Xét tuyển đại học 2020: Thí sinh không nên quá lo lắng về chọn ngành
Thí sinh không nên quá lo về xét tuyển đại học 2020, bởi sau khi có điểm thí sinh vẫn có quyền thay đổi nguyện vọng, hoặc xét tuyển bằng hình thức khác.
Ngày 30/6 là ngày cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phiếu đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 của thí sinh. Lựa chọn ngành nghề như thế nào cho phù hợp với sở thích cũng như năng lực bản thân là băn khoăn của hầu hết học sinh lớp 12. Tuy nhiên, các thí sinh không nên quá lo lắng bởi sau khi có điểm thi thì vẫn có quyền thay đổi nguyện vọng, hoặc xét tuyển bằng nhiều hình thức khác.
Thí sinh không nên quá lo về xét tuyển đại học 2020, bởi sau khi có điểm thí sinh vẫn có quyền thay đổi nguyện vọng, hoặc xét tuyển bằng hình thức khác.
Những băn khoăn, lo lắng của các học sinh là điều dễ hiểu bởi hiện nhiều em chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai của mình. Trong khi đó, nhiều trường đại học đều có những ngành “hot” với tên gọi tương đối giống nhau và hàng năm đều mở thêm những ngành mới để thu hút thí sinh.Trong các buổi tư vấn tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, đơn vị tổ chức, vấn đề mà nhiều thí sinh đặt câu hỏi nhiều nhất đều xoay quanh chuyện chọn ngành nào dễ tìm được việc làm, xu hướng thị trường việc làm hiện nay và trong thời gian tới, sắp xếp các nguyện vọng như thế nào để có cơ hội trúng tuyển nhiều nhất…
Theo bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, việc chọn trường, chọn ngành khi đăng ký xét tuyển vẫn phải căn cứ vào năng lực học tập và sở thích của chính các thí sinh.
“Một là sở thích, hai là năng lực và điểm trúng tuyển của các năm trước mà chúng ta sẽ chọn một ngành mà cho rằng mình phù hợp. Thế nhưng đừng ngăn cản những ước mơ nguyện vọng của mình. Giả sử ngành nào mình thích nhất thì sẽ xếp ngành đó là nguyện vọng 1, sau đấy sẽ đến những ngành mà vừa sức với mình và cuối cùng là những ngành mà mình chắc chắn đỗ”, cô Phương nói.
Ngoài sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển sinh thì năm nay các trường đại học đều mở rộng tuyển sinh với nhiều phương thức khác nhau.
Ngoài sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển sinh thì năm nay các trường đại học đều mở rộng tuyển sinh với nhiều phương thức khác.
Theo thầy Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, xu hướng chung là giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu từ xét tuyển thẳng, chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là xét học bạ có xu hướng tăng. Vì vậy, thí sinh có thể lựa chọn nhiều hình thức để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
"Khoảng từ 20% đến 40 % của các chỉ tiêu cho xét học bạ còn lại là xét từ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chỉ tiêu xét học bạ năm nay tăng hơn so với năm ngoái và rải đều tất cả các ngành chứ mọi năm thì chỉ có 5 ngành", thầy Chương cho biết.
Theo hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh sẽ được nộp hồ sơ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đến hết ngày 30/6. Tuy nhiên, sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần nữa (kể cả tăng thêm số nguyện vọng xét tuyển so với ban đầu). Vì thế điều quan trọng nhất lúc này là học sinh nên tập trung trí lực để ôn tập sao cho đạt hiệu quả cao nhất thay vì băn khoăn quá mức về lựa chọn ngành nghề.
Tiến sỹ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo: "Năm nay do tác động của Covid-19, do đó, những nội dung nằm trong chương trình giảm tải sẽ không được đưa vào đề thi. Do đó, thầy có một lời khuyên là các em tập trung học hết chương trình, ôn tập đầy đủ và chuẩn bị tốt nhất tâm lý cũng sức khỏe để ôn thi và đồng thời lựa chọn các nghề nghiệp tương lai phù hợp với nguyện vọng và sở trường của mình"
Các chuyên gia cũng cho rằng, thí sinh nên xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý theo hướng phân thời gian ôn từng môn học, không học dồn, học lệch và bám sát nội dung chương trình của bậc học phổ thông, trọng tâm là kiến thức lớp 12./.