Xăng dầu đồng loạt tăng giá

,
Chia sẻ

Liên bộ Tài chính - Công Thương vừa cho phép các doanh nghiệp đầu mối tăng mỗi lít xăng thêm 500 đồng, và 1.000 đồng đối với mỗi kg dầu mazut từ 0h ngày 9/8.

Riêng mặt hàng diezel vẫn giữ nguyên giá bán như hiện hành. Còn dầu hỏa được giảm 500 đồng mỗi lít.

Như vậy, kể từ sáng 9/8, xăng A92 sẽ có giá bán mới 14.500 đồng một lít, thay cho mức 14.200 đồng cũ, dầu hỏa giá 13.150 đồng, thay cho mức cũ 13.650 đồng, dầu diezel giá 12.100 đồng, còn dầu mazuts giá 11.500 đồng.
 

Quyết định của liên bộ được ban hành lúc 19h tối 8/8 và yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá trước 0h ngày 9/8. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dầu thế giới có xu hướng nóng trở lại bởi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng cao khi kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.

Trong những ngày cuối tuần giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 8 tại Sở giao dịch hàng hóa New York có lúc đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng với trên 76 USD một thùng.

Tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, giá xăng dầu thành phẩm vẫn giữ ở mức cao trong hơn một tháng qua. Có lúc, giá xăng A92 thành phẩm đã vọt lên ngưỡng trên 82 USD một thùng; dầu diezel cũng bám sát mức 80 USD một thùng. Tính chung trong khoảng thời gian 20 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm ở mức 76 USD một thùng. Theo tính toán của các doanh nghiệp, với giá bán này sau khi trừ đi các khoản chi phí, cước vận chuyển, mỗi lít xăng, dầu nhà nhập khẩu lỗ khoảng 1.000 đồng.

Trước diễn biến thất thường của giá dầu thế giới, hồi đầu tuần, một số doanh nghiệp đầu mối đã đề xuất tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước thêm 500 đồng. Sau nhiều lần họp bàn, tính toán thiệt hơn và cân bằng lợi ích giữa các bên gồm doanh nghiệp - Nhà nước và người tiêu dùng, Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định cho phép doanh nghiệp tăng giá bán.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất 3 phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo diễn biến thế giới để lấy ý kiến các bộ ngành trước khi trình Chính phủ xem xét. Trong đó cơ quan này đề nghị cho phép doanh nghiệp được quyền tăng hoặc giảm giá xăng dầu theo thế giới và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình mà không cần xin phép.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ ba cho phép doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá trong phạm vi đến 7%. Nếu tăng 7-12%, doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá 60% của giá vốn. Tăng trên 12%, Nhà nước sẽ can thiệp. Phần vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá.
 
Theo Hồng Anh
Vnexpress
Chia sẻ