Xu hướng tái hợp sau ly hôn
Hiện nay số các cặp vợ chồng mâu thuẫn phải tìm đến giải pháp li dị đang gia tăng. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện trào lưu những đôi sau khi li dị nỗ lực hàn gắn quan hệ.
Nhiều nuối tiếc sau khi chia tay
Bà Allerstein, Nhà xã hội học nổi tiếng của Mỹ, sau khi nghiên cứu trong vòng 15 năm về hậu li hôn, mới đây đã công bố công trình khoa học của mình. Đối tượng nghiên cứu là 200 cặp vợ chồng ở thành phố California (Mỹ) từng chia tay nhau; đa số họ đều là những người giàu có và thuộc tầng lớp tri thức... Sau 10 năm ly hôn, có tới 60% người chồng và 40% người vợ trong số đó vẫn còn có tình cảm nuối tiếc, những thái độ “không bình thường” khi tình cờ gặp lại “người cũ” hoặc nhìn thấy kỷ vật của “người cũ”...
Như vậy, theo bà Allerstein, cuộc hôn nhân đầu tiên luôn là những “ám ảnh” khó phai mờ. Nó khiến cho những cặp vợ chồng này bị cản trở rất nhiều về mặt tâm lý và họ rất khó có thể tìm được hạnh phúc nếu “đi bước nữa” với người khác.
Tại Trung Quốc, khi nghiên cứu về hiện tượng tái hôn, Luật sư Ke Zhi, người thiết lập trang đầu tiên chuyên về tư vấn luật cho các cặp vợ chồng li hôn, cho biết, hiện nay ở đất nước đông dân nhất hành tinh này, có khoảng 60% các cuộc hôn nhân đổ vỡ là do “sự phản ứng cảm xúc thái quá”. Chính vì thế, sau khi chia tay, các cặp vợ chồng thường nhanh chóng xuất hiện cảm giác ân hận, nuối tiếc và có xu hướng muốn được tái hợp nếu có điều kiện. Để chứng minh thêm cho xu hướng này, Ủy ban thành phố Bắc Kinh đã có cuộc khảo sát về tình trạng ly hôn tại 50 tỉnh/thành trong cả nước.
Một câu hỏi được đặt ra: “Liệu những cặp vợ chồng từng thấy mất tự do trong hôn nhân, có được hạnh phúc khi giải thoát khỏi hôn nhân?”. Kết quả cho thấy, có đến 70% các cặp li hôn cho rằng, họ đã sai lầm khi quyết định chia tay. Cũng theo báo cáo của nghiên cứu này, số cặp li hôn này quay trở lại với nhau ngày một gia tăng.
Nỗ lực để tái hợp
Ở Pháp, theo thống kê của Viện nghiên cứu quốc gia về dân số học, trong năm 2007, nước này có hơn 130.000 cuộc li hôn. Trong số này, rất nhiều cặp đã mong muốn được quay trở lại với nhau, vì họ đều nhận ra “không ai bằng người cũ của mình”. Bởi vậy, vào tháng 11/2009, tại Thủ đô Paris đã diễn ra một hội chợ dành riêng cho những người đã ly hôn. Chỉ trong ngày đầu tiên khai mạc, đã có khoảng 4.000 người đến tham dự.
Bà Brigite Gaumet, một trong những người đứng ra tổ chức hội chợ, cho biết, bên cạnh những hoạt động liên quan đến mai mối hôn nhân, tư vấn pháp luật, hỗ trợ việc li hôn cũng như các dịch vụ khác giúp cho người sau li hôn có thể đứng vững trong cuộc sống... thì Ban tổ chức còn đặc biệt chú trọng đến những nội dung như: Vai trò của phẫu thuật thẩm mỹ, để giúp hình ảnh của một ai đó trở nên hấp dẫn hơn với vợ cũ (hoặc chồng cũ); áp dụng phương pháp Gestalt - quyến rũ chồng cũ (hoặc vợ cũ ) trở lại với mình...
Nội dung này đã được thảo luận trong hai ngày liên tục và thu hút được nhiều người tham gia nhất. Ngoài ra, tại các gian hàng tư vấn sắc đẹp, khách hàng đa phần là nữ giới, đến đây mong được hướng dẫn cách giảm béo, giúp họ trở nên ưa nhìn hơn trong mắt của người chồng đang muốn phá vỡ hôn nhân.
Thêm nữa, theo PGS Claire Kamp Dush, giảng viên Khoa học gia đình và phát triển con người của trường Đại học bang Ohio (Mỹ), khi nghiên cứu về 5.000 hộ gia đình trên toàn nước Mỹ trong ba thập kỷ qua đã đưa ra kết luận: Hiện nay, những gia đình đã li hôn, khi người bố hoặc người mẹ quyết định tái hôn với một người nào khác, thì họ nhận ra điều đó hoàn toàn không hề tốt cho con cái.
Đại đa số các bậc phụ huynh thấy rằng, con mình sẽ gặp phải những áp lực về tâm lý và xáo trộn cuộc sống rất nhiều. Bởi vậy, bà Claire Kamp Dush khẳng định, những cặp vợ chồng Mỹ đã li dị bắt đầu có xu hướng “nghĩ nhiều cho con” và họ cho rằng, nếu có thể quay lại được với nhau để “vì con” thì vẫn là giải pháp tối ưu.
Những quan điểm như “không ai bằng người cũ”, “hôn nhân là vì con cái” đã và đang giúp nhiều cặp vợ chồng cảm thấy sẵn sàng hơn trong việc “làm gì đó để níu kéo” hoặc dễ “mở lòng hơn” trong tiến trình tái hợp.
Theo Bảo Anh
TGPN