World Cup 2022: Giải vô địch không dành cho thế giới
World Cup - Giải vô địch bóng đá thế giới, một biểu tượng của túc cầu, của FIFA và là tài sản tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ, đã ngày càng bộc lộ rõ bản chất hai mặt…
Ở phía của hào nhoáng, của cảm xúc sân cỏ, nó vẫn giữ được sự thiêng liêng vốn có. Còn ở hậu trường, nó không còn mang ý niệm thế giới nữa. World Cup 2022 ẩn chứa một thế giới khác, bất công và phi lý hơn.
Những ngày tháng giãn cách xã hội vì COVID-19 đã khiến người Việt Nam xích lại gần hơn với Netflix, và khám phá ra rằng đó không chỉ là một nền tảng xem phim giải trí đơn thuần. Ở đó, họ tìm được rất nhiều phim tư liệu hay, mở mang thêm kiến thức.
Trước khi bóng lăn ở Qatar chục ngày, Netflix tung ra series FIFA Uncovered (Lột trần FIFA), trọng tâm là các lùm xùm hậu trường của cỗ máy bóng đá vĩ đại nhất toàn cầu, với tài sản lớn nhất là World Cup và trận chung kết luôn tăng giá sau mỗi 4 năm.
Với những ai chưa từng tiếp cận các tài liệu về tổ chức này, xem FIFA Uncovered không khác gì dỏng tai nghe bom. Chấn động. Đó chính là nhận xét chung của không ít khán giả Việt Nam sau khi nghiền trọn 4 tập mùa 1 của series này.
Nhưng với những người từng cố công theo sát FIFA thời gian qua, họ không thấy sốc với FIFA Uncovered.
Từ 2017, Nhà xuất bản Yellow Jersey Press đã tung ra cuốn The fall of the House of FIFA (Sự sụp đổ của "gia tộc" FIFA) với nhiều vụ bê bối đình đám nhất suốt vài thập niên. Nhưng không như cái tên của cuốn sách, "gia tộc" FIFA không hề sụp đổ, mà còn đang ăn nên làm ra.
Tại sao FIFA Uncovered lại được phát hành lúc này? Câu hỏi này có thể có nhiều đáp án. Có hay chăng việc Netflix, một nền tảng của Hoa Kỳ, quyết tung ra đòn đánh cuối cùng vào uy tín và danh dự của Qatar, quốc gia đăng cai World Cup 2022?
Việc họ để mất quyền đăng cai vào tay Qatar thực sự là một đòn cay đắng, nhưng cũng là cơ hội để họ chứng minh rằng họ đủ bản lĩnh, năng lực và sự phớt lờ để can dự vào bất kỳ vùng lãnh thổ nào.
Chắc hẳn những ai có thiện cảm với nước Mỹ đến mấy cũng khó có thể trả lời thẳng thắn câu hỏi: "Việc FBI điều tra FIFA có phù hợp công pháp quốc tế hay không?".
Nhưng hãy tạm gác chuyện đó qua một bên, để đọc lại chính những phát biểu của Sepp Blatter cách đây cũng chỉ chục ngày. Người từng hân hoan công bố cái tên Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 hồi năm 2010 ấy đã "quay xe" bằng tuyên bố: "Giao Qatar đăng cai World Cup là sai lầm".
Blatter, cựu chủ tịch FIFA, lý giải rằng FIFA có ý định để Nga đăng cai 2018 và Mỹ đăng cai 2022 để lấy tính tiếp nối như một cử chỉ mang biểu tượng hòa bình. Blatter đổ lỗi cho Michel Platini, với quyết định của ông này khi còn là chủ tịch UEFA, sau một bữa trưa với tổng thống lúc bấy giờ Nicolas Sarkozy và quốc vương Qatar Al-Thani.
Blatter nói thẳng, đại ý là World Cup nên được tổ chức ở các nước lớn và 4 phiếu của Platini đã thay đổi tất cả. Đúng là nếu Platini bỏ phiếu cho Mỹ, tỉ số ở vòng cuối sẽ là 12-10 nghiêng về Mỹ.
Nhưng nếu nhìn lại ba vòng trước đó, số phiếu của Mỹ chỉ lần lượt là 3, 5 và 6, chúng ta sẽ thấy Mỹ cũng không nhận được sự ủng hộ thực chất của nhiều liên đoàn khác, chứ không chỉ UEFA.
