Xót thương cụ bà 90 tuổi rách tả tơi, mò cua bắt ốc giữa trời đông giá
Bên trong ngôi nhà của cụ không có nổi chiếc giường để ngủ, xung quanh thì chất đầy đồ phế liệu. Cụ nói: “Tôi chỉ mong chết thôi, sống bằng ấy tuổi rồi, sống thêm chỉ khổ con khổ cháu”.
“Cụ bà 90 tuổi, mùa đông chỉ có chiếc áo cộc rách, lạnh quá
cụ nhặt được cái áo mưa giấy rách khoác thêm vào người cho đỡ lạnh. Có con, có
cháu mà để mẹ mình, bà mình khổ sở thế này. Gặp cụ nhìn cảnh tượng này chỉ nghĩ
gặp vào những năm của thế kỷ trước”.
Chị H.G.P. người đăng tải đoạn clip với nội dung trên qua mạng xã hội cũng thông tin thêm: “Cụ người thôn Đấu Tranh, xã Minh Cường, Thường tín, Hà Nội. Cụ hay nhặt nilông, bắt ốc ở gần cầu vượt Đỗ Xá”.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện này, trưa ngày 11/12, chúng tôi đã về thôn Đấu Tranh, Thường Tín, Hà Nội. Lúc chúng tôi đến nơi, bà cụ đang lom khom bán nước giúp con gái tại một quán nước ven đường của thôn. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một bà cụ với khuôn mặt đầy nếp nhăn, đôi bàn tay khô nhám và đôi chân trần đầy vết rạn xước.
Bà cụ vẫn tỏ ra khá minh mẫn, cụ cho biết tên là Nguyễn Thị Lộc (90 tuổi), ở thôn Đấu Tranh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Lộc không ngần ngại chia sẻ về cuộc đời éo le của mình.Theo lời cụ Lộc, sau khi lấy chồng và sinh được một người con gái thì vợ chồng bỏ nhau, cụ ở cùng người con gái ấy là chị Nguyễn Thị Tuyết (47 tuổi). Tuy nhiên, chị Tuyết không được "khôn ngoan" như người khác nên sau khi lập gia đình, vợ chồng có với nhau hai mặt con, ba mẹ con chị lại quay về ở với bà.
“Hằng ngày bốn mẹ con bà cháu bấu víu vào nhau sinh sống. Nó bán nước nuôi hai con, còn tôi thì đi mò cua bắt ốc để kiếm thêm tiền đong gạo để mẹ con bà cháu bớt khổ. Tôi già rồi thấy con cái khổ tôi thương lắm nên làm để đỡ đần con, cứ chiều đến tôi lại đi mò cua ốc”, bà cụ Lộc cho biết.
Trong khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện với cụ Lộc, thì chị Tuyết, con gái bà trở về và ngồi tâm sự với chúng tôi: “Ở đây mẹ con tôi bám vào quán nước cũng đủ sống. Nhưng mẹ tôi thấy con cháu khổ lại cặp xô đi mò cua bắt ốc, thương mẹ nhưng không sao ngăn được mẹ vì mẹ tôi đã quyết là bà làm. Hôm nào rét mướt quá, khuyên mãi mẹ mới chịu ở nhà”, chị Tuyết khóc nói.
Không cho ai vào nhà vì … “xấu hổ”
Chị Tuyết dẫn chúng tôi vào căn nhà nơi trú ngụ của mẹ con chị. Quanh căn nhà, chúng tôi chỉ nhìn thấy bề bộn của tạp nham đồ phế liệu, không có vật dụng gì đáng giá. Nhìn vào một đống phế liệu chất ở góc nhà, chị Tuyết kể: “Mẹ tôi kiệm lắm, đi đâu, thấy cái gì bà cũng nhặt nhạnh về để trong nhà, khắp nhà đâu đâu cũng chỉ thấy đồ phế liệu. Bà không cho ai vào nhà vì bà xấu hổ, trong nhà không có gì cả”.
Chị Tuyết trải lòng: “Hằng năm dù nghèo khó thế nào tôi vẫn dành dụm mua cho mẹ bộ quần áo nhưng mẹ tôi nhất quyết không mặc. Thấy con cái mua quần áo cho mình bà lại xót tiền bảo để lo cho các cháu”.
Sau khi ghé thăm bên trong ngôi nhà trên, trở lại với chiếc bàn bán hàng của con gái, cụ Lộc ngước đôi mắt buồn nhìn chúng tôi, nói một câu khiến ai trong chúng tôi cũng chạnh lòng: “Tôi chỉ mong chết thôi, sống bằng ấy tuổi rồi, sống thêm chỉ khổ con khổ cháu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Trưởng thôn Đấu Tranh, xã Minh Cường cho biết: “Ở xã này ai cũng biết bà cụ. Chính quyền địa phương chúng tôi rất quan tâm, hằng tháng cả hai mẹ con bà được trợ cấp 875.000 đồng để trang trải cuộc sống vì bà thuộc diện người già cô đơn, con gái thì không được "khôn ngoan". Ngoài ra chúng tôi cũng hỗ trợ tiền điện, cấp nước sạch miễn phí để bà sinh hoạt”.
Nói rồi, ông Tuấn lắc đầu ngao ngán thở dài: “Dân chúng tôi ở đây tuy nghèo khó, nhưng luôn bảo nhau cho tiền, gạo. Tuy vậy bà cụ nhất quyết không nhận. Hằng ngày bà đi thu gom phế thải, mò cua bắt ốc, làm đủ mọi việc để lo cho con cái. Chúng tôi thấy cũng rất thương bà”.