Xét nghiệm phát hiện nguy cơ sinh non
Một xét nghiệm nước bọt đơn giản có thể giúp giảm thiểu nguy cơ sinh non (sinh trước 37 tuần), các nhà nghiên cứu tuyên bố. Tất nhiên, đối tượng của xét nghiệm này là các thai phụ.
Xét nghiệm này được phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu ở những thai phụ từng sinh non: đó là mức độ progesterone, hormone có thể khiến tử cung “hủy hợp đồng” trước khi thai đủ 9 tháng 10 ngày.
Các nhà nghiên cứu ở ĐH Hoàng gia London nhận thấy những phụ nữ sinh trước 34 tuần có mức độ progesterone thấp hơn những phụ nữ sinh con sau khi thai được 37 tuần tuổi. Họ đã phân tích mẫu nước bọt của 92 phụ nữ đang mang thai trong giai đoạn thai 24 – 34 tuần tuổi. Những thai phụ này cũng cung cấp thông tin về tiền sử sinh non, sẩy thai hay các viêm nhiễm…
28 người đã sinh trước 37 tuần và 64 người chuyển dạ sau khi đủ 37 tuần trở ra. Nồng độ progesterone trong nước bọt khá thấp ở 12 thai phụ chuyển dạ trước 34 tuần tuổi và hormone này cũng không hề tăng như bình thường trong suốt quá trình mang thai. Khi nồng độ progesterone ở mức thấp, nguy cơ chuyển dạ sẽ sớm hơn khoảng 6 tuần so với dự kiến.
Nguy cơ sinh non cao nhất ở nhóm mang đa thai hoặc các bà mẹ mang thai ở độ tuổi ngoài 35.
Ngoài mức độ progesterone thấp, những thai phụ sinh non còn có một biểu hiện khác là tỉ lệ mất cân đối giữa hormone progesterone và estriol (hormone nữ tự nhiên, thay thế cho estrogen khi hormone này ngừng sản xuất).
Các chuyên gia hiện chưa biết tại sao nồng độ progesterone thấp lại dẫn tới sinh non. Tuy nhiên, đây là một trong những hoạt chất kháng viêm và vì thế khi ở mức thấp tức là sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các loại siêu vi mà có thể gây chuyển dạ sớm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Lucilla Poston, ĐH Hoàng gia London, cho biết: “Nước bọt rất dễ lấy, không cần phải lấy máu và vì thế đây sẽ là một xét nghiệm lý tưởng nếu trong tương lai, chúng ta chỉ cần yêu cầu thai phụ cung cấp nước bọt để chẩn đoán nguy cơ sinh non. Khi đó sẽ có nhiều phụ nữ được hưởng lợi từ việc uống bổ sung hormone.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí quốc tế Obstetrics and Gynaecology.