WHO nói gì về vaccine ở Việt Nam?
WHO không phủ nhận có liên quan nhưng lại không đưa ra được giải pháp nghiên cứu cụ thể nhằm giảm thiểu tai biến sau tiêm Quinvaxem.
Chúng tôi đã có trao đổi trực tiếp với BS. Kohei Toda, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Chris de Neubourgh, Trưởng phòng chống còi, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), bà Laura và ông Trịnh Anh Tuấn - đều là cán bộ truyền thông của WHO tại Việt Nam về vấn đề này.
Phản ứng sau tiêm vaccine là phổ biến
PV:- Liên tiếp từ năm 2010 đến tháng 5/2013, đã có hơn 40 trường hợp tai biến dẫn đến tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem. Riêng đầu năm 2013 đã có 5 trường hợp tử vong.
Xin ông/bà cho biết, tỷ lệ tử vong liên quan tới tiêm vaccine Quinvaxem ở Việt Nam ở mức như thế nào so với các nước trong khu vực và trung bình thế giới mà WHO ghi nhận?
Tiến sỹ Chris de Neubourgh: - Đầu tiên, cả WHO và UNICEF đều muốn nhắc lại rất rõ ràng là, tất cả những trường hợp tử vong không như mong muốn sau tiêm vaccine đều đã được điều tra, làm rõ trên góc độ toàn cầu. Việc điều tra đó đều được tiến hành sau với mỗi trường hợp tử vong.
Kết quả và báo cáo điều tra đều đã chỉ ra rất rõ không thấy có một mối liên hệ nào giữa việc sử dụng vaccine (hay do chất lượng vaccine cũng như sử dụng vaccine) có liên hệ tới những trường hợp tử vong đã xảy ra với trẻ em. Kết quả đó đã được đăng tải một cách công khai, chính thống trên trang web của WHO.
Điều nữa, rất đáng tiếc nhưng là sự thật, hàng ngày ở VN vẫn có những trẻ em tử vong do những nguyên nhân khác. Tỉ lệ tử vong nhìn thấy sau khi tiêm vaccine Quinvaxem thấp hơn từ 5-10 lần so với tỉ lệ tử vong thông thường.
PV:-WHO khẳng định trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem vẫn ở ngưỡng an toàn. Vậy phải hiểu “ngưỡng an toàn” này như thế nào? Liệu điều đó có đồng nghĩa WHO chấp nhận việc có một số lượng nhất định trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem?
Tiến sỹ Chris de Neubourgh:- Việc đầu tiên WHO vẫn phải nhắc lại là hiện không có một bằng chứng nào chứng minh có chuyện tử vong liên quan đến vaccine. Khoa học đã chứng minh nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nó lớn hơn rất rất nhiều so với những nguy cơ phản ứng sau tiêm vaccine.
Một điều nữa, WHO và UNICEF đều muốn nhắc đi nhắc lại rằng chúng tôi rất tin tưởng đây là một loại vaccine an toàn và điều này đã được chứng minh qua những nghiên cứu rất kỹ càng.
Chúng tôi rất mong muốn làm việc với các cơ quan truyền thông để tiếp tục chứng minh niềm tin vào thực tế vaccine đã cứu được rất nhiều trẻ em. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo với sự tham gia của các các lãnh đạo WHO, UNICEF và báo chí để chúng ta trao đổi với nhau rõ ràng về những quan điểm và thông điệp xung quanh việc tiêm chủng.
PV:- Việc liên tiếp có những trường hợp tai biến liên quan tới tiêm vaccine Quinvaxem xảy ra ở Việt Nam đã từng được ghi nhận ở nước nào chưa, thưa ông/bà?
Tiến sỹ Chris de Neubourgh:- Trước tiên phải nói những phản ứng sau tiêm chủng thường cũng rất phổ biến và nó bao gồm những triệu chứng như sốt, sưng tấy đỏ tại chỗ tiêm. Khi xem xét các trường hợp này, các tổ chức thế giới cũng đã nghiên cứu với những trường hợp đã xảy ra ở Sri Lanka, Ấn Độ, và Việt Nam. Không có một bằng chứng nào cho thấy những phản ứng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam nhiều hơn so với những nước khác.
