Nhớ lắm, thèm lắm bữa cơm gia đình

Yên Sơn,
Chia sẻ

Bữa cơm: nơi cái dạ dày được no cùng với tiếng cười tràn ngập khắp gia đình.

Khảo sát một vòng trên các trang web, diễn đàn, một điều rất đáng mừng là rất nhiều bạn trẻ, gia đình trẻ dù bận rộn tới đâu cũng ý thức được bữa cơm gia đình là một phần rất quan trọng, không thể thiếu. Nhân ngày gia đình Việt Nam tròn 10 tuổi, xin có đôi dòng tản mạn về bữa cơm của gia đình Việt.
 
Với thời đại bùng nổ thông tin, chỉ cần click chuột, cả trăm công thức nấu nướng cùng hình ảnh đẹp mắt về các món ăn được đưa ra. Thế mới có cảnh cô vợ dù chẳng biết cái gì về nữ công gia chánh, cũng chẳng thích đọc sách vở, chỉ cần mang laptop nối 3G xuống bếp, đặt ở một vị trí cao ráo, vào mạng và bắt đầu nấu nướng.
 
Bạn đừng cười vội, vì đó là cách học nấu ăn thời hiện đại, nhem nhóm trong cô ấy là tình yêu thương với gia đình và niềm đam mê với món ăn. Bạn có nghĩ vậy không?
 
Đơn giản mà ngon
 
Nói là đơn giản nhưng bữa cơm ít nhất phải có 3 món: cơm, canh (rau luộc, xào) và 1 món mặn. Đó là sự cân bằng âm dương để cho cái dạ dày "êm" trước trong bữa ăn.
 
Bữa cơm đơn giản nhưng chứa đựng nhiều tình cảm. Ảnh minh họa
 
Có rất nhiều người cầu kỳ trong nấu ăn, nhưng đa số thích sự đơn giản vì nó tránh được sự mệt mỏi trong bếp núc, lại nhẹ bụng, ngon cơm. Anh Thành Vinh - 30 tuổi, công tác tại một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu tại phố Tây Sơn tâm sự: "bữa ăn của nhà tôi chỉ gồm 1 món mặn, 1 món rau luộc và cơm. Thi thoảng vợ hứng lên thì thêm món xào. Các món mặn thì tuần lặp lại 1,2 lần, với tôi, có thể thiếu thịt chứ rau thì nhất quyết không. Một ngày cả hai vợ chồng chỉ ăn với nhau bữa tối nên thích lắm, mời nhau ăn cơm, kể chuyện ở cơ quan"...
 
Bữa cơm gia đình còn "xâm nhập" vào những văn phòng, công sở buổi trưa. Cơm hộp mà dân văn phòng mang theo không đơn giản là ngon, an toàn mà trong đó còn có tình cảm của rất nhiều thành viên. Chị Hồng Hải, chuyên viên bộ Ngoại giao chia sẻ: "hàng ngày, mẹ chồng dậy rất sớm để chuẩn bị cơm mang đi cho hai con. Mẹ làm rất cầu kỳ và rất nhiều, thường mình phải chia cho cả phòng mới hết. Chồng mình công tác gần đó, thi thoảng lại chạy sang ăn ké. Bạn đồng nghiệp thì khen cơm ngon, nên mình thấy tự hào và quý mẹ chồng lắm".
 
Hay như "khám phá"  của bạn Thanh My mới về làm dâu đất Bắc: " hai vợ chồng cưới nhau, chồng người Bắc vợ người Nam chính gốc. Mới đầu, hai vợ chồng cứ "trốn" bữa ăn với nhau vì những xung đột không đáng có như vợ thích ăn ngọt, chồng thì ghét mì chính... Vợ cứ lẳng lặng ăn, chẳng mời chồng. Thế rồi, một hôm chồng tự tay vào bếp, làm những món đơn giản mà ngon, nhẹ nhàng bảo vợ là thích ăn như thế: rau luộc, thịt luộc, cơm luộc. Vợ thích ngọt thì gia giảm vào nước chấm. Khi ăn thì mời nhau 1 tiếng cho tình cảm. Thế là từ đó, vợ và chồng đều thích thú với bữa ăn toàn đồ "luộc" của mình".
 
