Xót xa hơn 1.500 học sinh TPHCM lâm cảnh mồ côi vì dịch

LÊ HỮU VIỆT,
Chia sẻ

Chỉ sau một mùa hè, 4 chị em Phạm Yến Nhi (ngụ ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) mất cả bố lẫn mẹ vì COVID-19. Bốn chị em nằm trong số 1.517 trẻ em lâm cảnh mồ côi vì đại dịch.

Câu chuyện buồn của 4 chị em Nhi bắt đầu từ đầu tháng 7, thời điểm bố các em là ông Nguyễn Phú Hiếu, bảo vệ dân phố phường Tân Thới Nhất, mắc COVID-19 khi làm nhiệm vụ tại các chốt phong tỏa. Chỉ 10 ngày sau, ông Hiếu qua đời. Nỗi buồn mất bố chưa nguôi thì hơn 1 tuần sau, mẹ em cũng ra đi mãi mãi vì COVID-19.

Nhi cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cả gia đình rời quê nhà Tây Ninh lên TPHCM mưu sinh. “Cha mẹ em là lao động tự do, em học hết lớp 12 rồi đi bán quần áo phụ gia đình. Vì khó khăn, đứa em thứ hai học xong lớp 8 cũng nghỉ học, đi làm phụ quán cà phê. Nhưng mấy tháng nay vì dịch bệnh nên cả gia đình em thất nghiệp ở nhà”, Nhi kể.

Xót xa hơn 1.500 học sinh TPHCM lâm cảnh mồ côi vì dịch - Ảnh 1.

Từ tuần trước, hai cô em nhỏ (một bé lớp 5, một bé lớp 6) học trực tuyến nhưng nhà chỉ có một điện thoại của Nhi nên phải sang học nhờ nhà cậu gần đó. Nhi nói em cũng nghe chính quyền địa phương hỗ trợ máy tính, nhưng đến nay chưa thấy gì… “Sắp tới, khi dịch được kiểm soát, chúng em sẽ kiếm một nhà trọ khác nhỏ hơn để giảm chi phí sinh hoạt, nhưng hy vọng là không xa trường học để hai cô em út không đi lại vất vả. Còn tương lai xa, chúng em chưa dám nghĩ tới mà chỉ đơn giản là động viên nhau, lạc quan trong những ngày không còn cha mẹ và hy vọng hai cô em không thất học sớm như hai chị đầu”, Nhi tâm sự.

Trợ giúp trẻ mồ côi, mắc bệnh

Ngày 14/9, Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về tình hình học sinh học tập đầu năm học 2021-2022. Theo lãnh đạo ngành giáo dục thành phố, trong khoảng 1.500 học sinh mồ côi, có hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên. Số học sinh mồ côi bố hoặc mẹ vì COVID-19 nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.

TPHCM có hơn 10.000 trẻ em mắc COVID-19 từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trường hợp trẻ em (người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em) đang điều trị do mắc COVID-19, hoặc cách ly y tế để phòng chống dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/ngày. Trẻ em còn được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng. Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.

Khi trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung), trẻ được chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xác minh hoàn cảnh hỗ trợ gạo, mì gói, sữa... Nếu trẻ quá khó khăn, địa phương kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ. Trẻ em có cha mẹ qua đời vì COVID-19 được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng.

Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi, hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm

Số liệu mà Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp từ các địa phương cho thấy, tính tới hết tháng 8, cả nước có gần 12.000 trẻ mắc COVID-19, hơn 27.300 trẻ là F1, tập trung ở TPHCM. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý, trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc từ bố mẹ do phải cách ly y tế, hoặc bố mẹ phải đi cách ly, chữa trị, tử vong… Ngoài ra, trong thời gian ở nhà, trẻ đối mặt nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích (đã có trẻ bị bỏng tại khu cách ly, bị điện giật, ngã).

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, ông Đặng Hoa Nam, nói: “Để phòng tránh tai nạn với trẻ khi học trực tuyến, đầu tiên vẫn là gia đình phải phòng tránh, như hạn chế dùng máy tính, điện thoại để học khi đang cắm điện sạc; lắp thêm thiết bị tự ngắt dòng điện khi có chập, cháy, cùng học với các em. Với giáo viên, ngoài dạy kiến thức, còn phải gánh thêm vai chuyên gia tư vấn tâm lý; nay trước mỗi giờ học nên có vài phút để hướng dẫn, cảnh báo các em về nguy cơ điện giật, cháy nổ thiết bị...”.

Chia sẻ