Xích lô nữ ở Sầm Sơn
Từng nhịp đạp xuống, người phụ nữ gò mình lấy sức… Đạp xe xong rồi, ngồi lại trên vỉa hè, chị mới ngồi... thở lấy thở để!
Ngày trước, Hà Nội cũng từng xuất hiện những chiếc xích lô bon bon trên đường mà người đạp xe là nữ giới. Từ ngày xích lô được quy hoạch vào vùng du lịch, người ta không còn thấy những người phụ nữ đạp xích lô nữa. Tuy nhiên, du khách về khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa không khỏi ngạc nhiên vì thấy trên đường phụ nữ đạp xích lô như mắc cửi, những nụ cười tươi tắn lóe lên trong nắng trên nền da nâu khỏe khoắn gợi cảm...
Hoa xích lô
Herry là một khách du lịch người Hà Lan. Anh tỏ ra vô cùng khổ sở trước lời mời tha thiết của chị Lan, một nữ lái xích lô người Hà Trung. Anh rất muốn được đi dạo một vòng trên chiếc xích lô duyên dáng nhưng hiềm một nỗi anh không muốn người phụ nữ kia phải gò lưng đạp xe đưa anh đi dạo. Tuy nhiên, không nén nổi sự tò mò về công việc của những người phụ nữ đạp xích lô, Herry đồng ý ngồi lên xe đi một vòng Sầm Sơn nhưng không dám... đặt cả mông xuống vì sợ trọng lượng của mình sẽ làm khó cho người phụ nữ.
Chị Lan, người phụ nữ của cực Bắc miền Trung nắng gió đã quen với những công việc nặng nhọc lại tỏ ra rất vui sướng vì được chở một người ngoại quốc, ngoài việc người đàn ông này tỏ ra rất thân thiện thì chắc chắn anh sẽ trả hậu hĩnh cho chị. Chị đã được tập huấn phải làm thế nào để khiến khách du lịch được hài lòng nên dù có mệt đến thế nào, chị cũng cố không thở to để khách không cảm thấy bất tiện. Herry, dù rất lấy làm vui vẫn không thể nào hết ái ngại. Herry còn lắc đầu cười ngất khi nhìn thấy một người phụ nữ khác chở những ba người trên một chiếc xích lô trong khi vẫn luôn miệng cười nói với khách.
Từng nhịp đạp xuống, người phụ nữ gò mình lấy sức, nắng miền Trung khiến những giọt mồ hôi trên má chị như những hạt sương trên hoa vào buổi sớm. Đạp xe xong rồi, ngồi lại trên vỉa hè, chị mới ngồi... thở lấy thở để, đếm lại số tiền mà vốn chỉ cần liếc qua người ta cũng biết là chỉ có 5.000 đồng. Để có số tiền đó, chị đã phải đạp đủ một vòng bờ biển dài hơn 1km, 3 người ngồi. Vậy thôi cũng đủ khiến người phụ nữ này vui đến thế!
Chị là H, một người phụ nữ không biết chữ vốn chỉ biết nghề làm ruộng, công việc không thể giúp chị nuôi hai con ăn học trên Hà Nội, quê chị lại chẳng có nghề gì để làm nên chị đành đi đạp xích lô. Trước năm 2007, phụ nữ Sầm Sơn không được phép tham gia đạp xích lô do chính quyền lo sợ những phần tử xấu sẽ biến công việc này thành tệ nạn. Tuy nhiên, khi để phụ nữ tham gia đạp xích lô chở du khách thì người ta nhận thấy hiệu quả kinh doanh tốt hơn rất nhiều. “Du khách yên tâm hơn khi đi xích lô của phụ nữ và phụ nữ có những nét tế nhị mà đàn ông không có được”, ông Nguyễn Ngọc Viên, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn, phường có nhiều phụ nữ làm nghề đạp xích lô nhất nói.
Mặc dù nữ giới chỉ chiếm 1/3 trong số khoảng 700 người tham gia đạp xích lô tại thị xã Sầm Sơn nhưng xem chừng họ làm ăn khấm khá hơn đàn ông, đi dọc bãi biển Sầm Sơn, hầu như chiếc xích lô chở khách nào cũng là nữ, hoặc là, nụ cười luôn nở trên môi họ khiến người đi đường cảm thấy thu hút và dễ nhớ hơn chăng?