Đừng nấu ăn 1 mình
 
Nhiều đấng mày râu, phu quân, ông xã... mặc định: người yêu, vợ là người nấu nướng, chăm lo tới bữa ăn. Các nàng thì đương nhiên đó là thiên chức trời sinh ra cho mình. Nhưng ít nhiều trong đó ẩn chứa sự "ấm ức". " Mình cũng đi làm, về tới nhà là chồng "kềnh" ngay ra ghế salon, bật tivi lên xem, tới bữa thì mời mãi mới vào ăn cơm", chị Lan, sống tại phố Lê Trọng Tấn kể.
 
Hãy dùng "mưu" kéo chồng vào bếp chia sẻ công việc nội trợ và
 làm bữa ăn thêm ngon. Ảnh minh họa.
 
Trường hợp như thế chẳng phải là hiếm. Thế là chị em ta tha hồ bực dọc, đến lúc vào ăn cơm cũng chẳng thoải mái, nếu chồng mà mở mồm chê cơm thì hôm đó sẽ thành cuộc đại chiến và chắc chắn vài ngày sau đó bữa cơm gia đình vắng bóng.
 
Tôi cũng rơi vào trường hợp đó một vài lần. Lý do thì rất đơn giản: đó là việc của mình, thương chồng mệt, việc không có gì, sai chồng thì cái gì cũng không biết... Nhưng gặp hôm trời nóng, cái bếp ga có vấn đề, đang nấu cơm lại bận việc này việc kia. Thấy chồng ngồi chơi mà mình thì tất bật, thế là cáu, là bực mình, ấm ức.
 
Vậy bạn phải làm gì trong những trường hợp đó?
 
Hãy động viên chồng, dù anh ấy còn vụng về hay nấu chưa ngon. Ảnh minh họa.
 
Hãy kéo chồng vào nấu nướng! Nhưng "kéo" như thế nào thì còn là nghệ thuật mà chị em ta thì có vô vàn "mưu". Tuy nhiên, điều tối kỵ: đừng sai chồng như... con. Anh Thành Lâm, làm tại một cơ quan báo chí bật mí: "thực ra thấy vợ vất vả nấu nướng mình cũng muốn giúp lắm, nhưng thường thì ít khi động tới bếp núc nên đồ đạc chẳng biết vợ cất kiểu gì. Tìm cái rổ hỏi vợ, lọ muối hỏi vợ, thế là cô ấy hay cáu. Mình rút kinh nghiệm, cứ đi tìm đã, đeo cái tạp dề vào cho có dáng bếp núc, nhẹ nhàng hỏi cô ấy. Chắc chắn sẽ nhận được một nụ cười và hai vợ chồng sẽ cùng nấu nướng".
 
Còn anh Huy Tuấn lại có cách chia sẻ việc bếp núc với vợ khiến cho cô ấy luôn luôn khoe với đồng nghiệp: "thưở độc thân, không mẹ, không người yêu thì tự mình nấu ăn chứ nhờ được ai đâu. Giờ có vợ thì hay ỷ lại. Nhưng thi thoảng, đi ăn ngon ngon ở đâu, món dễ làm, mình lại "học mót" mang về, mua đồ ở chợ và trổ tài. Họ làm 10 phần ngon thì mình cũng được 7,8. Vợ thích lắm, lại chẳng cấm mình đi nhậu vì về là hay làm món ngon quán nhậu cho vợ".
 
Đừng bỏ bữa cơm gia đình
 
Dù nấu bằng hình thức nào đi nữa, hãy cố gắng duy trì bữa cơm trong gia đình. Cái dạ dày luôn luôn là đường đi tốt nhất để dẫn tới trái tim của mỗi người!
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