Xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở TP.HCM

Thiên Kim,
Chia sẻ

166 con heo được nuôi tại phường Phú Hữu (quận 9, TP.HCM) vừa được phát hiện dương tính với virus tả heo châu Phi.

Thông tin này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết trong chiều 11/6.

Theo đó, ổ dịch được phát hiện là những con heo do hộ gia đình bà Lê Thị Ngọc Cẩm ngụ phường Phú Hữu, Quận 9 (TP.HCM) chăn nuôi.

Ổ dịch tả heo đầu tiên ở TP.HCM đã xuất hiện - Ảnh 1.

Heo chăn nuôi tại TP.HCM. (Ảnh: Sở NN&PTTN TP.HCM)

Trước đó vào ngày 10/6, gia đình bà Cẩm phát hiện đàn heo có dấu hiệu lạ, bỏ ăn nên báo cơ quan chức năng.

Mẫu bệnh phẩm sau đó được gửi đến Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh tả heo châu Phi.

Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố phối hợp với lực lượng chức năng địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn heo 168 con nói trên, đồng thời thực hiện các biện pháp khử trùng để tránh lây lan sang các khu vực chăn nuôi khác.

Ổ dịch tả heo đầu tiên ở TP.HCM đã xuất hiện - Ảnh 2.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đi kiểm tra nguồn gốc thịt heo nhập về các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố ít ngày trước.

Được biết, việc tiêu độc khử trùng và rải vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi, xử lý hố chôn sẽ được thực hiện liên tục 10 ngày kể từ khi tiêu hủy đàn heo.

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM cho biết thêm việc tiêu độc khử trùng sẽ được thực hiện kỹ lưỡng trong bán kính 3 km từ nơi phát sinh ổ dịch. 

Lực lượng chức năng cũng lập chốt kiểm soát heo ra vào trong địa bàn phường Phú Hữu.

Ổ dịch tả heo đầu tiên ở TP.HCM đã xuất hiện - Ảnh 3.

Đã có hơn 50 tỉnh thành trên cả nước phát hiện dịch tả heo châu Phi.

Như vậy với việc phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở TP.HCM, cả nước đã có tổng cộng 55 tỉnh thành xuất hiện dịch bệnh này.

Trong một diễn biến liên quan, Thành ủy TP.HCM đã ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng liên quan, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện khẩn trương, kiến quyết, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép; kiểm soát chặt chẽ nguồn heo và sản phẩm thịt heo tại các cửa ngõ của thành phố, các chợ và cơ sở giết mổ hợp pháp để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng địa phương phải quan tâm nguồn cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể các trường học, doanh nghiệp; áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

Đồng thời phải phổ biến chính sách thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để và không để dịch bệnh lây lan.

Chia sẻ