"Xá lợi tóc Phật" ở chùa Ba Vàng: Nếu trục lợi, luật pháp phải xử nghiêm
Nhiều chuyên gia cho rằng cần làm rõ và xử lý nghiêm nếu có việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi qua việc chùa Ba Vàng trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật".
Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức lễ rước, cung cấp thông tin tạo sự hiếu kỳ, liên quan một vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" thỉnh từ Myanmar về. Nhiều ý kiến hoài nghi về nguồn gốc của vật thể này.
Hoạt động này của chùa Ba Vàng vi phạm Điều 43, Điều 48, Điều 50 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xuất nhập cảnh, hoạt động triển lãm, quy định của Nhà nước về tập trung đông người ở nơi công cộng.
Chiều qua, đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng đã sám hối trước chư tôn đức thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chùa Ba Vàng bị cấm tổ chức sự kiện quốc tế trong một năm.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhận lỗi, xin sám hối vì trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật". (Ảnh: Chùa Ba Vàng)
Kiến nghị điều tra, làm rõ
Bình luận về sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - nêu rõ quan điểm, ông tôn trọng việc cá nhân nào đó theo hay không theo tôn giáo, tín ngưỡng hay không tín ngưỡng…, chỉ cần họ tôn trọng pháp luật của Nhà nước và giới luật của tôn giáo đó.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, nếu ai đó lợi dụng tôn giáo để lừa đảo, dẫn dụ u mê, moi tiền chúng sinh, thực hành và truyền bá những điều xằng bậy thì phải nghiêm trị, bất kể người đó là ai.
"Với ông Thích Trúc Thái Minh (tục danh Vũ Minh Hiếu) ở chùa Ba Vàng, cùng với thực thi giới luật của đạo Phật, cần áp dụng các điều luật của Nhà nước để xem xét liệu có hay không hành vi lừa gạt, lừa đảo, mê tín dị đoan, thu nguồn tiền lớn bất chính của phật tử và dân chúng", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nếu có dấu hiệu vi phạm, bên cạnh việc xử lý theo quy định của pháp luật thì phải hoàn trả số tiền "cúng dường", "đảnh lễ" mà chùa Ba Vàng đã thu được qua sự kiện "xá lợi tóc Đức Phật".
Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật - mong muốn các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc có hay không việc đưa tóc thật của Đức Phật về chùa Ba Vàng.
"Nếu có thật, đó là điều đáng hoan nghênh dẫu có vi phạm về triển lãm. Còn nếu không có thật thì cần xử lý về mặt luật pháp nghiêm minh, thậm chí là xử lý hình sự, không để hành vi lợi dụng tôn giáo gây hoang mang dư luận", luật sư Diệp Năng Bình kiến nghị.
Ông Bình nhận định, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh sám hối trước trước chư tôn đức thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ là hình thức xử lý nội bộ, câu chuyện không phải chỉ dừng lại ở đó là xong.
Chùa Ba Vàng truyền thông không trung thực
Dưới góc độ của nhà nghiên cứu, TS Hoàng Văn Chung - Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và Chính sách tôn giáo (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đánh giá việc tổ chức chiêm bái, đảnh lễ di vật được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng đã gây ra nhiều vấn đề.
Ông Chung cho rằng có những vấn đề nằm ngoài dự liệu của mọi người, nằm ngoài dự liệu của các cơ quan quản lý về tôn giáo, tín ngưỡng và cũng nằm ngoài dự liệu của chính chùa Ba Vàng.
"Từ một sự kiện mang tính thuần tuý của hoạt động tôn giáo nhưng đã ảnh hưởng đến xã hội. Nó vừa ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước về tôn giáo, ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo Việt Nam nói chung, hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và hình ảnh của chùa Ba Vàng", ông Chung nói.
Hình ảnh được cho là xá lợi tóc của Đức Phật. (Ảnh: Chùa Ba Vàng)
TS Hoàng Văn Chung khẳng định truyền thông "xá lợi tóc Đức Phật" trong sự việc lần này là không trung thực, không có cơ sở, bởi về mặt ngôn ngữ "xá lợi" là phần còn lại của cơ thể nhà tu hành sau khi đã hoả thiêu.
Chuyên gia dẫn câu chuyện được truyền miệng, khi Đức Phật thành đạo, đã có những người Myanmar được tiếp cận và Đức Phật nhổ cho họ 8 sợi tóc. Số tóc này sau đó được đem về Myanmar bảo quản.
