Suýt đẻ rơi vì… tắc thang máy
Ngoài cảnh phải thường xuyên đứng đợi dài cổ giờ cao điểm, chuyện "tắc thang máy" ở nhiều chung cư còn dẫn đến không ít chuyện bi hài.
Chuyện chưa biết về những nỗi khổ khi ở chung cư Cháy nổ, mất nước sạch, thang máy hỏng, quá tải thang máy, quá tải hầm để xe, ý thức kém… đó là những tình trạng mà hàng chục nghìn người dân Thủ đô đang phải gánh chịu khi ở những khu chung cư giá rẻ, chất lượng kém trong thời gian qua. Đặc biệt sau vụ hỏa hoạn tại khu chung cư HH4 Linh Đàm và gần đây là CT4 Xa La lại càng làm dấy lên những nỗi lo lắng khôn xiết khi đang sống trong những căn hộ chưa thực sự đảm bảo an toàn và chưa đảm bảo chất lượng cuộc sống. Một căn hộ dù nhỏ bé, dù chật chội nhưng dù sao đó cũng là một tổ ấm để các gia đình trẻ ở khắp các miền quê yên tâm mưu sinh, bám trụ ở mảnh đất Thủ đô. Để sở hữu những căn hộ ấy không ít gia đình đã phải lao động biết bao năm trời, vay mượn khắp nơi, phải mua theo hình thức trả góp từ tiền của ngân hàng… Thế nhưng chất lượng chung cư vẫn còn là một dấu chấm hỏi, và cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũng phải đối mặt với muôn vàn nỗi khổ mà không biết kêu ai... |
"Nếu chậm chút nữa chắc tôi đẻ rơi trong thang máy"
Đó là lời chia sẻ của chị V.T (đang sinh sống tại một chung cư giá rẻ tại đường Nguyễn Xiển - Hà Nội). Cách đây 1 năm, chị V.T chuyển dạ sinh đứa con đầu lòng. Đến bây giờ, chị vẫn lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến chuyện hai vợ chồng đi đẻ. Đó là vào những ngày cuối hè, dù còn một vài ngày nữa mới đến ngày dự sinh nhưng hôm ấy bỗng nhiên chị lên cơn chuyển dạ.
“Lúc ấy bụng đau và có dấu hiệu chuyển dạ nên tôi giục chồng đưa đến bệnh viện. Chồng lập tức xin nghỉ việc và sửa soạn nhanh mấy đồ đạc cần thiết rồi nhanh chóng dìu mình ra cầu thang máy. Khổ nỗi khi đến sảnh chờ thang máy cũng là lúc cư dân đổ đi làm buổi sáng. Mà buổi sáng hôm nào thang cũng kín mít người”, chị V. kể.
“Lúc đó bụng đau, mồ hôi nhễ nhại, tay bấu chặt lấy người chồng nhưng vẫn không sao chịu được, thậm chí đau đến mức phát khóc. Lúc ấy, mình lo lắng vô cùng, chỉ sợ đứa trẻ bị đẻ rơi vì di chuyển thang máy quá lâu, đến tầng nào thang cũng dừng”, chị V.T kể tiếp.
May mắn, điều chị lo lắng không xảy ra. Vừa ra đến sảnh, anh chồng tức tốc dìu chị V. vào taxi. Và, cũng chỉ vừa đến Bệnh viện chị cũng hạ sinh một bé trai kháu khỉnh.
Nhớ lại chuyện cũ, chị V.T vẫn thường vừa kể vừa... mếu với mọi người rằng: "Nếu chậm chút nữa chắc mình đẻ ngay trong thang máy chứ không phải ở viện".
Ngoài chị V., còn không ít trường hợp nữa khiến không ít cư dân phải “nổi cáu” cũng chính vì tắc thang máy mà hiện tại cư dân của nhiều tòa nhà đang phải gánh chịu.
Hoảng loạn vì thang máy bất ngờ… trôi
Tình trạng thang máy trôi tự do không phải hiếm tại các chung cư hiện nay và thực tế đã có không ít sự cố xảy ra.
Năm 2014 bản thân người viết bài đã trực tiếp chứng kiến và cũng là nạn nhân trong một vụ thang máy trôi tự do xảy ra tại một chung cư tại Linh Đàm. Khi đó tòa nhà mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn. Vào thời điểm xảy ra sự cố, chúng tôi cùng di chuyển từ tầng 40 xuống, khi đến tầng số 9, bất ngờ thang có biểu hiện trôi tự do, mất kiểm soát khiến tất cả mọi người trong thang đều tỏ ra hoảng loạn, sợ sệt. Rất may đến tầng 2 bỗng nhiên thang đứng khựng lại khiến ai cũng rơi vào trạng thái choáng váng.
Trường hợp thang máy bỗng nhiên trôi không chỉ xảy ra lần ấy mà nhiều cư dân sống tại tòa nhà đó cũng đã xác nhận đã từng gặp trường hợp thang máy trôi một đôi lần.
Trao đổi với chúng tôi, anh V. một cư dân cho hay: “Dù không đông người trong thang, không quá tải nhưng không hiểu sao lại rơi vào trường hợp như vậy. Bản thân tôi đã từng bị trôi thang máy một lần, khi đó trong thang tất cả mọi người đều tỏ ra hoảng loạn, thậm chí trẻ em còn khóc thét vì lúc thang máy trôi là mất kiểm soát, không thể dừng lại được. Bởi, thang máy trôi ở tốc độ cao xảy ra hiện tượng chòng chành, rung lắc khiến mọi người càng hoảng loạn hơn”.
