Giáo viên thường xuyên ngắt nhéo bộ phận sinh dục trẻ
Một cơ sở núp bóng Trường tiểu học chuyên biệt có hành động đánh trẻ bằng móc phơi đồ, dép, khúc cây, ngắt nhéo vào bộ phận sinh dục trẻ ...vừa được "vạch mặt". Khi biết về những ngược đãi này, sáng nay, 21/7 nhiều phụ huynh đã vội vàng đến đón con.
Cô giáo ngắt nhéo bộ phận sinh dục trẻ
Cơ sở Anh Vương núp bóng trường tiểu học chuyên biệt đóng tại số 86 đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) đã nhận giữ bán trú và nội trú 27 trẻ mắc chứng tự kỉ. Trái với phương pháp giáo dục chuyên biệt cần có, cơ sở này đã có nhiều hành vi ngược đãi trẻ em.
Theo thông tin báo Thanh Niên phản ánh, ngày 7/7, Trần Minh Sang (8 tuổi, quê Đà Nẵng) luôn miệng kêu nhớ ba và đòi cô giáo gọi điện cho ba. Khi em chạy xuống nhà khóc nhè đã bị lôi ngược lên lầu. Khi lên tới nhà chơi bóng ở lầu một, Sang lại bị “cô” Vân - một giáo viên ở cơ sở này - tiếp tục dùng roi sắt đánh khiến em khóc tức tưởi.
17 giờ ngày 7/7, trong lúc chuẩn bị ăn cơm, em Trần An Tường lấy áo của một người trong trường mặc. Sau khi phát hiện, cô Vân cầm chiếc roi sắt (bẻ từ chiếc móc phơi quần áo) đuổi theo Tường, la mắng, quát tháo khiến em hoảng sợ, không thể nhớ chiếc áo mình từng mặc trước đó đang để đâu. Bị cô Vân dùng roi sắt đánh vào lưng và đầu, Tường càng trở nên sảng, chạy luồn khắp từ trong nhà ra sân phơi đồ để né đòn. Khuôn mặt đờ đẫn, Tường khóc rưng rức, co ro núp sau những chiếc áo phơi trong sân.
Khoảng 10 giờ ngày 9/7, trong giờ học, em Nguyễn Phi Bằng chạy ra ngoài mở ti vi thì bị cô Loa và cô Trúc ngăn lại, kéo vào góc trái của lớp học rồi dùng một chiếc bàn chắn lại. Bằng vùng vẫy để ra ngoài nhưng mỗi lần trèo lên lại bị cô Loa và cô Trúc dùng một khung hình bằng gỗ dày và một cây nhựa đánh vào chân, tay. Cùng lúc, cô Loa còn dùng tay dí cổ và bóp miệng Bằng để ngăn em la hét. Càng bị đánh, Bằng càng phản ứng mạnh. Những học sinh khác chỉ dám đứng nhìn với ánh mắt vô cùng sợ sệt.
Ngày 9/7, do ăn chậm nên em Kỳ Nam bị cô Lam kéo từ nhà ăn ra hồ cá dọa: “Ăn cá nha. Ăn cá dưới hồ nha!”. Trong lúc kéo Nam ra, nhiều lần cô này tát vào mặt và đá vào người khiến em vừa ăn vừa nuốt nước mắt.
Phi Bằng, Danh Phương là những nạn nhân đã từng bị các cô ngắt nhéo vào bộ phận sinh dục, gây tróc da phải bôi thuốc. Hình ảnh từ báo Thanh Niên cũng cho thấy, có nhiều học sinh đã bị giáo viên nhồi nhét thức ăn dù đang bệnh, chán ăn.
Mỗi phụ huynh có con gửi nội trú tại cơ sở này phải trả từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, bán trú từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Phụ huynh hoảng hồn chạy đến đón con
Khi biết về những ngược đãi mà cơ sở Anh Vương dành cho con cháu mình, sáng nay 21/7 nhiều phụ huynh đã vội vàng đến đón con.
Trong sáng nay, đại diện Sở GD & ĐT TP.HCM, Phòng GD & ĐT Q. Tân Bình, chính quyền địa phương (UBND, Công an Phường 15 và Q.Tân Bình cũng đã đến làm việc tại cơ sở Anh Vương. Thực chất cơ sở Anh Vương chỉ là một Công ty TNHH MTV Anh Vương chứ không phải là trường tiểu học. Chủ cơ sở chính là ông Chu Văn Việt. Cơ sở có 11 “giáo viên” - không có hợp đồng lao động. Cơ sở hiện đang giữ 27 trẻ mắc hội chứng tự kỉ, trong đó đa số trẻ là ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc. Trẻ có hộ khẩu quận Tân Bình và TP.HCM là rất ít. Ông Việt chưa có thống kê cụ thể về lí lịch trẻ mà mình giữ.