"Tóc mà được gọi là xá lợi thì không đúng rồi, đó chỉ là một phần của cơ thể khi còn sống và chưa diễn ra câu chuyện hoả thiêu. Bộ phận truyền thông của chùa Ba Vàng nếu biết tóc không phải là xá lợi mà vẫn cố tình gọi như vậy thì rõ ràng là không trung thực", ông Chung phân tích.
Về thông tin chùa Ba Vàng đưa ra "năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động và việc xá lợi tóc chuyển động khoa học không thể giải thích", ông Chung cho rằng việc này nhằm gây thêm sự tò mò, chú ý của người dân.
Mặt khác, theo ông Chung, Đức Phật không muốn ai xem mình là một vị thần linh có quyền năng siêu nhiên cứu vớt hay ban cho con người sự giác ngộ. Thông điệp chính của Đức Phật như ghi lại trong kinh điển là Ngài đã tìm ra con đường đạt đến sự giác ngộ và chỉ ra cho chúng sinh những con đường để đi đến cái đích đó.
Cho nên, cần phải phân biệt rõ việc tôn kính Đức Phật như một bậc có trí tuệ và đạo hạnh cao vời với việc thần thánh hóa Ngài, thờ cúng Ngài và cầu xin những lợi ích phàm trần. Tin vào những điều không có căn cứ khoa học hay không có căn cứ trong kinh điển Phật giáo thì rõ ràng là mê tín.
"Chùa Ba Vàng truyền thông rằng những ai dù chỉ một lần cung kính chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau là thông tin rất khó kiểm chứng. Làm sao ta sống được với nhau bao nhiêu kiếp nữa để biết điều đó có hiệu quả hay không.
Với những người có năng lực suy xét thì họ ít bị ảnh hưởng nhưng với người hạn chế nhận thức về Phật giáo thì sẽ tác động theo chiều hướng tiêu cực", TS Hoàng Văn Chung nói.
Cần xử lý cá nhân vi phạm
Về vấn đề cúng dường trong lĩnh vực tôn giáo, Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và Chính sách tôn giáo (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) cho hay, đây là việc làm tự nguyện, tuỳ tâm, không có mức giá, không có quy định và cũng không có ràng buộc là không đúng theo kỳ vọng sẽ hoàn trả…
Ông Chung cho biết, bộ luật trực tiếp quản lý các hoạt động tôn giáo, hành vi liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng là Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016.
"Nhưng luật lại có những điều quy định rất chung chung. Đặc biệt tại Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong có khoản 5 'Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi' nhưng lại không có hướng dẫn, giải thích để thực hiện, áp dụng quy định này", ông Chung nêu.
TS Hoàng Văn Chung tiếp tục dẫn Nghị định số 162/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng không có quy định chi tiết về hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Tuy nhiên, ông Chung nêu rõ không chỉ Luật Tín ngưỡng tôn giáo mới điều chỉnh hành vi liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo mà chúng ta còn một số luật, nghị định khác cũng có thể vận dụng.
"Khi đã trục lợi tôn giáo, tín ngưỡng thì bản chất của hoạt động đó không phải là tôn giáo, tín ngưỡng nữa nên ta không phải sợ đến vấn đề bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng", TS Hoàng Văn Chung khẳng định.
Cụ thể, theo ông Chung, tại Điều 331 Bộ luật Hình sự quy định về hành vi lợi dụng các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.
Hay mới đây nhất, Nghị định số 144/2021 của Chính phủ có quy định xử phạt về hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
"Cơ quan quản lý Nhà nước cần vận dụng các quy định trong pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đấy. Phải xử nghiêm, gương mẫu để ngăn chặn những tình trạng tương tự ở những nơi khác, hoặc trong tương lai lại xảy ra những sự kiện tương tự", TS Chung kiến nghị.
Về phía cơ quan quản lý tôn giáo, tín ngưỡng, ông Chung cho rằng cần xem xét hoạt động của các thành viên có đi đúng giáo lý, giáo luật không, đi đúng hiến chương, điều lệ đã cam kết trước Nhà nước không.
Nếu những sự việc đi xa rời sự quảng bá về chính pháp hoặc nằm ở những ranh giới chưa xác định rõ được thì tổ chức phải có trách nhiệm.
"Trong sự kiện chùa Ba Vàng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xử lý khi câu chuyện đã xảy ra, ông Thích Trúc Thái Minh cũng chấp nhận kỷ luật. Tuy nhiên, về lâu dài Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách xử lý nghiêm hơn, với người vi phạm 1 lần có thể người ta không cố ý, nhưng vi phạm đến lần thứ 2, thứ 3 thì phải có biện pháp mạnh hơn", TS Hoàng Văn Chung nói thêm.