Blatter và Platini lúc này đều đã ra đi vì những cáo buộc nhận hối lộ. Lật lại vấn đề, nếu các cáo buộc hối lộ ấy đã được chứng minh là liên quan chặt chẽ tới quy trình đăng cai World Cup, thì tại sao không có xử lý triệt để là tước quyền đăng cai, việc mà FIFA hoàn toàn có thể thực hiện từ 6 năm trước?
Màu sắc chính trị vẫn ám lấy World Cup, khi cho tới tận lúc này, ở số ra cuối cùng trước lúc bóng lăn, tạp chí World Soccer vẫn ra rả câu chuyện có tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Qatar trong thời gian xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup.
Ở chiều ngược lại, có một thông tin mà chúng ta ít được biết đến và nên biết. Đó là ở Qatar có các sân vận động "cơ động" tháo dỡ được để di dời lắp đặt ở một nơi khác. Nhà thầu cung cấp các kết cấu thép cho một sân như vậy ở Qatar, sân Lusail, là một công ty Việt Nam.
Gần đây, chúng ta nghe nhiều về chuyện các quyết định trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung vẫn bị dẫn dắt bởi các tham vọng và ý đồ chính trị. Nhưng có bao nhiêu chỉ trích và tranh cãi thì bóng vẫn cứ lăn, tín đồ túc cầu giáo vẫn mê say. Khi bóng lăn, không còn ai nói về súng đạn nữa.
Nhưng trong đầu óc những người sẵn mang thiên kiến, bóng đá nhuốm màu rất khác. Như tuyên bố của Blatter chẳng hạn. World Cup không dành cho nước nhỏ, sự kỳ thị ấy có xứng với những giá trị nhân bản mà bóng đá vẫn theo đuổi bấy lâu nay? Và một khi không có sự góp mặt của các nước nhỏ, World Cup có còn là giải đấu cho cả thế giới?
Để tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới này, quốc gia Trung Đông chỉ có không đầy 3 triệu dân đã chi ra số tiền kỷ lục: 220 tỉ USD.
Món nổi bật nhất trong đại tiệc công nghệ mà nước chủ nhà Qatar hứa hẹn có lẽ là hệ thống hỗ trợ trọng tài, với công nghệ việt vị bán tự động (SAOT) và quả bóng Al Rihla. SAOT có thể coi là phiên bản nâng cao của VAR, gồm 12 camera bao quanh sân đấu. Các camera này thu thập được tối đa 29 điểm dữ liệu về mỗi cầu thủ, với tần suất 50 lần/giây.
Quả bóng Al Rihla, phiên bản bóng tối tân nhất hiện nay với lớp da polyurethane giúp tăng cường tốc độ và chuyển hướng dễ dàng, còn bao gồm thêm bộ phận cảm biến bên trong.
Bộ phận này hợp cùng SAOT tạo thành hệ thống trọng tài robot được chờ đợi là sẽ hết sức nhạy bén và chính xác khi bắt việt vị và xác định các tình huống bóng có qua vạch vôi chưa.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thu thập và xử lý dữ liệu trong vòng 20 giây, rồi gửi dữ liệu cho tổ trọng tài trong phòng điều khiển để ra quyết định.
FIFA cho biết hệ thống này đã được thử nghiệm thành công ở Cup Ả Rập 2021 và FIFA Club World Cup 2021.
Đến World Cup, loạt ảnh dữ liệu do SAOT và bộ cảm biến trong bóng Al Rihla ghi nhận sẽ còn được trình chiếu ngay trên sân vận động, giúp khán giả ngoài tận hưởng cảm giác sôi động của sân bóng còn cảm thấy thoải mái như "ngồi nhà xem tivi".
FIFA phải dời World Cup 2022 về cuối năm để tránh cái nóng gay gắt của mùa hè Qatar, nhưng kể cả như vậy, khoảng nhiệt độ 20-28OC giai đoạn tháng 11-12 ở quốc gia Trung Đông này vẫn làm khó các cầu thủ. Nước chủ nhà vì vậy phải nỗ lực đưa các sân vận động vào điều kiện khoảng 18-22OC.