Và một lần nữa cũng nhắc lại, kết quả này đã được báo cáo rất rõ ràng.
Quinvaxem được khuyến nghị sử dụng
PV:- Thông thường vấn đề nghiên cứu về phản ứng, tai biến sau tiêm vaccine được WHO thực hiện như thế nào? Một bác sĩ trưởng khoa nhi của Ấn Độ đã cho rằng, vì trước khi tiêm vaccine không được tiến hành thử phản ứng như thuốc kháng sinh. Do đó Quinvaxem và các loại vaccine 5 trong 1 mang nhãn hiệu khác đã gây chết người ở tất cả các nước chúng được sử dụng. Và loại vaccine này đã bị cấm hoặc không được sử dụng ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, châu Âu, Úc và Nhật . WHO nhìn nhận vấn đề này thế nào?
BS. Kohei Toda: - Chúng tôi không có một thông tin nào để khẳng định Penicillin giống vaccine 5 trong 1. Đó chỉ là một bài báo của một bác sĩ chuyên khoa bên Ấn Độ. Không một nước nào hiện nay làm một việc là thử phản ứng dưới da trước khi tiêm vaccine, kể cả ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Cannada.
Vì sao Quinvaxem bị cấm ở các nước phát triển, trước hết việc sử dụng vaccine là tùy thuộc vào lựa chọn và quyết định của từng quốc gia. Có một bắt buộc hoặc thúc ép nào thì buộc phải lựa chọn sử dụng loại vaccine này hoặc vaccine khác. Tuy nhiên, Quinvaxem là loại vaccine đã được tiền kiểm định về chất lượng rất kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến tất cả các khâu. Quinvaxem đã được công nhận là một trong những loại vaccine tốt nhất.
Chính vì vậy Quinvaxem mới được khuyến nghị sử dụng ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Tiến sỹ Chris de Neubourgh: - Có nhiều bằng chứng và những chứng minh khoa học đã chứng minh vaccine là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng chống các bệnh lây nhiễm và phòng chống bệnh ở trẻ em. Chính phụ huynh nếu ngần ngại không cho con em mình đi tiêm đó sẽ là nguy cơ rất lớn để trẻ em bị nhiễm bệnh.
Tôi lấy ví dụ xảy ra ngay tại trên quê hương mình là đất nước Anh. Trước đây, tại Anh, vaccine phòng chống sởi, quai bị… cũng bị đồn là có hại, những thông tin đồn đại không dựa vào bằng chứng khoa học khiến phụ huynh không cho con em mình đi tiêm. Chính những lời đồn đại đó đã khiến cho nhiều trẻ em bị nhiễm sởi và quai bị cũng như để lại di chứng rất nặng nề. Đó chính là hậu quả của những lời đồn đại không có căn cứ.
PV:- Với những nước không đủ kinh phí để chọn một loại vaccine thế hệ mới hơn như Việt Nam, WHO có đưa ra những chương trình hỗ trợ bổ sung, nhằm mục tiêu giảm thiểu tai biến tới mức thấp nhất không và vì sao?
Bà Laura: - Ngoài sự hỗ trợ thường xuyên trong việc nâng cao chất lượng tiêm chủng WHO cùng với UNICEF tới đây cùng với Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông. Truyền thông sẽ giúp cho chúng ta tuyên truyền tốt hơn những lợi ích của tiêm chủng.
PV:- Vấn đề chúng tôi muốn nói tới là WHO sẽ xử lý những tai biến như thế nào, chú trọng nghiên cứu tìm cách giảm thiểu số lượng tai biến hay trấn áp để người dân các nước tiếp tục thực hiện tiêm chủng mở rộng? WHO có nhận trách nhiệm gì trong việc này hay không?
