Xôn xao clip nam thanh niên bị quay lén ở nhà vệ sinh trung tâm thương mại
Clip nam thanh niên đi vệ sinh ở trung tâm thương mại rồi bị một người đàn ông quay lén đang xôn xao mạng xã hội.
Những ngày qua mạng xã hội xôn xao clip nam thanh niên khi đi vệ sinh ở trung tâm thương mại đã bị một người đàn ông quay lén. Người đàn ông núp phía bên trong phòng vệ sinh và bị nạn nhân phát hiện.
Nam thanh niên bị quay lén đã báo bảo vệ trung tâm thương mại và khi bảo vệ đến người đàn ông vẫn cố thủ trong phòng vệ sinh. Sau đó người này bị áp giải ra ngoài. Sau khi clip xuất hiện trên mạng, nhiều người cho biết từng rơi vào tình huống tương tự.
Xôn xao clip nam thanh niên bị quay lén ở nhà vệ sinh trung tâm thương mại
Về vấn đề pháp lý, hành vi quay, chụp hình khi chưa được sự đồng ý của người khác là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được hiến định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013.
Điều 32 và Điều 38 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".
Nếu cá nhân hay tổ chức nào có hành vi quay lén, chụp ảnh người khác mà người đó chưa có sự đồng ý thì đều là hành vi trái với quy định của pháp luật.
Việc lén lút quay, chụp này thường sẽ có 2 mục đích, thứ nhất là dùng để thoả mãn dục vọng hoặc vì có sở thích quái dị; hai là, sử dụng vào mục đích khác. Cả hai trường hợp trên nếu bị phát hiện thì đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc Hình sự.
Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự; mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm.
Trường hợp người nào sử dụng các hình ảnh, clip quay lén này để làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" theo quy định tại Điều 326 bộ luật Hình sự, mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.
Người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường.
Trong trường hợp bị quay lén và bị đăng tải hình ảnh lên các nền tảng mạng mà không biết thủ phạm là ai thì nạn nhân cần thực hiện ngay việc xác lập các chứng cứ về hành vi vi phạm này: quay video, chụp hình lại hoặc lập vi bằng để làm chứng cứ và làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an để yêu cầu điều tra xử lý theo quy định.