"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo

PV,
Chia sẻ

Khi lên nắm quyền tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cam kết sẽ để phụ nữ tỏa sáng và tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lĩnh vực kinh doanh và chính trị, cũng như tạo điều kiện để họ trở thành các nhà lãnh đạo.

"Womenomics - Nền kinh tế phụ nữ" 

"Womenomics - Nền kinh tế phụ nữ" đã giúp phụ nữ tỏa sáng là tâm huyết suốt 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Abe Shinzo.

Học thuyết "Womenomics" được Thủ tướng Abe phát động tại Nhật Bản trong cam kết thúc đẩy quyền năng của phụ nữ. Ông luôn đề cao sự cần thiết phải khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và đưa nữ giới lên các vị trí quản lý. Ông Abe đã thi hành một loạt chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và coi đó là trụ cột trong chiến lược phát triển, trong bối cảnh già hóa dân số tại Nhật.

"Thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ" được chọn là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Nhật Bản tháng 5/2017. Tại hội nghị này, Thủ tướng Abe đã hoan nghênh nỗ lực thực hiện và nhân rộng học thuyết kinh tế phụ nữ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới của khu vực và trên thế giới. 

Chính quyền Nhật Bản cam kết tạo ra "Một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng" và đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Nhật Bản sẽ có 30% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ông Abe khuyến khích phụ nữ nhanh chóng trở lại làm việc sau khi sinh con, yêu cầu các doanh nghiệp nâng tỷ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo.

Để giúp chị em rảnh tay làm việc, ông Abe có kế hoạch xây dựng thêm hàng trăm nghìn nhà trẻ trên toàn quốc. Kế hoạch ngân sách năm 2017 bao gồm các chính sách tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ và các hộ gia đình có con nhỏ. 

Bộ Tài chính nước này đã nâng mức giới hạn thu nhập mà một trong hai người vợ hoặc chồng đóng vai trò người phụ thuộc từ 1,03 triệu Yên lên 1,5 triệu Yên (12.743 USD). Thay đổi này nhằm khuyến khích những người này lao động thêm nhiều giờ, khi mà trước đây họ phải cố gắng tìm cách giới hạn thu nhập hàng năm của mình ở 1,03 triệu Yên để thu nhập chính của gia đình có thể hưởng mức giảm thuế ưu đãi.

Một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng

Ngày 16/5/2018, Quốc hội nước này đã ban hành đạo luật nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính. Đây được đánh giá là bước tiến mới. Một trong các nội dung của luật trên là kêu gọi các đảng chính trị tham gia các cuộc bầu cử địa phương và tổng tuyển cử nỗ lực đặt mục tiêu cụ thể về số ứng cử viên nữ. 

Trong cuộc bầu cử địa phương tháng 4/2019 được tổ chức trên toàn quốc, 6 phụ nữ trong số 59 người đã giành chiến thắng để trở thành thị trưởng. Các nữ chính khách hiện chiếm 10,4% trong Hạ viện Nhật Bản và 22,5% ở Thượng viện. Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ ứng cử viên nữ trong các cuộc tổng tuyển cử lên 30% trong thời gian tới.

Từ tháng 10/2019, Nhật Bản áp dụng chương trình giáo dục miễn phí có giá trị tới 776 tỷ Yên (gần 7 tỷ USD)/năm - một trong những chính sách mang tính quyết định nhất của Thủ tướng Abe trong lĩnh vực giáo dục, nhằm mở rộng phạm vi dịch vụ an sinh xã hội. Khoản đầu tư chính phủ này ở doanh thu thu được từ việc tăng thuế bán hàng. 

Theo đó, chính phủ cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 5. Các dịch vụ trông giữ trẻ ban ngày với những trẻ dưới 2 tuổi cũng miễn phí với các gia đình có thu nhập thấp. Việc giảm gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ được coi là chìa khóa để thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh con, làm tăng tỷ lệ sinh tự nhiên của đất nước, nhất là trong thời điểm phụ nữ Nhật Bản tham gia ngày càng nhiều vào lực lượng lao động.

Học thuyết kinh tế phụ nữ đã được triển khai mạnh mẽ như một bộ phận quan trọng của chính sách Abenomics và bước đầu đã đem lại những kết quả thuyết phục, như tăng số lượng phụ nữ tham gia các cơ quan chính phủ lên mức kỷ lục, tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Theo báo cáo của Goldman Sachs, Nhật Bản hiện có tỷ lệ lao động nữ kỷ lục (71%), vượt qua Mỹ và châu Âu, với phúc lợi nghỉ phép hào phóng dành cho các bậc phụ huynh, cải thiện tính minh bạch về giới và cải cách lao động. Nhiều ước tính cho thấy cân bằng giới trong lao động có thể khiến GDP Nhật Bản tăng thêm 550 tỷ USD.

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 1.

Bà Akie Abe - Phu nhân của Thủ tướng Abe - luôn thúc đẩy chồng mình mở rộng vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động

Bà Akie Abe - Phu nhân của Thủ tướng Abe - luôn thúc đẩy chồng mình mở rộng vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động. Bà khẳng định, phụ nữ với "bản năng làm mẹ, lòng tốt và sự sáng tạo" sẽ giúp ích cho nền kinh tế Nhật Bản nếu số lượng phụ nữ đóng góp vào lực lượng lao động lớn hơn. Bà Akie đã tham gia một dự án liên quan đến việc khuyến khích những nông dân nữ đưa ra các ý kiến với các công ty thu mua nông sản về việc phát triển, sử dụng các sản phẩm của họ.

Ngoài ra, phu nhân Thủ tướng Abe cũng thúc đẩy các nỗ lực để phụ nữ có thể tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực chính trị. 