BS. Kohei Toda: - Theo ghi nhận, từ đầu năm ở Việt Nam có 12 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine. Dù chưa thể khẳng định chính xác một 100%, nhưng như Chris đã nói, hiện nay vẫn chưa tìm thấy một bằng chứng nào chứng minh do tiêm vaccine Quinvaxem mà trẻ em tử vong. Ngay tại các nước phát triển như Nhật, cũng chưa thể trả lời rõ ràng câu hỏi trẻ có tử vong do tiêm vaccine hay không.
Vì ở mỗi trường hợp, nó đều có những yếu tố rất phức tạp, không giống nhau. Ví dụ: mẫu máu không lấy được, gia đình không cho mổ tử thi….
Vì vậy, WHO vẫn đánh giá vaccine Quinvaxem rất an toàn và vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam theo hướng tiếp tục đẩy mạnh, sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm và những nguy cơ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây lên.
Một trong những vai trò của WHO là hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chính phủ và các chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như các điều tra về nguyên nhân tử vong ở trẻ em sau khi tiêm vaccine.
WHO giúp Việt Nam tăng cường giám sát
PV:- Như vậy là việc trẻ tai biến không liên quan đến WHO và WHO không có trách nhiệm trong vấn đề này, thưa ông? Vấn đề chúng tôi đặt ra là WHO nghiên cứu thế nào để giảm thiểu tai biến chứ không chỉ xảy ra rồi mới nghiên cứu, tìm nguyên nhân?
BS. Kohei Toda: - Về mặt khoa học, Quinvaxem đã được nghiên cứu, sử dụng và được chứng minh là vaccine an toàn. Nhưng WHO mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả của hệ thống giám sát, chính việc nâng cao hiệu quả giám sát sẽ giúp cho việc điều tra kỹ lưỡng hơn, kịp thời hơn và hi vọng có thể đưa ra những khuyến nghị tốt hơn nữa trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiến sỹ Chris de Neubourgh:- Hệ thống giám sát tiêm chủng của Việt Nam tương đối tốt. Nhưng không phải đã tốt thì không có gì cần phải cải thiện. Chính vì thế các tổ chức thế giới vẫn tiếp tục làm việc với chính phủ nâng cao hơn nữa để nâng cao chất lượng giám sát từ đó sẽ nâng cao chất lượng tiêm chủng.
PV: - 21 trẻ em Ấn Độ đã thiệt mạng, Bộ Y tế Việt Nam cũng phải quyết định tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem vì 12 trẻ em thiệt mạng từ đầu năm 2013. Dễ nhận thấy là tất cả các trường hợp trẻ em thiệt mạng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem tại các nước đều có chung kịch bản. Đó là sau khi tiêm Quinvaxem, ở trẻ em xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, khó thở, co giật rồi tử vong. Trong đó, một số nạn nhân nhỏ tuổi có bệnh bẩm sinh nhưng rất nhiều bé trước khi tiêm chủng có sức khỏe tốt. WHO vẫn cho rằng việc này không liên qua đến WHO hay sao? Trách nhiệm của WHO như thế nào?
Ông Trịnh Anh Tuấn:- WHO chưa bao giờ nói là WHO không liên quan, thông tin ám chỉ vaccine Quinvaxem có liên quan tới việc gây chết trẻ chỉ là một bài báo không phải một báo cáo khoa học.
Tiến sỹ Chris de Neubourgh: - Hiện nay có tất cả 43 trường hợp bị tai biến dẫn đến tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem. Tất cả đều đã được chia sẻ giữa chính phủ Việt Nam và WHO, những trường hợp này đều được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Và người ta thấy rằng có 9 trường hợp có thể có những triệu chứng nghi là có liên quan đến vaccine nhưng đó là triệu chứng rất nhẹ.
Ngoài ra tất cả những trường hợp tử vong thì không có một bằng chứng nào liên quan tới vaccine gây lên. Thông tin đó, chỉ là ý kiến cá nhân không phải bằng chứng có đủ cơ sở khoa học để chứng minh vaccine là mối lo ngại khiến người dân bất an, thiếu tin tưởng vào chất lượng của vaccine.