Nghề lấy công làm lãi
“So với việc thu hoạch nghèo nàn từ mùa màng thì kiếm được 7- 8 triệu đồng một mùa du lịch đối với người dân ở đây cũng đã là quá lớn”, ông chủ tịch Viên nói. Quả là nghề xích lô phải có gì đó hấp dẫn thì nó mới thu hút cả nữ giới tham gia đông đảo như vậy. Đúng là so với nghề làm ruộng thì nghề xích lô trong gần 3 tháng hè có thể mang lại thu nhập cao hơn nhưng nếu kể ra những loại tiền mà người đạp xích lô phải chi trả thì những người phụ nữ này đúng là đang làm nghề lấy công làm lãi. Ngoài việc một chiếc xích lô có màn rèm đầy đủ đã “nuốt” mất chừng hơn 2 triệu đồng; tiền thuế cộng tiền quần áo, biển số, bảng báo giá... 1 triệu đồng nữa, chưa kể tiền tập huấn và đủ mọi thứ tiền phát sinh khác có lẽ cũng đã chiếm già nửa con số 7- 8 triệu đồng kia.
Còn một loại tiền mà những người phụ nữ nơi đây không hiểu nổi nó là loại tiền gì và họ phẫn nộ về điều đó. Đó là khoản phí 100.000 đồng mà các trưởng thôn thuộc thị xã Sầm Sơn thu của họ. Theo chị H, người dân phường Trung Sơn thì trưởng thôn thu tiền của chị không biên lai, không lý do, các chị chỉ được ký vào một tờ giấy công nhận đã nộp tiền. Chỉ khi các chị được trưởng thôn xác nhận đã nộp tiền thì họ mới có thể lên phường xin phép tham gia đạp xe xích lô. Dù là tiền gì, người dân cũng cố nộp để có thể sớm tham gia làm việc, 3 tháng hè trôi đi rất nhanh, nếu mà còn để thời gian tranh cãi về điều đó thì 3 tháng đó có lẽ còn trôi nhanh hơn.
Giải thích về điều này, ông chủ tịch phường Trung Sơn cho rằng, số tiền đó là để đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn: “Phường không đưa ra chủ trương này mà là do các thôn xem xét tình hình kinh tế của thôn mình và đưa ra mức thu nhưng mức thu cao nhất cũng chỉ là 70.000 đồng thôi”. Tuy nhiên, theo những người phụ nữ đạp xích lô thì mức phí này là 100.000 đồng và người nào không đóng sẽ không được chứng nhận để tham gia đạp xích lô thuê, mặc dù ông Viên cho biết việc đóng góp này không bắt buộc.
“Khi người dân lên phường xin phép kinh doanh, chúng tôi chỉ dẫn họ về thôn để trưởng thôn chứng nhận, sau khi được trưởng thôn chứng nhận, họ sẽ được đăng ký kinh doanh”, ông Viên nói, “nhưng nếu trưởng thôn không chứng nhận thì chúng tôi cũng vẫn để cho họ kinh doanh thôi”. Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại thì nếu quy trình đã là từ trưởng thôn đi lên thì việc trưởng thôn không chứng nhận cho dân thì làm sao dân có thể thuyết phục phường chứng nhận cho họ?
Mức phí mà thị xã quy định cho 1 cây số/chuyến xích lô cho một người là 8.000 đồng nhưng những người đạp xích lô ở đây ít khi dám lấy đúng mức đó, thường thì là 5.000 đồng cho 2 người trên 1 cây số, 3 người thì cũng không sao vì xích lô không tốn xăng, cũng ít hao mòn, chỉ tốn “phổi”, tốn mồ hôi, tốn cả nhan sắc. Những người phụ nữ vốn không ngại khó, ngại khổ, chỉ cần kiếm được tiền nuôi con, chở người gầy hay người béo, chở 2 người hay 3 người đều không đáng ngại. “Có người vì thương chúng tôi nên nhất định không chịu ngồi lên xe, có người vì muốn ủng hộ nên cũng đi giúp, nhưng làm nghề chở thuê mà, có người cò kè, bớt được chừng nào tốt chừng ấy, cũng như mình ra chợ mua rau, bớt được chừng nào hay chừng đấy thôi. Ngoài khách du lịch thì những cán bộ hưu trí nghỉ dưỡng ở đến đây cũng không khá giả nên chúng tôi cũng không trông chờ nhiều”, chị H tâm sự.
Không biết với sức lực bỏ ra như thế, liệu việc “khuyến khích” người tham gia đạp xích lô thuê đóng góp tiền ủng hộ nhà văn hóa có nên?
Theo Nguyên Ninh
Giadinh.net