gửi đến phụ huynh phần điểm cộng của các trường được nhắc đến rất ít, chủ yếu là “điểm trừ” và thường là các thông tin sai lệch, có ý định “dìm” trường.
Về điểm trừ của các trường ĐH, tài liệu này nêu: Đối với ĐH Bách Khoa, sinh viên hầu hết thụ động, học lý thuyết nhiều nên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường. Học phí vào loại cao nhất miền Trung...
ĐH Kinh tế: Học phí khá cao, học phí và chất lượng đào tạo chưa tương xứng, nhiều phụ phí.
ĐH Ngoại ngữ: Cơ chế công lập nên không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, ít thực hành.
ĐH Sư phạm: Chuyên môn giảng dạy khá thấp vì nâng cấp từ trường Cao đẳng lên, cơ hội việc làm của sinh viên thấp.
ĐH Kiến trúc: Khá sơ sài, chưa có nhiều thành tích, tên trường dễ bị hiểu nhầm, mở nhiều ngành học để thu hút nguồn thu. Lập lờ tên gọi, thực tế là trường tư nhưng được hiểu là công lập khiến nhiều người lầm và nó đã làm lợi cho trường; nhiều sinh viên không vào được các trường khác thì tìm đến ĐH Kiến trúc.
ĐH Đông Á: Nâng cấp lên từ trường CĐ, chất lượng đào tạo thấp; nhiều điều tiếng những năm gần đây. Đội ngũ giảng viên non về chuyên môn và kinh nghiệm, lãnh đạo trường nguyên là Giám đốc doanh nghiệp, có quan hệ tốt với chính quyền nên được ưu ái về đất đai và một số cơ chế mở….
ĐH FPT: Học phí quá cao và nhiều phụ phí. Sinh viên phải học đến 6 level tiếng Anh, không qua level nào phải nộp tiền học lại dẫn đến sinh viên bỏ học nhiều vì cách tính điểm lên lớp bằng ngoại ngữ, 95% sinh viên ra trường có việc làm nhưng số sinh chạy grab hay tiếp thị điện thoại chưa được thống kê.
ĐH Duy Tân: Trường tư thục, học hơi căng, không lo học là bị thi lại ngay; trường có nhiều cơ sở (ở trung tâm thành phố) nên di chuyển hơi nhiều, là điều đáng ngại; trường nổi tiếng vì sự hà khắc của giảng viên trong việc đảm bảo các chuẩn đầu ra về học thuật, ngoại ngữ và tin học...
Phụ huynh, học sinh cần cảnh giác
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT Đà Nẵng, qua các tài liệu cho thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Đà Nẵng đang phải căng mình chống dịch COVID-19; phụ huynh và thí sinh rất khó khăn; chưa biết khi nào thi, các trường chưa biết khi nào khai giảng lại... với các trường đại học, thêm bớt dăm chục một trăm thí sinh không phải là chuyện lớn. Nhưng thông tin nặc danh, không đầy đủ, thiếu chính xác tác động đến việc chọn ngành chọn trường của thí sinh, và thí sinh mà chọn sai thì là chuyện lớn.
TS. Lê Trường Tùng cho rằng phụ huynh, thí sinh cần cảnh giác với các thông tin không chính thống. Cần tham khảo thông tin có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ các trường, từ báo chí...
TS. Tùng cũng cho rằng trước đây chỉ dùng chiêu trò dìm nhau trên mạng xã hội. Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện hình thức dội bom thư.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á cho rằng, để gửi được “bom thư” đến tay phụ huynh, học sinh như trên chứng tỏ người gửi phải xây dựng kế hoạch tỷ mỉ, có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng về nội dung cũng như về mặt tài chính. Bà thật sự buồn về sự cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay trong giáo dục.