Việc thang máy trôi tự do không chỉ xảy ra ở các chung cư giá rẻ, thậm chí năm ngoái tòa nhà Lotte (Đào Tấn) cũng đã xảy ra hiện tượng này khiến nhiều người hoảng loạn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Phú (Chuyên gia kỹ thuật một đơn vị cung cấp thang máy) cho biết: Tại Việt Nam hầu hết các đơn vị lắp đặt và bảo dưỡng có tên tuổi đều có bộ phận bảo trì sửa chữa 24/24 ở khắp các tỉnh thành, nên việc sửa chữa cứu hộ là rất nhanh chóng. Nhưng hiện nay do nhu cầu nhiều nên có rất nhiều đơn vị mới thành lập, chủ yếu là bán mới, bán thương mại, đội ngũ sửa chữa cứu hộ rất mỏng và chưa nhiều kinh nghiệm, nên việc bảo dưỡng, khắc phục sự cố nhiều khi bị bỏ ngỏ, gây khó khăn cho các hộ sinh sống trong những khu chung cư khi thang máy hỏng.
"Mặt khác các đơn vị sử dụng thang máy khá chủ quan việc bảo trì, khi hết chế độ bảo hành, khách hàng thường không quan tâm đến việc ký hợp đồng bảo trì, hoặc ký với những đơn vị, cá nhân không có chuyên môn, kinh nghiệm (để giảm chi phí), vì vậy rủi ro hay tai nạn rình rập là chuyện dễ xảy ra!”, ông Phú nhấn mạnh.
Dùng thang máy để dỗ cho trẻ ăn
Rất nhiều người phải thốt lên bất ngờ, ngạc nhiên bởi... công dụng phụ của thang máy ở nhiều khu chung cư lại đảm nhiệm thêm việc "dụ" trẻ ăn ngon!
Có một thực tế khá "quái dị" là việc rất nhiều bà mẹ, người giúp việc hay ông bà lại sử dụng thang máy như một vật dụng xúc tác hoặc một... món đồ chơi, thậm chí là một thế giới riêng cho trẻ nhỏ. Mỗi khi trẻ khóc lóc hoặc biếng ăn thì lại được đưa vào thang máy, dong hết tầng này đến tầng kia, bấm điều khiển khắp các tầng để trẻ nguôi ngoai tiếng khóc hoặc ăn mấy thìa cơm, cháo.
Chị Minh Hương (cư dân một chung cư ở Hà Đông) lắc đầu ngao ngán kể: "Ở chung cư mình đến giờ ăn cơm chiều thì hầu như nhà nào cũng cầm bát cơm trên tay, một tay bế trẻ và chỉ trỏ vào bảng điều khiển để trẻ tự tay bấm bấm và nực cười hơn nữa là họ tự đặt ra quy định là trẻ muốn được bấm thang máy là phải ăn một thìa cơm. Giờ cao điểm mà lên xuống gì cũng gặp cảnh này, nhiều khi mình phát cáu chọn cách bỏ thang máy mà cuốc bộ, mặc dù nhà mình ở tận lầu 7".
Cùng chung nỗi khổ khi thang máy chung cư trở thành thế giới riêng của các "thượng đế nhí", anh Hoàng Chương (cư dân một chung cư ở quận Thanh Xuân) kể lại câu chuyện "hạn chế đi thang máy" của mình: "Nhà ở lầu 5, chuyển về ở đây 3 tháng nhưng số lần tôi đi thang máy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuyện là hôm đó, tôi có cuộc gặp đối tác rất quan trọng, ăn mặc sạch sẽ gọn gàng xách cặp đi làm. Vừa bước vào thang máy thì gặp ngay người giúp việc hàng xóm cũng bế em bé vào thang máy để ăn bữa sáng. Tôi vui vẻ bước vào, đang di chuyển thì cu cậu đòi bấm hết tất cả các lầu, người giúp việc không cho vậy là cu cậu vùng vằng, khóc ré, phun luôn mồm cơm trong miệng tung tóe cả cabin thang máy. Hỡi ơi, bộ quần áo, tóc tai của tôi lãnh đủ cơm, nước miếng của thằng bé. Tôi phát khùng, vội vã lên nhà tắm rửa, thay đồ thì đến cuộc hẹn trễ gần 20 phút. Thang máy chung cư khi đi làm hay khi về đều đúng thời điểm "thượng đế nhí" ăn cơm nên tôi sợ luôn. Chỉ biết bấm bụng đi thang bộ, lắc đầu ngao ngán cho ý thức của người lớn".
Đại diện một đơn vị xây dựng, cung cấp dịch vụ những khu chung cư giá rẻ (xin giấu tên) chia sẻ với chúng tôi rằng: "Đúng là không ít cư dân ở một số khu vực có trình độ dân trí kém, ích kỷ và sống vô tổ chức, vô nguyên tắc thế nên việc biến thang máy làm đồ chơi cho trẻ con không phải là hiếm, chúng tôi cũng đã nghe người dân phản ánh việc này nhiều lần".
"Không chỉ riêng gì chuyện biến thang máy thành đồ chơi mà một số trẻ còn "cuồng" thang máy hễ rảnh lúc nào là ra hành lang bấm gọi thang, xong khi thang mở cửa ra lại chạy trốn khiến rất nhiều cư dân bức xúc khi phải mất quá nhiều thời gian để thang dừng lại, mở cửa rồi đóng", vị đại diện này chia sẻ thêm.