Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ để tăng cơ hội thăng tiến của nam giới Trung Quốc

Huệ Anh,
Chia sẻ

Tiêu chuẩn phẫu thuật thẩm mỹ và hoàn thiện ngoại hình đã khiến nhiều thanh niên Trung Quốc có cảm giác "bị định kiến" nếu tự loại mình ra khỏi "cuộc chơi nhan sắc".

Lo ngại rằng ngoại hình không thực sự ưa nhìn có thể khiến bản thân mất đi nhiều cơ hội thăng tiến trong xã hội Trung Quốc đầy tính cạnh tranh, anh Xia Shurong đã quyết định tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Anh Shurong chỉ là một trong số hàng triệu thanh niên tại đại lục nhờ đến "dao kéo" để thay đổi vẻ bề ngoài, trong bối cảnh nam giới trẻ tuổi tại quốc gia này ngày càng chịu nhiều áp lực hơn bởi những tiêu chuẩn chung về cái đẹp, nhất là sau khi cái tên "tiểu tiên nhục" hay "tiểu thịt tươi" ra đời. Đây là từ thông dụng chỉ những chàng trai trẻ thế hệ 9X mới nổi tại Trung Quốc đang "bao sân" toàn bộ sự hâm mộ của các cô gái trẻ bởi vẻ ngoài hoàn mỹ. Dù bị giới phê bình Trung Quốc chỉ trích, song những "tiểu tiên nhục" đang "thống trị" làng giải trí Hoa ngữ vẫn vô hình trung tạo ra những tiêu chuẩn riêng biệt trong xã hội.

 - Ảnh 1.

Anh Xia Shurong chỉ là một trong số hàng triệu thanh niên tại đại lục nhờ đến "dao kéo" để thay đổi vẻ bề ngoài (Nguồn: AFP)

"Tôi thấy mình nên là một "tiểu thịt tươi" ở độ tuổi này. Buồn là tôi lại trông giống như một ông chú trung niên vậy" - anh Shurong giải thích.

Vậy nên, người đàn ông này đã quyết định chi ra 40.000 Nhân dân tệ, tức khoảng hơn 6.000 USD để "mua" sự tươi trẻ. "Tôi lớn lên ở nông thôn, nên da mặt sạm đen lắm, nhìn chung là không đẹp. Tôi luôn cảm thấy mình thật kém cỏi" - anh nói thêm.

Phẫu thuật thẩm mỹ trở thành xu hướng

Sự thịnh hành của những trang mạng xã hội Trung Quốc đầy ắp những bài đăng về tiêu chuẩn phẫu thuật thẩm mỹ và hoàn thiện ngoại hình đã khiến nhiều thanh niên trẻ có cảm giác bị định kiến nếu tự loại mình ra khỏi "cuộc chơi nhan sắc". Theo Xia Zhengyi, bác sĩ thực hiện thủ thuật cho anh Xia Shurong, ngày càng nhiều nam giới có học thức coi phẫu thuật thẩm mỹ là con đường ngắn nhất giúp họ có thêm cơ hội và chỗ đứng. 

"Phẫu thuật giúp bạn thay đổi đường nét trên khuôn mặt và tạo thiện cảm rất tốt trong các mối quan hệ xã hội".

 - Ảnh 2.

Ngày càng nhiều nam giới Trung Quốc coi phẫu thuật thẩm mỹ là con đường ngắn nhất giúp họ có thêm cơ hội và chỗ đứng (Nguồn: AFP)

Công ty nghiên cứu iResearch cho biết, khoảng 17% nam giới Trung Quốc đã phẫu thuật thẩm mỹ. Đa số đều bắt đầu thực hiện từ trước độ tuổi 30. Các nhân viên công chức cũng quyết định thay đổi ngoại hình vì lo sợ rằng vẻ bề ngoài không ưa nhìn có thể khiến họ mất đi cơ hội thăng tiến. Dựa trên khảo sát với 8,9 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, ứng dụng phẫu thuật So Young cho biết, nhóm chuộng phẫu thuật tạo hình mắt và mũi nhất là những thanh niên trong độ tuổi 20.

 - Ảnh 3.

Khuôn mặt người mẫu Trung Quốc Nai Wen sau khi trải qua 60 lần phẫu thuật thẩm mỹ (Nguồn: AFP)

Gia tăng thu nhập bình quân tại Trung Quốc kể từ năm 2010 chính là một trong những yếu tố khiến phẫu thuật thẩm mỹ trở thành xu hướng. Nhiều người thậm chí còn từ bỏ công việc hiện tại để trở thành những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ của bản thân và tìm kiếm lợi nhuận từ những bài đăng liên quan đến vấn đề này.