Cơ sở chia trẻ ra làm 4 lớp, nhưng không hề có giáo án giáo trình, trong khi giáo dục trẻ chuyên biệt phải dựa vào tính “đặc thù” rất cao. Ông Trần Khắc Huy - Trưởng Phòng GD & ĐT Q.Tân Bình đã trao đổi thẳng thắn với các cô giáo được phản ánh về hành vi ngược đãi.
Câu trả lời là các “cô giáo” là: “Chúng em chỉ giơ tay dọa thôi, rồi bị chụp ảnh... Các anh chị xuống đây dạy các trẻ đi rồi mới hiểu cái cái khổ tụi em”. Ông Huy bức xúc bày tỏ: “Rõ ràng các cô đã sai phương pháp. Không thể giáo dục trẻ bằng các biện pháp như thế. Nếu không biết thì phải đi học, hoặc ra khỏi ngành chứ không được có hành vi phản giáo dục như vậy”.
Ông Việt cũng đã biện minh quanh co. Tuy nhiên nhìn lại quá trình vi phạm của cơ sở Anh Vương thì ông Việt đã “vi phạm có tổ chức”.
Cơ sở Anh Vương vi phạm như thế nào?
Năm 2009 ông Việt đã nộp hồ sơ xin thành lập trường giáo dục chuyên biệt Anh Vương. Dựa trên các điều kiện lúc ấy, Phòng đã tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp giấy phép cho trường Anh Vương được thành lập. Tuy nhiên các cấp quản lí giáo dục cũng thường xuyên thanh tra, nhắc nhở về các vi phạm mà trường mắc phải. Nhận thấy trường không có cải thiện nên phòng đã yêu cầu ủy ban rút giấy phép, công an thu hồi con dấu. Quyết định giải thể trường có hiệu lực từ 30/12/2013. Ông Huy giải thích: “Đến thời điểm đó, mọi hoạt động của trường đã không thuộc phạm vi ngành giáo dục”.
Tuy nhiên sau đó cơ sở Anh Vương này vẫn ngoan cố hoạt động. Để đánh lừa phụ huynh, ông Việt đã xin thành lập Công ty TNHH MTV Anh Vương, trong ngành nghề hoạt động, giấy đăng kí ghi: “Chuyên chăm sóc người có công, người già, người khuyết tật không có khả năng tự chăm sóc”. Giấy phép do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp. Ông Việt đã “bám” vào hai chữ “Khuyết Tật” để lừa phụ huynh và tiếp tục treo biển Trường tiểu học chuyên biệt.
Ông Huy là người vừa tiếp nhận chức Trưởng phòng giáo dục hơn một tuần. Ông đã bày tỏ bức xúc với chính quyền địa phương: “Đây là cơ sở được cấp giấy phép hoạt động về kinh tế, tại sao khi treo biển trường học, chính quyền địa phương lại không phản đối?!”.
Theo ông Huy, khi trao đổi với ông, đại diện Ủy ban phường 15 cho biết đã xuống 3 lần nhưng không gặp chủ cơ sở nên không giải quyết được (?!).
Điều này khiến ông Huy rất bức xúc. Hôm nay, ngày 21/7, ông Huy đã yêu cầu cơ sở tháo ngay bảng tên trường.
Về phía các em tại trường, ông Huy đã sắp xếp giới thiệu đến các cơ sở giáo dục chuyên biệt trong quận và TP.HCM. Riêng hơn 20 em có ba mẹ ở xa, có em một năm ba mẹ chỉ đến thăm một lần, ông Việt hứa sẽ liên hệ với phụ huynh để họ đến đón con sớm nhất. Do có nhiều phụ huynh ở miền Trung và miền Bắc nên ông Việt được gia hạn đến ngày 23 phải giải quyết triệt để. Ông Huy cũng dự định giới thiệu các em này đến một trường chuyên biệt ở Củ Chi.
Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thành hồ sơ, giải quyết các vấn đề về dân sự, hình sự liên quan đến cơ sở Anh Vương nếu có.