Xóa bức tường ngăn cách giữa con chung, con riêng

,
Chia sẻ

Một gia đình có con chung, con riêng thường rất dễ nảy sinh phức tạp hơn một gia đình bình thường, chưa kể là những đố kỵ, ghen ghét, thù hận cũng có thể phát sinh.

Ở nước ta, mỗi năm có hàng nghìn vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng. Do đó, những đứa con trong gia đình không phải lúc nào cũng thuộc cùng một dòng máu. Chuyện con chung – con riêng liệu có sống hoà đồng?
 
Dù sao cũng chỉ là “dì ghẻ”

Nuôi con của người khác không hề là chuyện mới, với truyền thống nhân ái của người Việt, từ xưa nhiều gia đình tuy đã đông con vẫn nhận nuôi những đứa cháu côi cút, hoặc những đứa trẻ tuy không cùng dòng máu nhưng cha mẹ chúng thất cơ lỡ vận không nuôi nổi cũng được cho người khác làm con nuôi.

Thế nhưng “cha kế, mẹ kế” thường để lại nhiều giai thoại, đặc biệt là người phụ nữ, từng bị chiết danh với từ “mẹ ghẻ”, tạo ra một thành kiến không dễ đập bỏ, dù cũng có những người mẹ kế tốt không kém gì mẹ ruột.

Chị Liên lấy chồng khi 28 tuổi. Khi đó, chồng chị đã có một đời vợ, 2 đứa con gái riêng. Anh chị đến với nhau đúng theo kiểu sét đánh và quyết định kết hôn của hai người đã làm bố mẹ chị phải đi bệnh viện vì buồn phát ốm. Nhưng đám cưới vẫn diễn ra. Rất may là cả hai cho đến giờ, khi đã có với nhau 2 đứa con đều không cảm thấy ân hận, và tình yêu khi vượt qua thử thách càng có trở nên vững bền. Nhưng chị Liên phải đối diện với một thử thách thật khó khăn, đó là sống chung với hai đứa con của anh ấy.

Đứa lớn năm nay đã hơn hai mươi, sau một trận cãi vã với bố đã bỏ vào Sài Gòn sống với mẹ. Đứa nhỏ năm nay học cấp ba. Nó tương đối ngoan trong mắt mọi người nhưng có một lần, vô tình chị đọc được các entry trong blog của nó. Khi đó chị đang có bầu đứa thứ hai.Chị cảm thấy bị shock ghê gớm. Đứa nhỏ viết: Nó chả thích có em tí nào, mặc dù nó cũng thích trẻ con, nhưng em thì không bao giờ. Và nó gọi chị bằng những đại từ rất khủng khiếp. Chị Liên thực lòng đã rất chăm bẵm nó từ khi lấy bố chúng làm chồng. Nhưng chị không ngờ được một đứa con gái 15 tuổi có thể sống một lúc bằng hai gương mặt. Thường ngày nó rất tử tế, nhưng hóa ra trong lòng nó nghĩ rất xấu về chị, về các em cùng cha khác mẹ của nó.

Lâu nay, chị chỉ nghĩ đơn giản nếu đối xử tốt với trẻ thì nó sẽ tốt lại với mình nhưng hóa ra không phải. Và chị nhận ra, nó rất khó chịu với sự tồn tại của hai đứa em, khi chị vắng nhà nó thường xuyên tìm cách hành hạ đứa lớn, đứa thứ hai bé quá nên có lẽ nó đã bỏ qua. Chị đem chuyện nói với chồng vì không còn cách nào khác. Anh rất thông cảm với nỗi khổ của chị. Anh nói chuyện với đứa nhỏ thì nó vẫn hồn nhiên trả lời: “Dù sao đó cũng chỉ là “dì ghẻ” không phải mẹ của con!”

Tình yêu thương - lời hoá giải ngọt ngào:

Một gia đình có con chung, con riêng thường rất dễ nảy sinh phức tạp hơn một gia đình bình thường, chưa kể là những đố kỵ, ghen ghét, thù hận cũng có thể phát sinh. Chỉ có tình thương yêu và sự công bằng mới hóa giải được những phức tạp ấy. Việc con riêng sống chung với mẹ kế hoặc bố dượng tuy không phải lúc nào cũng êm ấm, hoà thuận nhưng chuyện bố dượng hoặc mẹ kế thương yêu con riêng của bạn đời không phải hiếm khi mà giờ đây, nhiều người đã suy nghĩ thoáng hơn trong chuyện hôn nhân. Chuyện của Chi là một ví dụ.

Trong ví của cô luôn có tấm ảnh ố vàng chụp một người đàn ông lớn tuổi, đó là cha ruột cô. Chi không biết gì về người đàn ông này cũng như sự ra đời của mình, vì mẹ không nói. Tuy nhiên, tình cảm cha con không xa lạ với Chi, bởi người cha dượng thương cô hết lòng, khiến cô mang ơn và cũng thương ông không kém. Có lần, Chi đi chơi về trễ, ông lo lắng đi tìm khắp nơi. Nhiều lần như vậy, cách cư xử tế nhị, đầy tình cảm của ông khiến Chi quên mất khoảng cách giữa cô và bố dượng.

Chị Phương Thúy là một hướng dẫn viên du lịch rất năng động nhưng mọi người vẫn gọi gia đình chị là trụ sở của “liên hợp quốc”. Vì trước đây chị lấy một nhân viên ngoại giao Pháp làm việc tại Tp.Hồ Chí Minh. Sau đó, vợ chồng họ thấy không thể hòa hợp nên chia tay, anh ta về Pháp để lại cho chị một cậu con trai lai Pháp. Mấy năm sau, chị yêu một Việt kiều từ Mỹ về, anh ta cũng vừa chia tay một người vợ Mỹ và được chia cho một cậu con trai lai Mỹ (họ có 2 con). Anh Việt kiều quyết định xin định cư ở Việt Nam để làm lại cuộc đời với chị Phương.

Sống chung với nhau vài năm, họ sinh thêm một cậu con trai “thuần Việt” nữa! Thế là nhà họ có 3 đứa con trai với 3 dòng máu, nhưng ai chứng kiến sinh hoạt của họ mới thấy gia đình ấy là tuyệt vời. Bọn trẻ thân thiện, thương yêu nhau và hồn nhiên với ba mẹ, không một chút phân biệt gốc gác, màu da. Mỗi khi đi chơi, chị còn cho chúng mặc đồng phục, từ quần áo đến giày dép, mũ nón... Nhìn chúng vui đùa, nũng nịu với cha mẹ, đố ai phân biệt được đâu là “con ông, con tôi hay con chúng ta”. 


Khi hỏi bí quyết, chị liền bật mí: “Công bằng”. Anh chị chăm sóc, dạy dỗ, thưởng phạt bọn trẻ như nhau, không để một khe hở nào khiến chúng thấy đứa nào được thương hơn đứa nào hay ai đó bị ghét bỏ.

Theo các chuyên gia tâm lý, sống trong một gia đình hạnh phúc, đầy ắp yêu thương, đứa trẻ thường phát triển thuận lợi. Ngược lại, nguy cơ khiếm khuyết về mặt tinh thần sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như quan niệm sống của những đứa trẻ bị đối xử phân biệt. Ở mức độ nhẹ, những đứa trẻ này thường tự ti, mặc cảm, cô lập mình. Nguy hiểm hơn, tâm lý hằn học, thù hận sẽ giày xéo tâm hồn trẻ thơ khiến chúng như con nhím xù lông trong cách cư xử với mọi người.

Bảo Chi

Chia sẻ