Xem phim Sex Education, tôi nhớ đến giọt nước mắt của chồng: Đã đến lúc tôi phải hành động để cứu lấy gia đình

Thanh Hương,
Chia sẻ

Tôi đã dạy con trai bài học quan trọng, nhờ vậy mà hàn gắn mối quan hệ của 2 bố con.

Có những tối, tôi bắt gặp chồng mình ngồi một mình trong bếp, tay vẫn cầm lon bia nhưng chẳng uống ngụm nào. Ánh đèn vàng khiến mái tóc anh lốm đốm bạc, khuôn mặt đầy những nếp thời gian và một điều gì đó… buồn buồn.

Anh im lặng, không hỏi han con như trước. Không trách móc, không gắt gỏng. Nhưng tôi biết – đó không phải là bình yên, mà là khoảng cách.

Cậu con trai 16 tuổi của tôi thì ngày càng ít nói. Trả lời bố cụt lủn. Có bữa bố nó ngồi xuống cạnh nó trên sofa, nó lẳng lặng đứng lên bỏ đi, chẳng buồn che giấu thái độ. 

Mà tôi hiểu vì sao. 

Chồng tôi – ngày xưa từng là kiểu người “một lời nói ra như mệnh lệnh”. Anh ấy yêu con theo cách… cứng nhắc. Không giỏi khen, không biết ôm, chỉ biết ép con làm theo những gì mình cho là đúng. Có lần con điểm 8, anh còn gắt.

– “Còn bạn người ta điểm 10, con tự hào cái gì”.

Những câu nói kiểu vậy tích tụ theo năm tháng, khiến con tôi thấy bố nó xa cách, khắc nghiệt. Đỉnh điểm là năm lớp 9, có một lần hai bố con to tiếng, con bật lại, còn anh thì hét lên:

– “Bố là bố mày đấy”.

Tôi thấy rõ ánh mắt nó – đau lắm, như bị xé một miếng trong lòng ra.

Từ đó, con không còn muốn thân thiết với bố nữa.

Thế rồi… mọi thứ bắt đầu thay đổi.

Chồng tôi – không hiểu từ lúc nào – đã biết lùi lại. Anh học cách xin lỗi. Học cách nấu bữa sáng vào ngày con thi học kỳ. Học cách hỏi han “Hôm nay ở trường vui không con” dù đôi khi chỉ nhận được cái gật đầu gượng gạo.

Tôi đã từng hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn. Nhưng không: Con tôi vẫn giữ một khoảng cách lạnh lùng. Có lúc tôi vô tình nói: 

– “Con thấy bố dạo này khác không”.

Nó đáp:

– “Khác thì sao, ngày xưa tổn thương cũng đủ rồi”.

Tôi hiểu con. Nhưng tôi cũng xót cho chồng mình – người đang cố gắng, nhưng không biết phải cố đến bao giờ mới đủ.

Xem phim Sex Education, tôi nhớ đến giọt nước mắt của chồng: Đã đến lúc tôi phải hành động để cứu lấy gia đình - Ảnh 1.

Adam Groff

Tối hôm đó, sau khi gấp đống đồ giặt, tôi nằm vật ra sofa, mở phim Sex Education để giết thời gian. Tôi đã xem phim này từ trước, nhưng không hiểu sao lần này, tôi đặc biệt bị ám ảnh bởi tuyến truyện của Adam và ông Michael – hai cha con từng lạnh nhạt, xa cách y hệt nhà tôi.

Michael – người cha từng gia trưởng, thô lỗ, không biết cách yêu con. Nhưng rồi, ông ấy thay đổi. Ông ấy học cách thành thật, học cách nấu ăn, học cách mở lòng. Và Adam – cậu con trai từng rất ghét cha – cũng dần học cách tha thứ.

Tôi nhớ đoạn cuối khi mà 2 bố con giải toả hiểu lầm và thừa nhận tình yêu thương dành cho nhau.

Tôi tắt phim. Lặng đi. Vì tôi nhận ra: Tha thứ không phải là quên, mà là chấp nhận cho người khác một cơ hội.

Tôi bước vào phòng con trai, gõ cửa:

– “Mẹ nói chuyện một chút được không”.

Tôi kể con nghe về bộ phim tôi vừa xem. Tôi không khuyên răn. Không phân tích. Tôi chỉ kể, như hai người bạn. Kể về việc tôi từng giận bố con, từng muốn rời khỏi cái nhà này, nhưng rồi tôi học được rằng ai cũng có khuyết điểm – vấn đề là họ có dám sửa không.

Tôi nói với con:

– “Mẹ biết bố từng khiến con đau. Nhưng mẹ cũng thấy bố đang thay đổi, từng chút một. Mà con thì cứ đẩy ra mãi, không để bố bước vào. Đến lúc nào… bố con không dám bước lại gần nữa thì sao”.

Con cúi đầu, không nói gì. Nhưng mắt thì đỏ hoe.

Bài học tôi rút ra – cho mình, cho con, và cho gia đình mình

Bộ phim Sex Education khiến tôi nhận ra:

Người lớn cũng có thể sai. Và người lớn cũng cần được tha thứ. Cũng như Michael Groff đã cố gắng sửa sai sau cả đời lạnh nhạt với con trai mình, chồng tôi cũng đang học lại cách làm cha – từ đầu. 

Những lỗi lầm của quá khứ không thể xoá, nhưng nếu chỉ bám vào đó mà không nhìn thấy sự cố gắng của hiện tại, thì người đau khổ sẽ là tất cả chúng ta.

Tôi muốn dạy con rằng: Tha thứ không phải là bỏ qua lỗi lầm, mà là học cách chấp nhận người khác đang cố gắng trở nên tốt hơn.

Làm cha mẹ không có giáo trình, ai cũng phải học qua sai lầm. Nếu mình mong người khác hiểu mình, thì cũng nên học cách hiểu lại người khác – kể cả bố mẹ mình.

Và quan trọng hơn cả: gia đình không nên là nơi để xét xử nhau, mà là nơi để cùng nhau chữa lành.


Chia sẻ