Giáo sư Saud Abdulaziz Abdul Ghani của Đại học Kỹ thuật Qatar là người phụ trách nhiệm vụ này. Lấy cảm hứng từ hoạt động của máy lạnh trong xe hơi, giáo sư Saud xây dựng một hệ thống làm mát sân vận động kết hợp giữa vật liệu cách nhiệt và hệ thống "làm mát có mục tiêu".
Không khí được làm mát đi vào qua các cửa gió trên khán đài và vòi phun lớn trên sân. Không khí ấm sau đó được hút trở lại, làm mát, lọc và đẩy ra ngoài.
Sân Khalifa (sân duy nhất không phải xây mới của Qatar ở World Cup 2022) là nơi đầu tiên lắp đặt hệ thống này. Quá trình cải tạo bao gồm xây thêm một mái che, bảo vệ khán đài khỏi ánh nắng mặt trời.
Do bảy sân còn lại của World Cup 2022 được xây dựng sau khi dự án làm mát tiến hành, giáo sư Saud đã cung cấp giải pháp riêng cho từng sân, được thử nghiệm trước để xem phản ứng với gió ở các tốc độ khác nhau như thế nào.
Trong tám sân của World Cup 2022, Ras Abu Aboud vào loại nhỏ nhất với sức chứa chỉ khoảng 40.000 người. Nhưng đó cũng là sân đặc biệt nhất, với biệt danh "sân 974", ý chỉ số lượng container được tái chế trong quá trình xây dựng, cũng là mã số điện thoại quốc tế của nước chủ nhà Qatar.
Các sân vận động "có thể tháo dỡ" từ lâu đã là xu hướng trong xây dựng các công trình thể thao, nhằm tiết kiệm chi phí bảo trì và tránh lãng phí.
Nhưng sân 974 sẽ trở thành sân đấu thể thao có thể tháo dỡ hoàn toàn đầu tiên trong lịch sử World Cup. Theo kế hoạch của nước chủ nhà, sau World Cup, sân vận động này có thể được tháo dỡ và tặng cho một quốc gia châu Phi.
FIFA tuyên bố đây sẽ là hình mẫu cho việc xây sân vận động trong tương lai, hướng đến sự đa năng, tiện dụng và tiết kiệm. Còn Lusail, sân trung tâm của World Cup 2022 (sức chứa 80.000 chỗ), sẽ được thu gọn lại còn sức chứa 40.000 chỗ.
Một phần khán đài được tháo gỡ, phần đất trống sẽ được chuyển đổi trở thành không gian công cộng như trường học, siêu thị, hạ tầng thể thao khác, phòng khám…
Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, có ba trọng tài nữ tham gia điều hành các trận đấu của nam. Điều này càng ý nghĩa khi World Cup 2022 diễn ra ở một quốc gia Hồi giáo: Qatar.
Trong khi đó ở Việt Nam, sau khi có bản quyền truyền hình, đài truyền hình quốc gia rầm rộ tổ chức tuyển chọn 32 "hot girl" tham gia chương trình "Nóng cùng World Cup" với những lời rao, tít tựa xoáy vào sức nóng hình thể phụ nữ...
Các trang báo thể thao tuần rồi vừa công bố hình ảnh dàn người đẹp tới casting cho chương trình "Nóng cùng FIFA World Cup" - chương trình được VTV trao sứ mệnh đồng hành cùng các trận đấu World Cup 2022.
Khán giả qua đó có thể hiểu rằng người đẹp là một chất dẫn có hấp lực mạnh mẽ để điều hướng tới mọi nội dung liên quan đến thể thao.
Khi người đẹp xuất hiện trong các buổi bình luận trực tiếp của nhà đài, họ được kỳ vọng sẽ lan tỏa tình yêu bóng đá tới công chúng.
Rất nhiều dấu hỏi: Liệu những thiên sứ ấy có yêu thích và hiểu bóng đá, có kiến thức tốt hơn những người đẹp đã xuất hiện kỳ trước, kỳ trước nữa, trong chương trình hay không?
Chuyện "Hồi nhỏ, những năm 2000-2002 em xem Pele đá!" có lặp lại không?
Thậm chí có khán giả hỏi thẳng, sao không chiếu một World Cup "sạch" và chỉ dành sóng cho những người yêu bóng đá thực thụ?
