Học sinh lớp 5 viết văn nêu cảm nghĩ về 1 đoạn thơ, tác giả đọc xong muốn xỉu ngay tại chỗ: Phen này chắc đổi nghề luôn quá!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Khi bạn không có hứng thú nhưng vẫn bị bắt viết cảm nhận về tác phẩm, "thành quả" sẽ như thế này đây!

"Mẹ dặn đi thi kiểu gì cũng phải nặn ra chữ để không bị điểm điểm liệt và cái kết", lời chú thích cùng hình ảnh chia sẻ của 1 phụ huynh ở Hà Nội về bài tập của con mình khiến dân tình được một phen cười đau ruột.

Theo đó, khi được yêu cầu Viết một đoạn văn ngắn khoảng 5 câu nêu cảm nhận về đoạn thơ trên, cậu bé này đã có màn "phân tích" tác phẩm có 1 không 2, không chỉ tác giả mà hẳn cô giáo chấm bài đọc xong cũng lên tăng xông vì... choáng.

Cậu bé lớp 5 viết: "Đoạn văn trên em cảm thấy nó rất hay. Em thích nhất là hai câu nhân hóa em vừa tìm được" - đọc đến đây thì thấy có vẻ cũng nắm được tinh thần của bài thơ đây, hẳn phụ huynh cũng hy vọng lắm lắm. Nhưng ai dè 3 câu sau đó mới chiếm spotlight:

"Em thấy, tác giả nên sử dụng thêm nhiều biện pháp hơn. Những câu trên em không hiểu gì hết và tại sao lại liên quan đến nhau". Tiếp nữa, có lẽ cảm thấy hơi... áy náy vì chê tác phẩm, học sinh này viết thêm câu chốt "an ủi" tác giả: "Nhưng em biết tác giả đã phải nỗ lực để viết ra đoạn văn trên".

Xuất hiện đoạn văn nêu cảm nghĩ khiến các nhà phê bình khóc thét: Khen chê loạn xà ngầu, tác giả đang giận tím mặt thì đọc câu chốt "rớt nước mắt" - Ảnh 1.

Ảnh: Chi Nguyen

Toàn bộ đoạn văn có đúng 5 dòng (dù dòng cuối hơi "ăn gian" một chút), nhưng quả thật là đưa tác giả "từ đỉnh cao xuống vực sâu", trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Một đoạn phê bình tác phẩm không ai tưởng tượng được, đúng là chỉ có học sinh tiểu học mới đủ "năng lực" để sáng tạo ra những bài làm không đụng hàng như thế mà thôi.

Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học (bài văn, bài thơ) là trình bày những cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm đó. Khi lên cấp 2, học sinh sẽ được học sâu hơn vì thể loại này, tuy nhiên ngay từ tiểu học, bố mẹ có thể giúp con làm tốt những câu hỏi tương tự bằng cách hướng dẫn con đọc nhiều lần tác phẩm và nắm được nội dung chính của tác phẩm; Dụng ý nghệ thuật của tác phẩm trong việc thể hiện giá trị nội dung.... Từ đó, biết bộc lộ suy nghĩ của bản thân, biết viết thành một đoạn văn cảm thụ sinh động ở mức độ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi tiểu học.

Bên cạnh đó, việc đọc sách của các em hiện nay cũng đang bị xem nhẹ, phần lớn các em ít quan tâm đến việc đọc mà chủ yếu lại dành nhiều thời gian cho phim ảnh, trò chơi điện tử. Nếu có đọc thường là truyện tranh, thậm chí có truyện không mang tính giáo dục. Nhiều em vì thế có vốn từ nghèo nàn lại không biết sắp xếp như thế nào để bài viết  mạch lạc, trôi chảy, chưa diễn đạt được bằng vốn từ ngữ của mình.

Không chỉ giúp phát triển khả năng tư duy và tưởng tượng, những cuốn sách còn giúp con nuôi dưỡng tâm hồn, biết cách yêu thương, biết cảm thông, biết san sẻ và biết ước mơ. Đây đều là những tiền đề quan trọng để con học tốt môn Ngữ văn. Phụ huynh cần khuyến khích con phát triển thói quen này ngay từ nhỏ. 

Chia sẻ