Chết khiếp với cảnh tượng này trong các quán ăn chật chội
Bước vào nhà vệ sinh của những quán ăn này, thực khách không khỏi buồn nôn khi tận mắt chứng kiến rau sống, thịt cá, bát đũa… được vứt tràn lan trong nhà vệ sinh một cách bẩn thỉu.
Nào ai biết "hậu trường" của những món ăn ngon
Tại Hà Nội có rất nhiều khu vực phục vụ đồ ăn sáng, ăn trưa cho dân văn phòng như: Nghĩa Tân, Ngụy Như Kom Tum, Yên Hòa, Duy Tân, Trung Hòa Nhân Chính… Những nơi này thường phục vụ các món như: bún đậu, bún chả, phở, cơm bình dân với giá cả phải chăng, phù hợp với đại đa số người dân, đặc biệt là dân văn phòng nên khá đắt hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào buổi trưa tại những địa điểm này lượng thực khách tìm đến luôn đông đúc, tấp nập. Thậm chí nhiều quán ăn, khách phải ngồi vỉa hè để ăn trưa.
Những suất bún chả chỉ từ 20 -25 ngàn đồng, bún cá từ 25-30 ngàn đồng, bún đậu đầy đủ (chả cốm, thịt chân giò luộc, lòng lợn rán) từ 30-40 ngàn đồng, cơm từ 20-30 ngàn đồng là những lựa chọn hợp lý để dân văn phòng làm “ấm bụng” buổi trưa.
Thậm chí như món bún đậu đầy đủ đang được giới văn phòng đặc biệt là chị em thích thú cũng chỉ khoảng trên 30 ngàn đồng/mẹt.
“Bữa trưa chúng tôi gần như ngày nào cũng đi ăn theo nhóm cùng cơ quan, hôm nay ăn món này, ngày mai ăn món khác miễn làm sao không cảm thấy ngán là được. Thường thì mỗi ngày chi khoảng 30 ngàn đồng cho 1 bữa ăn trưa là hợp lý. Những món như bún chả, bún đậu, cơm khá phù hợp”, chị Thùy – một nhân viên bất động sản chia sẻ.
Đang thưởng thức món bún mọc chân giò, anh Vinh, một nhân viên xây dựng tại quận Thanh Xuân cho biết: “Thực ra để đảm bảo vệ sinh không ai dám chắc được bởi với tôi cũng như nhiều người thì chỉ cần nhìn thấy rau sống tươi ngon, không lẫn tạp chất, bát bún sạch sẽ là yên tâm ăn được rồi”.
Món ngon hấp dẫn, giá cả phải chăng, thu hút thực khách là thế nhưng khi chúng tôi "đột nhập" nhà vệ sinh của một vài quán phục vụ các món ăn bình dân thì không khỏi "phát hoảng". Do các hàng quán đều tận dụng diện tích thuê mướn khá chật hẹp, nhà vệ sinh cũng được tận dụng triệt để để. Và thế là dễ dàng bắt gặp cảnh tượng kinh khủng là thực phẩm, bát đũa bày la liệt một cách bẩn thỉu trong WC. Mùi đồ ăn thừa, mắm tôm... trộn lẫn với mùi "nồng nàn" của nhà vệ sinh tạo nên một không khí kinh khủng khiến ai vừa bước vào cũng khiếp đảm.
Buồn nôn cảnh rau sống rửa xong để trên bồn cầu
Tại một quán bán cơm trưa văn phòng khá đông khách ở quận Đống Đa, giờ ăn trưa khách phải chờ một lúc mới có bàn ăn. Thực đơn của quán khá hấp dẫn với nhiều món ăn cơm lạ miệng, bàn ghế, chén đũa khá tươm tất, sạch sẽ. Thế nhưng khi đi sâu vào phía sau quán thì chúng tôi không khỏi choáng váng vì trong không gian chật hẹp của căn bếp chưa đầy 10m vuông bày la liệt thực phẩm, xoong nồi. Nhưng kinh hoàng nhất là rổ rau sống to đùng được nhân viên rửa luôn trong nhà vệ sinh. Còn rổ bát đĩa vừa rửa xong được để lên luôn bồn cầu cho tiện!
Khách muốn đi vệ sinh phải len lỏi qua nhiều đống bát đũa, len lỏi qua chậu rửa, nhấc rổ rau sống, hành hoa, củ quả ra khỏi bồn cầu mới có thể đi vệ sinh được.
Điểm chung của các quán ăn nhỏ là diện tích thuê mướn, bán hàng ăn nhanh, thực khách thường tranh thủ buổi trưa ăn xong đi luôn. Nhà vệ sinh ít được sử dụng và vì diện tích quán chật hẹp, góc nhỏ của WC cũng nghiễm nhiên trở thành "kệ tủ", "giá để đồ"...
Tại một quán bún đậu thuộc quận Thanh Xuân vào buổi trưa luôn có đông đảo thực khách đến ăn. Thế nhưng chúng tôi bước vào nhà vệ sinh mà suýt ngất khi chứng kiến cảnh bát đũa để ngổn ngang trong không gian chật hẹp. Thậm chí một mẹt bún đậu vừa được khách ăn dở cũng vứt ngổn ngang. Trong nhà vệ sinh, hàng chục thứ mùi quện lại với nhau tạo nên một mùi buồn nôn đến khó có thể diễn tả.
Do nhà vệ sinh của quán này được thiết kế dạng hố bệt nên nếu ai đó giải quyết nhu cầu thì chất thải dễ dàng bắn tứ tung, thậm chí vương vãi ra đống bát đũa chưa kịp rửa.
Tại một quán bún chả thuộc quận Cầu Giấy, khi vào nhà vệ sinh của quán, chúng tôi cũng sợ hãi khi rổ hành tươi, rau sống và củ quả vừa được nhân viên rửa xong đặt ngay trên bệ xí! Trong không gian nhà vệ sinh chưa đầy 1 mét vuông này, nếu khác muốn đi vệ sinh chỉ còn nước nhấc rổ đựng hành tươi, rau sống, củ quả xuống dưới sàn rồi đi vệ sinh, khi giải quyết nhu cầu xong chỉ còn cách đặt lại vị trí cũ.
Chị M.H, nhân viên hành chính một cơ quan gần quán bún này sau khi thưởng thức món bún chả ở đây vừa bước vào nhà vệ sinh này đã suýt nôn vì chứng kiến đống bát đũa được vứt chỏng chơ bên thùng rác đã bốc mùi.Chị H. bức xúc: "Xưa nay mình và đồng nghiệp hay ăn trưa ở đây vì quán rẻ lại ngon. Bọn mình vô tư ăn, ít ai để ý đến khu vực chế biến thức ăn. Hôm nay, tình cờ muốn đi vệ sinh chứng kiến sự bẩn thỉu trong nhà vệ sinh của quán này mình không chịu nổi. Thôi từ nay cạch đến già"
Khi chúng tôi với vai trò một thực khách phản ánh việc để rau sống, hành hoa trong nhà vệ sinh sẽ mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì chủ quán biện minh rằng do diện tích quán chật hẹp, nên đề nghị khách thông cảm?!
Thời buổi kinh tế thị trường, có lẽ thực khách dễ thông cảm với những khó khăn của người buôn bán, đặc biệt là bán hàng ăn. Nhưng kiểu ăn đồ ăn đến từ toilet thế này, dám chắc dù rẻ dù ngon đến đâu, thực khách cũng một đi không trở lại!