Theo bà: "Chính trị là một trong những lĩnh vực mà ý kiến đóng góp của phụ nữ là cần thiết". Đây cũng là cơ hội để những phụ nữ Nhật Bản xuất hiện nhiều hơn ở các vị trí then chốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau với những nỗ lực tích cực của Thủ tướng và phu nhân trong việc tăng quyền cho phụ nữ.

Những hình ảnh đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp của ông Abe Shinzo:

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 2.

Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954 trong một gia đình danh giá, có truyền thống hoạt động về chính trị. Cha của ông là Abe Shintaro, người từng giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản. Năm 1978, ông tốt nghiệp khoa luật tại trường Đại học Seikei ở Tokyo, 1 năm sau đó, ông hoàn thành chương trình Chính trị học của đại học Nam California (Mỹ). Thực tế, sau khi tốt nghiệp, ông Abe vốn định làm một nhân viên văn phòng bình thường, và đã xin vào làm việc ở Công ty Thép Kobe. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1982, khi ông Shintaro Abe chọn con trai mình làm trợ lý Ngoại trưởng Nhật Bản. Ảnh: ông Abe Shinzo ngồi trong lòng cha - Cựu Ngoại trưởng Abe Shintaro. Ảnh: NHK

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 3.

Năm 1986, ông Abe trở thành Thư ký riêng cho Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP). Năm 1993, ông trúng cử nghị sĩ Quốc hội, tới năm 2000, ông giữ chức Phó Chánh Văn phòng Nội các trong Chính phủ của Thủ tướng Mori. Trong thời gian từ năm 2001-2005, ông Abe tiếp tục làm Phó Chánh Văn phòng Nội các dưới thời Thủ tướng Koizumi. Ông Abe làm Phó Chánh Văn phòng Nội các dưới thời Thủ tướng Koizumi. Ảnh: NHK

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 4.

Năm 2006, ông có lần đầu tiên ra ứng cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do và giành chiến thắng, qua đó lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Tuy vậy, ông Abe đã từ chức vào năm 2007 vì lý do sức khỏe. Ảnh: NHK

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 5.

Sau một thời gian nghỉ ngơi, ông trở lại chính trường vào năm 2012 và ngay lập tức tái đắc cử. Với những thành công trong việc định hình lại nước Nhật thời hiện đại và tạo ra nhiều di sản về kinh tế và đối ngoại, ông Abe tiếp tục giành được nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 vào năm 2017, thứ 4 vào năm 2019. Ảnh: ông Abe trở thành Thủ tướng lần thứ 2 vào năm 2012. Ảnh: Kyodo News

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 6.

Tháng 8/2020, ông Abe Shinzo có lần thứ 2 từ chức vì căn bệnh viêm đại tràng mạn tính. Chính trị gia này chia sẻ, đã phải chung sống với căn bệnh này từ nhiệm kỳ đầu tiên và tình trạng sức khỏe không cho phép ông tiếp tục làm Thủ tướng nữa. Ảnh: Ông Abe chính thức tuyên bố từ chức Thủ tướng vào ngày 28/8/2020. Ảnh: Kyodo News

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 7.

Khi ông Abe được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế sau nhiều thập kỷ trì trệ. Ông đã sớm đưa ra một thử nghiệm lớn thường được gọi là "Abenomics", bao gồm ba ưu tiên chính kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và tái cơ cấu nền kinh tế,mà các đồng minh của ông cho là đã phục hồi nền kinh tế đất nước và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 8.

Ông Abe và các cộng sự ăn mừng Nhật Bản đăng cai Olympic 2020. Ảnh: Kyodo News

"Womenomics" - tâm huyết suốt 8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo - Ảnh 9.

Thủ tướng Abe Shinzo (đứng giữa hàng trước) cười rất tươi khi mặc áo dài chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006 ở Hà Nội. Ảnh: REUTERS

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chiều tối 8/7, ông Hidetada Fukushima, bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Nara ở tỉnh Nara - nơi cựu Thủ tướng Abe Shinzo được chữa trị, xác nhận ông Abe đã qua đời vào lúc 17h03 (giờ địa phương) do mất máu sau khi bị bắn từ phía sau trong lúc vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản, vào trưa cùng ngày.

Đài truyền hình NHK dẫn lời bác sỹ Fukushima tại cuộc họp báo cho biết ông Abe được chuyển tới bệnh viện này vào lúc 12h20 chiều 8/7 mà không có dấu hiệu của sự sống. Chính trị gia này đã qua đời vào lúc 17h03 cùng ngày.

Theo bác sỹ Fukushima, ông Abe có hai vết thương do súng bắn ở cổ và bị vỡ mạch máu tim. Các nhân viên y tế không thể cầm máu cho ông Abe. Vì thế, nguyên nhân tử vong dường như là do mất máu.

Trước đó, cựu Thủ tướng Abe, năm nay 67 tuổi, đã bị bắn từ phía sau vào khoảng 11h30 ngày 8/7 (theo giờ Tokyo) trong lúc đang phát biểu để vận động tranh cử cho một ứng viên của đảng LDP cầm quyền ở thành phố Nara, thủ phủ của tỉnh cùng tên, phía Tây Nhật Bản.

Ông đã ngã gục xuống đất sau hai tiếng súng. Ông Abe đã được đưa tới bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh.

Sau khi xảy ra vụ tấn công, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một nghi phạm và thu giữ một khẩu súng ngay tại hiện trường.

Nghi phạm này tên là Tetsuya Yamagami, năm nay 41 tuổi, từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong ba năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara.

Trong quá trình thẩm vấn, nghi phạm Yamagami đã khai với các nhân viên điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này.

Chia sẻ