Tôi thấy thật sự thiệt thòi cho những người đẹp sẽ không được lên sóng VTV mùa World Cup 2022. Bởi "Nóng cùng FIFA World Cup" chưa lên sóng, họ còn chưa kịp thể hiện năng lực bản thân, đã phải gánh chịu định kiến quá lớn về những "người đẹp bình bông" xuất hiện trong thế giới đàn ông, trước ống kính.
Nhưng định kiến ấy, nói thẳng ra, là từ đâu?
Người hâm mộ bóng đá không bao giờ định kiến với tình yêu bóng đá. Họ chỉ định kiến với những thứ bám níu tình yêu bóng đá.
Phụ nữ không đến với bóng đá bằng ngoại hình, càng không yêu bóng đá qua cuộc thi tuyển trạch được truyền thông thành cơ hội chọn người đẹp. Mấy tháng trước, tôi có cơ hội được ngồi trò chuyện cùng đội trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như, vài tuần trước khi cô lên đường sang Bồ Đào Nha khoác áo CLB Lank Vilaverdense.
Huỳnh Như chia sẻ, một trong những thiệt thòi của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao, là tình yêu thể thao của phụ nữ thực sự khó được nhìn thấy và tạo điều kiện; nỗ lực thi đấu và cống hiến của họ ít khi được xã hội quan tâm.
Nên những khó khăn kinh tế, về bình đẳng cơ hội và những định kiến xã hội biến thành rào cản, cả hữu hình lẫn vô hình, từng khiến Như muốn bỏ cuộc, bỏ bóng đá, về làm ruộng cho rồi.
Định kiến giới là một nền tảng ngầm vẫn còn tồn tại thực sự trong xã hội, nhất là một xã hội giàu truyền thống như Việt Nam.
Tôi tin rằng nếu mời những nữ cầu thủ tới bàn bình luận, những phóng viên thể thao nữ đang sống chết với nghề, có thể chúng ta sẽ có một bữa tiệc bóng đá thực sự tôn trọng người hâm mộ hơn.
Tất nhiên, không ai có thể bắt nhà đài và truyền thông phải nâng cao vị thế nữ giới khi lượt người xem, gắn liền là doanh thu quảng cáo, phải là ưu tiên hàng đầu.
Nhưng nếu một sản phẩm truyền thông tiếp tục nhìn nhận phụ nữ là đối tượng để "xem", và chỉ dùng thước đo "bắt mắt" để tiếp cận phụ nữ, thì vô hình trung, cũng là một cách giảm bớt sự trân trọng với công chúng.
Trong khi chúng ta có biết bao nhiêu người phụ nữ xuất sắc, đam mê, đoạt vé vào tham dự giải vô địch bóng đá thế giới, hay thậm chí yêu bóng đá nhưng không đá bóng, chỉ bay trên trời, vô địch thế giới Deca, hoặc miệt mài trong phòng gym và là huấn luyện viên đào tạo thể lực cho rất nhiều cầu thủ trẻ, thế hệ tương lai của bóng đá.
Những phụ nữ ấy nếu được "lộ sáng" niềm đam mê cùng World Cup ắt sẽ lan tỏa nhiều thông điệp tích cực, không chỉ cho phụ nữ!
Nhiều HLV hàng đầu như Juergen Klopp, Pep Guardiola và cả các tổ chức dữ liệu thể thao chuyên nghiệp đều cảnh báo các cầu thủ sẽ kiệt sức, nguy cơ chấn thương tăng cao và nhiều vấn đề tâm lý sẽ phát sinh sau giải đấu lớn nhất hành tinh.
Mới đây, tượng đài trong giới huấn luyện Maurizio Sarri, người Ý, còn phát biểu trên Mundo Deportivo: "World Cup 2022 là sự sỉ nhục, xúc phạm bóng đá. Giải đấu này làm giàu cho các ông chủ Trung Đông của Man City, PSG".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những phàn nàn như vậy, thạc sĩ khoa học thể thao Lê Cao Cường (từng là trưởng phòng thể lực khoa học thể thao Học viện PVF, HLV thể lực đội U21 Việt Nam) nêu quan điểm:
Ở thang đo WBGT, nếu áp lực nhiệt độ trên mức 26OC sẽ khiến cơ thể mệt mỏi khi tiếp xúc lâu dài.
