“Hầm trú ẩn” dành cho những bé sơ sinh bị bỏ rơi trên thế giới
Câu chuyện đau lòng của một cậu bé bị bỏ rơi trong ống cống ở Sydney đã châm ngòi cho một chiến dịch kêu gọi chính phủ xây dựng những “hầm trú ẩn an toàn cho em bé”.
Một người phụ nữ đã bỏ con trai mình trong một chiếc cống sâu 2.4 mét ở Quakers Hill, phía tây Sydney khi cậu bé chỉ mới 1 ngày tuổi. Rất may mắn, dù nằm dưới cống 5 ngày, em bé vẫn sống sót. Vụ việc gây sốc trên đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Úc và các nhà vận động cho rằng đã đến lúc cần có những “hầm trú ẩn cho trẻ sơ sinh” cho phép cha mẹ đặt những em bé mà họ không thể nuôi dưỡng.
Thượng nghị sĩ Tasmania Helen Polley, người thúc đẩy giới thiệu mô hình này ở Úc 7 năm trước đã nói với Daily Mail: “Tôi đã nhìn thấy, đọc và khóc vì quá nhiều trẻ em đã chết vì bị bỏ rơi từ năm 2007 đến nay. Tôi không biết chi tiết về câu chuyện này nhưng đã có rất nhiều phụ nữ trẻ đã lén lút mang thai và sinh con trong nhà vệ sinh. Họ cần rất nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ”, bà cho biết.
Một "hầm trú ẩn em bé sơ sinh" tại bệnh viện St. Joseph Berlin, Đức. Nơi người ta có thể bỏ lại những em bé sơ sinh mà họ không thể/không muốn nuôi dưỡng, để em bé có thể được một người vô danh nào đó nhận về nuôi.
Ủy ban Liên hiệp quốc về quyền trẻ em cho biết có rất nhiều "hầm trú ẩn trẻ sơ sinh" ở khắp châu Âu nhưng Đức là nơi có nhiều nhất: 99 hầm trên toàn quốc.
Một hầm có đầy đủ chăn và nệm ở Đức
Ở Trung Quốc, các bố mẹ không muốn nuôi con có thể đặt em bé vào những căn phòng nhỏ, sau đó rung chuông để nhân viên phúc lợi xã hội đến để nhận em bé.
Một bà mẹ khóc sau khi rời bỏ căn phòng bỏ em bé ở Quảng Châu. Có khoảng 25 căn phòng như thế ở khắp Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, chính sách khuyến khích một con đã khiến nhiều gia đình chỉ muốn có con trai, vì thế các bé gái thường bị bỏ rơi tại những căn phòng này.
Tại Đức, Canada, Trung Quốc, khi những ông bố bà mẹ không muốn nuôi con, hoặc không thể chăm sóc cho con vì nghèo đói, bệnh tật, họ có thể đặt em bé vào những hầm trú ẩn an toàn. Sau 2, 3 phút chuông báo động vang lên sẽ thông báo cho nhân viên dịch vụ phúc lợi xã hội tại đó rằng có một đứa trẻ ở đó, điều này cũng cho các ông bố bà mẹ có đủ thời gian để rời khỏi đó mà không sợ bị truy tố.
Lần đầu tiên bà Polley nghe nói về “hầm trú ẩn em bé” vào năm 2007 khi con gái út của bà đang mang thai và xem một chương trình của Mỹ về những em bé bị bỏ rơi. “Con gái của tôi nói, mẹ phải làm một cái gì đó đi mẹ”, bà Polley kể.
Kể từ đó, bà Polley đã đến thăm các bệnh viện ở Đức và Ý để tìm hiểu và cảm thấy rất xúc động bởi những câu chuyện về những em bé bị bỏ rơi trong túi nhựa hay bụi rậm. Tại Rome, trung bình một tháng có một em bé bị bỏ rơi và họ có hẳn một thẩm phán đặc biệt chỉ định người nhận nuôi những em bé này. “Có một em bé bị bỏ rơi tại một trạm xe buýt nhưng người qua đường cứ nghĩ đó là một con mèo con, họ đã không nhận ra đó là một cậu bé. Em bé đã nằm trong một nhà xác hai năm trước khi được chôn cất”, bà Polley kể về câu chuyện mà bà không thể quên được.
Dù có nhiều người ủng hộ ý tưởng này nhưng cũng có không ít người lo ngại “hầm trú ẩn cho em bé bị bỏ rơi” có thể khuyến khích phụ nữ bỏ rơi con của họ. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Polley cho biết “Không có bằng chứng về sự gia tăng hầm ở những nước đang sử dụng hệ thống này”.
(Theo Dailymail)