"Bạn có thể làm nhiều công việc liên quan đến ống kính hơn nhờ ngoại hình ưa nhìn" - anh Zhang Xiaoma, một blogger đã từ bỏ lĩnh vực công nghệ thông tin và tìm đến công việc tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ cho biết.

Nguy cơ "khủng hoảng nam tính"

Theo iResearch, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc hiện trị giá 197 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 30 tỷ USD, tăng gấp 3 kể từ năm 2015. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu chỉnh sửa ngoại hình khiến giới chức Trung Quốc lo ngại rằng quốc gia này có thể đối mặt với nguy cơ "khủng hoảng nam tính" nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, phẫu thuật thẩm mỹ có thể sẽ trở thành chất gây nghiện, đặc biệt đối với những ai ám ảnh về một ngoại hình hoàn mỹ.

 - Ảnh 4.

Chính phủ Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích mặt trái của ngoại hình "tiểu thịt tươi" (Nguồn: AFP)

Trước đó, chính phủ Bắc Kinh cũng đã lên tiếng chỉ trích mặt trái của ngoại hình "tiểu thịt tươi". Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 7.200 đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng và độ an toàn của phẫu thuật thẩm mỹ.

Xiaoran, một người có tầm ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội đã qua đời ở tuổi 33 vì nhiễm trùng nặng sau hút mỡ. Phòng khám nơi cô phẫu thuật ngay lập tức bị yêu cầu dừng hoạt động. Gao Liu - nữ diễn viên trẻ mới nổi tại Trung Quốc cũng từng trải lòng trên trang mạng Weibo cá nhân: "Chỉ vì muốn trở nên xinh đẹp nên tôi quyết định đi phẫu thuật. Giờ đây, mũi đã bị hoại tử. Tôi mất việc. Cuộc sống trở nên thật mệt mỏi".

 - Ảnh 5.

Nữ diễn viên Trung Quốc Gao Liu bị hoại tử mũi sau phẫu thuật thẩm mỹ (Nguồn: Mottokorea)

Hệ lụy tiêu cực sau ca phẫu thuật này khiến quan điểm về một vẻ đẹp đậm chất truyền thống trong xã hội đã bắt đầu được chính phủ Trung Quốc khuyến khích hơn bao giờ hết.

Nam giới Nhật Bản cũng ngày càng quan tâm đến ngoại hình

Không chỉ riêng Trung Quốc, nam giới Nhật Bản cũng đang ngày càng quan tâm đến ngoại hình khi liên tục phải tham gia các cuộc họp trực tuyến. Tuy nhiên, thay vì tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, họ chọn một phương pháp ít rủi ro và tốn kém hơn: Trang điểm. Xu hướng này đã giúp nhiều tiệm make-up và làm tóc này tại Nhật Bản thoát khỏi bờ vực phá sản, trong đó có doanh nghiệp của anh Takumi Tezuka.

"Khách hàng của chúng tôi chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 40 - 60. Họ thường xuyên ghé thăm tiệm và có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn so với những người trẻ. Chính vì vậy, công việc kinh doanh của chúng tôi đã ổn định hơn rất nhiều" - anh Tezuka cho biết.

 - Ảnh 6.

Anh Kamichi, doanh nhân 44 tuổi đang trang điểm tại một tiệm làm đẹp ở Tokyo (Nguồn: AP)

Shiseido - nhà sản xuất mỹ phẩm lớn tại Nhật Bản cũng đã cho ra mắt một ứng dụng làm đẹp giúp nam giới nhìn giống như đang sử dụng các sản phẩm kem dưỡng và phấn phủ của hãng, qua đó thỏa mãn nhu cầu làm đẹp đang bùng nổ.

Chị Ayumi Miyamoto, nhân viên của Shiseido cho biết: "Chúng tôi đã nhận được tin nhắn của những nam doanh nhân mong muốn được trải nghiệm ứng dụng này. Chúng tôi vốn chỉ phát triển nó cho nữ giới thôi, nhưng nay đã nghiên cứu mở rộng sang nam giới".

Theo công ty nghiên cứu Fuji Keizai Group, thị trường mỹ phẩm nam giới Nhật Bản ngay từ trước đại dịch đã tăng từ khoảng 5,5 tỷ USD lên 5,7 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019. Mức tăng trưởng trên được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới nhờ nhu cầu bùng nổ của nam giới đối với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Động lực này chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi văn hóa trang điểm nam giới, đặc biệt ở những người trẻ, được truyền cảm hứng bởi những ngôi sao K-pop.

Chia sẻ