Khi áp lực nhiệt tăng kéo theo nhiệt độ cơ thể cũng tăng cao, dẫn đến kích thích cơ chế thoát nhiệt, đổ mồ hôi nhiều, làm tăng lưu lượng máu dưới da và giảm lưu lượng máu tới cơ bắp.
Nên hoạt động cường độ cao chịu những giới hạn về sinh lý.
Tôi chưa rõ công nghệ điều hòa mà Qatar áp dụng sẽ hiệu quả ra sao. Nhưng ở mọi giải đấu đều có những phát sinh liên quan tới địa điểm thi đấu. Họ đã nỗ lực để tổ chức rồi.
Việc còn lại là của ban huấn luyện, của những người làm chuyên môn. Vì chắc chắn không có thứ gì hoàn hảo cho tất cả mọi người được".
Ngày thi đấu cuối cùng cấp CLB là 13-11, tức chỉ bảy ngày trước khai mạc World Cup. Theo một nghiên cứu về tốc độ thích nghi nhiệt của VĐV ở điều kiện nắng nóng, bảy ngày là quãng thời gian cầu thủ mới bắt đầu thích nghi được với điều kiện thi đấu mới.
Thời gian tối ưu phải là 14 ngày, khi các yếu tố ảnh hưởng đến thể lực của vận động viên đã ổn định hơn, bao gồm: lượng huyết tương, nhịp tim, khả năng tập luyện, độ cảm nhận thoải mái về nhiệt, nhiệt độ da, nhiệt độ cơ thể và tỉ lệ mồ hôi.
Về vấn đề được tranh cãi nhiều nhất là thời điểm World Cup 2022 diễn ra vào giữa mùa giải cấp CLB, tiến sĩ y học thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho biết các đội tuyển quốc gia cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.
Đó là chưa kể kế hoạch dinh dưỡng cho toàn đội. Thời gian chỉ có bảy ngày trước giải là rất ngắn để chuẩn bị ở bản doanh.
"Một tuần hội quân trước giải đấu chỉ đủ để toàn đội làm quen, gắn kết chiến thuật thôi. Có thể một số cầu thủ sẽ cần các bài tập chức năng và hồi phục vì chấn thương nhẹ gặp phải ở CLB.
Các HLV và bác sĩ đội bóng sẽ mất khá nhiều thời gian để điều chỉnh các vấn đề thể lực và sức khỏe của từng cầu thủ vì họ vốn không theo sát cầu thủ như ở CLB", ông Anh Tuấn cho biết.
Nhưng ông Anh Tuấn cũng đưa ra quan điểm khác: "Thật ra việc thi đấu World Cup 2022 có khi còn nhẹ hơn cho các cầu thủ nếu so sánh với, nói ví dụ Boxing Day của Premier League - giai đoạn mật độ thi đấu 3 trận/tuần.
Riêng với các đội tuyển, tôi nghĩ họ đang có lợi khi World Cup diễn ra thời gian này, vì đang là giai đoạn cầu thủ sung mãn nhất mùa giải. Nếu như thường lệ diễn ra vào cuối mùa giải, các đội sẽ cần quãng thời gian lấy lại thể lực cho cầu thủ, cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cao".
Theo ông Tuấn, tất nhiên bên chịu thiệt sẽ là các CLB chủ quản. Ở hầu hết các CLB chuyên nghiệp, quy trình chuẩn bị về thể lực, sức mạnh và sức bền cho mùa giải đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Kế hoạch này được thống nhất bởi đội ngũ chuyên gia thể lực, y tế, dinh dưỡng và ban huấn luyện để giúp cầu thủ đảm bảo được thể trạng, hiệu suất thi đấu tốt, phòng tránh khả năng chấn thương.
Mùa bóng này ở châu Âu, mọi chuyện vẫn diễn ra theo công thức: hai tháng trước khi khởi tranh, cầu thủ sẽ được chuẩn bị. Tháng đầu là để tích lũy nền tảng thể lực, tháng sau kết hợp thêm cảm giác thi đấu bằng những chuyến du đấu, các trận giao hữu.
Tựu trung, World Cup 2022 hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn, nhưng nguy cơ những ngôi sao bóng đá hàng đầu kiệt sức sau giải cũng cao hơn bao giờ hết.