Xem màn “đánh ghen” lạ đời mà Hạ dành cho “em gái mưa” của bạn trai trong "Ngày ấy mình đã yêu", bao nhiêu phụ nữ thấy lòng đắng chát?
Phụ nữ à, gương vỡ hàn gắn lại vẫn có vết xước. Việc hàn gắn ấy cũng giống như ta xem đi xem lại một bộ phim...
Trong tập 12 vừa phát sóng của phim Ngày ấy mình đã yêu có một phân đoạn nhân vật Hạ bắt gặp người con gái khác đang đứng trước cửa nhà bạn trai mình. Cô gái này lại chính là cô sinh viên "vượt khó" từng đi ăn bánh tráng nướng chung với Nam, bạn trai Hạ. Nhiều người cho rằng, hoàn cảnh này không chỉ xảy ra trong phim.
Ở cái thời buổi mà người ta bất chấp yêu, bất chấp cưới rồi bất chấp để được chia tay thì việc "sắm" cho mình một mối quan hệ không rõ ràng, không ràng buộc mà cả hai vẫn vui vẻ phải chăng là xu thế? Người yêu của Hạ nói riêng và đàn ông nói chung liệu có ai dám khẳng định rằng mình không thích một cô "em gái" trên tình bạn một tí mà dưới tình yêu một tẹo.
Cái cách mà Hạ tự bấm mật mã vào nhà người yêu như thể khẳng định mình là chủ nhân thực sự, cái cách mà cô điềm tĩnh ngồi ăn bữa sáng người mình yêu chuẩn bị cho một cô gái khác thật sự khiến người ta đau lòng hơn là hả hê. Có mấy cô gái mà đủ bản lĩnh giấu trọn nước mắt vào trong khi chứng kiến cảnh tượng người từng nói yêu mình dứt khoát kéo tay một cô gái khác vào nhà rồi đóng sập cửa lại như cô?
Hình ảnh được cắt từ phim "Ngày ấy mình đã yêu".
Vậy mà có những người từng trải qua trường hợp này vẫn cứ tiếp tục yêu, tiếp tục bỏ qua chỉ vì vài lời giải thích: "Anh chưa làm gì quá đáng, anh chỉ coi cô ấy như em gái, người anh yêu vẫn là em". Không phải các cô không hiểu mà thực ra họ hiểu nhưng vẫn cố huyễn hoặc mình để tiếp tục được yêu thương.
Trước câu chuyện của nhân vật Hạ, có người đã đanh thép phân tích rằng: "Nấu bữa ăn sáng cho người con gái khác mà không được sự đồng ý của người yêu mình đã là 1 sự sai trái. Lôi cô ta đến nhà là sự sai trái thứ 2. Và ngụy biện chỉ là em gái/anh trai là sự sai trái thứ 3. Chỉ với 3 điều này đủ điều kiện tạo nên 1 sự chia tay hoàn hảo rồi". Đấy, giá mà cô gái nào cũng đủ "cứng" để nhận ra điều ấy thì đã không có những tổn thương không đáng có.
Phụ nữ à, gương vỡ hàn gắn lại vẫn có vết xước. Việc hàn gắn ấy cũng giống như ta xem đi xem lại một bộ phim. Dù hành trình nó có tươi đẹp mấy thì cái kết cũng không thể thay đổi. Dù bạn cố gắng chọn xem những phân đoạn đẹp nhất thì cũng chỉ tốn thời gian mà thôi. Đến khi ngoảnh lại, chợt nhận ra mình phung phí thanh xuân quá vô ích rồi.
Có những người từng bị tổn thương đến đau đớn, dài đằng đẵng thế nào nhưng chỉ cần chút lời ngọt ngào, hứa hẹn là quên hết. Đó không phải là cao thượng, là vị tha, đó là yếu đuối một cách ngốc nghếch và khờ dại. Phụ nữ luôn tự cho mình cái quyền "bướng bỉnh" và "dễ dãi" chấp nhận những tổn thương để rồi lại chìm đắm trong nước mắt.
Ảnh minh họa
Vẫn biết phải đánh mất mới hiểu được tầm quan trọng và giá trị nhưng con gái đôi khi khó chấp nhận cái mới, đã bị trói buộc bởi thói quen đã cũ kĩ. Khi người ta đã quá quen thuộc với mình hàng ngày, như hơi thở và lẽ sống thì sao có thể nói quên là quên ngay được. Đó không phải là yêu đâu, đó là sự "cần", và cái cần ấy đâu xuất phát từ trái tim, nhất là đối với một trái tim đã nhiều vết nứt.
Đừng chờ đến lúc bị phản bội mới tỉnh ngộ. Con người một khi đã thay đổi, yêu thương không chỉ dành cho một người thì đừng giam mình trong cái vòng luẩn quẩn "hợp - tan".
Thời gian chữa lành mọi vết thương nhưng thời gian không phải thần dược, không phải thứ để ta đem ra thử nghiệm. Tha thứ không khó, nhất là tha thứ cho người mình yêu quá nhiều lại càng dễ nhưng đáng sợ hơn thế là sau cùng, ta vẫn phải chọn cách buông tay.
Ngôn tình được dựng lên dựa trên thực tế nhưng thực tế không bao giờ xảy ra ngôn tình. Cảm xúc không thể bất biến với thời gian, có những nỗi đau vượt quá giới hạn, có những cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát nhưng thay vì cố chấp chấp nhận thì hãy mãnh mẽ mà vượt qua nó. Đau một lần rồi thôi con gái ạ.