Xe đạp hay xe bus?

,
Chia sẻ

Xăng tăng giá, cũng là lúc nhiều nhiều người phải thắt chặt chi tiêu, tính toán làm sao giảm thiểu tiết kiệm một cách tốt nhất.

Nghe tin xăng tăng giá, chị Hạnh (công ty tin học PT) đã phải lên ngay kế hoạch tiết kiệm tiền đi lại. Nhà ở tận Cầu Giấy, công ty lại ở tận Bà Triệu. Ngày nào chị cũng phải đi bảy, tám cây số, chưa kể tắc đường, bình xăng của chị đổ đầy chỉ vài ba ngày là hết.

Sáng nào cũng phải đưa đón con đi học, rồi mới đi làm nên chị không thể chuyển sang đi xe bus được. Chị tính sẽ thay chiếc xe tay ga bằng con xe số phần nào cũng giảm được ít chi phí. “Ngày trước còn tụ tập bạn bè hay cho các cháu đi lòng vòng, giờ thì đành phải hạn chế.", chị Hạnh tâm sự.
 

Chị Trang, cùng phòng với Hạnh lại bàn với chồng hai người đi chung xe. “Từ trước hai vợ chồng mỗi người một xe. Tháng nào hai vợ chồng cũng tốn khoảng hơn triệu tiền xăng. Công việc của mình cũng không đi lại nhiều lắm, đi nhờ xe ông xã sớm một chút cũng được. Có khi lại tình cảm”.

Chuyển sang đi xe bus đó là sáng kiến của chị Phương, biên tập viên của một báo điện tử. Nhà ở tận Nam Thăng Long đến công ty cũng phải mất hơn tiếng đồng hồ đi xe máy, tháng nào chị cũng phải dành ra 1/3 tiền lương cho xăng xe, chưa tính tiền bảo dưỡng. Chị tâm sự: “Nhà xa đi xe máy cũng ngại thật, cương quyết đi xe bus cho nhàn và an toàn. Chỉ có mỗi tội dậy sớm và chen chúc nhưng sẽ khắc phục được”.
 
Hầu hết các bà nội chợ đều than phiền vì lương không tăng mà mọi khoản chi tiêu càng ngày càng bị thắt lại, không biết làm thế nào hết đành phải điệp khúc cắt giảm chi tiêu tối đa vậy.

Không chỉ những người đi xe máy mới phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí đổ xăng mà ngay cả những người có điều kiện sở hữu ôtô cũng không thể bàng quan trước việc giá nhiên liệu tăng cao.

Sở hữu chiếc xe Toyota, lương cũng hơn nghìn đô một tháng nhưng anh Hưng (Tập đoàn FPT) cũng phải “choáng” trước giá xăng tăng. Anh tính mỗi tháng cũng phải tốn hơn ba triệu tiền xăng rồi 1 triệu tiền gửi xe. Với giá mới, ít nhất mỗi tháng anh cũng phải bù thêm hơn triệu nữa. Con số tuy bé so với thu nhập của anh nhưng Hưng cũng đang tính đến việc đi xe máy. Anh tâm sự: “Trước đây không khi nào chịu rời ô tô cho dù chỉ đi một quãng đường chưa đầy nửa km. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Những việc nào không cần thiết, có thể sử dụng xe máy được thì tôi sẽ chuyển sang dùng xe máy”.

Vừa sắm được con Civic chưa kịp vui, Tuấn (phó giám đốc công ty tư vấn dịch vụ thương mại Đồng Tâm) đã ngao ngán. Lấy xe hơn tháng, sáng nào Tuấn cũng lòng vòng từ nhà ra Nguyễn Chí Thanh uống café, ăn điểm tâm sáng rồi mới lên công ty ở quận Tây Hồ. “Có lẽ phải chọn một quán khác gần hơn để ngồi chứ chạy xe trong tình hình giá xăng cao thế này cũng hơi…mệt”, Tuấn so sánh.

Thôi thì đi xe bus, xe đạp... và  không  còn được đi lòng vòng lượn phố xá vào những ngày trời đẹp nữa, đó là cách để tiết kiệm chi tiêu cho chính  túi tiền của mình.

Phan Anh

Chia sẻ