Phú Thọ:

Xuất hiện 2 mẹ con “người rừng” ôm nhau sống lay lắt giữa đại ngàn

Lê Bảo,
Chia sẻ

Vào tuổi trăng tròn mười tám đôi mươi, chị là hoa khôi nổi tiếng khắp vùng đất Tam Nông (Phú Thọ), thế nhưng cuộc sống đẩy đưa khiến chị trở nên “thân tàn ma dại”, phải đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác sống lay lắt qua ngày.

Từ hoa khôi bỗng chốc hóa điên rồi trở thành “người rừng”

Vào những ngày cuối thu, chúng tôi tìm về xã Phương Thịnh thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ. Khi nhắc đến chị Nguyễn Thị Sinh, ai cũng biết và tỏ vẻ thương cảm. Người dân nơi này xem hai mẹ con chị Sinh là “người rừng” bởi hơn chục năm nay, hai mẹ con cứ ôm nhau đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để sinh sống.

Những năm cuối thập niên 80, khi đó, chị Sinh bước vào tuổi trăng tròn mười tám đôi mươi, chị là hoa khôi trong vùng với nước da trắng ngần, mái tóc đen nhánh và khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Chính điều này đã khiến biết bao chàng trai trong vùng say mê, theo đuối. Thế nhưng chẳng hiểu sao, chị Sinh lại đem lòng yêu thương anh TH. – người đàn ông làm nghề phụ hồ.

Xuất hiện 2 mẹ con “người rừng” ôm nhau sống lay lắt giữa đại ngàn 1
Chị Sinh đang xem sách vở của con trai.

Tình yêu đơm hoa kết trái, hai người nhanh chóng nên duyên vợ chồng trước sự nuối tiếc của nhiều chàng trai trong vùng. Cuộc sống tưởng chừng sẽ êm xuôi, nhưng hai vợ chồng cưới nhau nhiều năm mà chẳng có mụn con. Chị Sinh bao lần nói anh TH. đi kiểm tra nhưng anh không chịu bởi theo lý lẽ của anh TH, nguyên nhân vô sinh là do chị Sinh.

Xuất hiện 2 mẹ con “người rừng” ôm nhau sống lay lắt giữa đại ngàn 2
Dù bệnh tật, số phận đẩy đưa nhưng chị Sinh lại bằng mọi cách để con trai được đến trường, được học hành nên người.

Không có con, chị như sống trong ngục tù, người chồng suốt ngày chửi bới và dày vò chị, rồi những lần “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” diễn ra như cơm bữa. Biết mình là phận đàn bà, chị cố gắng nén khổ đau. Đến năm 2000, gia đình anh TH. đã ruồng bỏ chị. Không nhà cửa, không tiền bạc, không nơi nương tựa, vết thương tâm hồn lẫn thể xác đã khiến người đàn bà từng là hoa khôi trở nên điên dại từ đây.

Lúc này, gia đình bên ngoại đã đưa chị trở về nhà. Chị trở thành “người đàn bà điên”, ban ngày thì sống khá nép mình, còn ban đêm lại la hét, chửi bới bố mẹ đẻ, anh chị em trong nhà. Nhưng ít lâu sau chẳng hiểu sao, chị Sinh bỗng dưng có bầu. Tin chị có bầu khiến bất cứ ai trong vùng cũng sửng sốt, nhưng mọi người đều cảm thông với số phận éo le của chị.

Không lâu sau, “người đàn bà điên” đã sinh hạ một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu trong sự vui mừng của mọi người. Thế nhưng, lúc này, bệnh của chị lại nặng hơn, làm ảnh hưởng không ít đến người thân, hàng xóm. Cũng thời gian này, chị Sinh đã chính thức cùng con trai trở thành “người rừng”, nay chị dựng lều cánh rừng này, mai cánh đồi khác suốt 10 năm trời…

Cuộc sống khổ cực của hai mẹ con “người rừng”

Trao đổi với chúng tôi, anh Hiệu (anh trai của chị Sinh) không khỏi nghẹn ngào: “Hai mẹ con cứ ôm nhau sống lay lắt hết quả đồi này đến quả đồi khác trong rừng. Cứ sống được ở đâu chừng vài tháng đến gần 1 năm là người dân xung quanh đó xua đuổi khiến hai mẹ con phải chạy đi, chạy lại trên những quả đồi hoang. Gia đình chúng tôi biết bao lần dẫn mẹ con về nhà mà có chịu đâu”.

Chẳng hiểu do trời phù hộ hay sao mà đứa con trai chị Sinh luôn khỏe mạnh và thông minh, được chị đặt tên là Nhu. Suốt quãng thời gian đó, hai mẹ con dìu nhau mà sống. Để tồn tại giữa chốn rừng hoang, đồi vắng hai mẹ con hàng ngày đi kiếm rau rừng, củ sắn củ mài, bắt cá, săn thú rừng…

Xuất hiện 2 mẹ con “người rừng” ôm nhau sống lay lắt giữa đại ngàn 3
Anh trai chị Sinh đang chỉ cho chúng tôi về bữa cơm chỉ có cơm trắng và măng rừng.

Cuộc sống cứ thể trôi qua, mỗi lần người thân lên thăm chiếc lều của hai mẹ con đều dấm dúi cho vài cân gạo hay ít cá khô… 

Rồi mấy năm trước, gia đình không thể thuyết phục hai mẹ con trở về làng được, anh em họ hàng đành phải xin phép địa phương xây dựng một căn nhà cấp 4 cho hai mẹ con ở trong rừng. Từ khi có nhà mới, không lo thú dữ, mưa nắng nữa nhưng cuộc sống của mẹ con chị Sinh vẫn khổ cực trăm bề.

Xuất hiện 2 mẹ con “người rừng” ôm nhau sống lay lắt giữa đại ngàn 4
Cận cảnh bữa cơm của hai mẹ con "người rừng".

“Người đàn bà điên” hay “người rừng” có điên đến đâu đi chăng nữa thì tất cả tình thương yêu đều dành hết cho con trai. Bằng chứng cho việc này là chị Sinh đã cho con đến trường để học chữ, mong con thành người tử tế…

Xuất hiện 2 mẹ con “người rừng” ôm nhau sống lay lắt giữa đại ngàn 5
Căn nhà cấp 4 được gia đình xây trong rừng để hai mẹ con không phải sống cảnh lay lắt qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác.

Nói về điều này, Nhu rụt rè kể: “Hàng ngày đi học, mẹ thường dắt cháu tới trường, ngồi chờ cháu học xong lại dắt cháu về. Đường xa lắm, ngày nào cũng đi bộ từ sáng sớm và về thì đã quá trưa. Mẹ lại bế cháu đi xin gạo, xin rau ở nhà các bác về để nấu cơm. Nhiều hôm không có gạo, mẹ nấu rau sắn, rau muống hay măng tre ăn. Cháu muốn được đi học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”.

Hai mẹ con "người rừng" vẫn dìu nhau sống qua ngày, cách đây hai chục năm, ít ai ngờ rằng một hoa khôi trong vùng lại có số phận hẩm hiu và thương cảm đến vậy. Thương cảm bao nhiêu thì người ta lại càng trách, càng oán người chồng năm nào đã quá bạc tình với chị. Phải chăng chính vì chồng bội bạc đã đẩy chị hóa điên dại và sống trong khổ cực bao năm qua...!!!
Chia sẻ