Xem phim Sex Education, tôi xấu hổ vô cùng, giờ mới hiểu vì sao cô giáo lại nhắc khéo "chị nên tiết chế trong việc dạy con"!
Tôi nhận ra rằng cách dạy con của mình "sai quá sai" và đang làm tổn thương tinh thần con.
Tôi từng nghĩ, mỗi lần con trai lớp 11 của mình làm sai điều gì, thì việc mắng “Con không thấy xấu hổ à?” là một cách dạy con nghiêm khắc, cần thiết.
Tôi đã từng bắt con xin lỗi ngay lập tức trước mặt cô giáo khi con làm bài kém, từng nói to giữa đám đông bạn bè của con chỉ để dằn mặt: “Học hành thế này thì sau này làm được cái gì?”, từng nghĩ rằng nếu con biết xấu hổ, thì con sẽ biết sửa đổi. Tôi cứ ngỡ xấu hổ là công cụ hiệu quả để nuôi dạy một đứa trẻ trở thành người tốt.
Và thật ra, con tôi đã thay đổi. Ít cãi lại, không nổi nóng, ngoan ngoãn và răm rắp nghe lời. Nhưng đổi lại là một thằng bé luôn rụt rè, tự ti, lười phát biểu trong lớp vì “sợ bị sai”, làm gì cũng lén lút hỏi ý kiến người khác, làm bài xong không dám nộp đầu tiên vì “lỡ sai thì quê chết”.
Tôi đã từng mừng vì con “ngoan hẳn ra”, cho đến khi nghe cô giáo chủ nhiệm – một cô giáo trẻ – nói nhẹ nhàng: “Em nghĩ chị nên để con có không gian thử và sai, thay vì luôn khiến con sợ sai, sợ mất mặt. Tụi trẻ con bây giờ dễ nhạy cảm hơn mình ngày xưa nhiều lắm. Nhiều khi mình phải tiết chế lại chị ạ”.
Tôi cười trừ, không biết phải nói sao. Tôi cũng biết cô giáo nói đúng nhưng trong tôi vẫn có một sự ương bướng, không hoàn toàn đồng tình.

Bộ phim Sex Education khiến tôi nhận ra cái sai của bản thân trong việc dạy con
1 câu thoại trong phim Sex Education khiến tôi tỉnh ngộ!
Và rồi, tôi thay đổi nhờ 1 bộ phim. Khi xem phim Sex Education, tôi bất ngờ với nhiều tình huống, tâm lý của các nhân vật. Có một câu nói bởi một nhân vật tên Vivienne trong phim Sex Education khiến tôi ấn tượng:
"Bởi vì khi sự xấu hổ bị dùng làm vũ khí, nó không chỉ làm tổn thương người ta – nó có thể hủy hoại họ mãi mãi".
Xem những tình tiết trong phim, rồi nghĩ đến những thay đổi của con trai, như ngoan đấy nhưng lại rụt rè, nhút nhát hơn,... tôi mới thực sự biết mình đã sai, và những lời cô giáo "chê khéo" tôi là đúng, không phải bàn cãi.
Khi nhận ra điều đó, tôi xấu hổ vô cùng. Tôi nhận ra cái sai của mình đã làm tổn thương tinh thần con như nào.
Tôi cứ tưởng, làm con thấy “nhục” thì con sẽ tránh sai. Nhưng hóa ra, nó chỉ khiến con sợ hãi cả việc bắt đầu. Tôi không nhớ rõ lần đầu tiên con thôi nói “Con làm được” là khi nào. Có thể là khi tôi quát “Con không biết xấu hổ à?” trước mặt người khác. Hoặc lúc tôi lắc đầu, buông một câu “Con làm mẹ thất vọng quá”. Có thể những lời ấy chỉ là thoáng qua với tôi – nhưng lại ở lại với con rất lâu, rất sâu.
Tôi không cần đợi đến lúc con bật khóc mới nhận ra con đang tổn thương. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt dè chừng của con mỗi lần muốn chia sẻ chuyện gì đó – là tôi đủ thấy mình đã sai rồi.
Giờ đây, tôi học cách đặt lại câu hỏi. Không còn là “Sao con không biết xấu hổ?”, mà là “Chuyện này làm con thấy thế nào?”, “Có cách nào mình xử lý tốt hơn không?”. Tôi học cách lắng nghe, cả những điều vụn vặt mà trước đây tôi hay bảo “Chuyện cỏn con mà cũng kể”.
Tôi cũng học cách xin lỗi con – dù có hơi muộn. Nhưng ít ra, tôi tin con hiểu rằng bố mẹ cũng có thể sai, và càng sai thì càng phải sửa.
Tôi nhận ra một điều lớn nhất trong hành trình làm cha mẹ là: Đừng biến xấu hổ thành công cụ để nuôi dạy con.
Xấu hổ không giúp con trưởng thành. Nó chỉ khiến con giỏi giấu mình. Một đứa trẻ bị dạy bằng xấu hổ sẽ lớn lên với mặc cảm, chứ không phải sự tự tin.
Muốn con làm điều đúng – hãy chỉ ra cho con thấy, giải thích cho con hiểu, rồi để con tự lựa chọn và chịu trách nhiệm. Đừng đẩy con đến chỗ phải làm vì sợ bị xấu hổ hay mất mặt.
Trẻ con cần được an toàn về cảm xúc, như một cái gốc vững chắc để vươn lên. Mà cái gốc ấy, nhiều khi chỉ cần được tưới bằng sự thấu hiểu và tôn trọng – từ chính bố mẹ mình.