WHO cảnh báo số ca mắc ung thư sẽ tăng
Cơ quan theo dõi bệnh ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo rằng số ca ung thư mới sẽ tăng lên hơn 35 triệu vào năm 2050 - cao hơn 77% so với số ca năm 2022.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IRAC) cho rằng thuốc lá, rượu, căn bệnh béo phì và ô nhiễm không khí là những yếu tố chính dẫn đến bệnh ung thư tăng cao. WHO cho biết các quốc gia phát triển nhất dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng lớn nhất về số ca nhiễm, dự đoán sẽ có thêm 4,8 triệu ca nhiễm mới vào năm 2050 so với ước tính năm 2022. Nhưng xét về tỷ lệ phần trăm, các quốc gia có Chỉ số Phát triển Con người được Liên Hợp Quốc đánh giá ở càng mức thấp sẽ ghi nhận càng nhiều ca mắc ung thư, lên tới 142%. Tỉ lệ ung thư gia tăng ở các nước kém phát triển sẽ gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế các nước này.
Tiến sĩ Cary Adams, lãnh đạo Liên minh NGO quốc tế về kiểm soát ung thư cho rằng: "Đây không chỉ là vấn đề tài nguyên mà còn là vấn đề ý chí chính trị".
Theo IARC, các loại ung thư phổ biến nhất năm 2022 là ung thư phổi (2,5 triệu ca mới), ung thư vú (2,3 triệu), ung thư đại trực tràng (1,9 triệu), ung thư tuyến tiền liệt (1,5 triệu), ung thư dạ dày (970.0000). Trong đó, ung thư phổi và ung thư vú là 2 loại ung thư chiếm đa số ngang nhau trong năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ hút thuốc cao ở châu Á đã đẩy số ca ung thư phổi toàn cầu vượt ung thư vú vào năm 2022. Trong khi đó, ung thư vú vẫn là nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất cả hai giới ở đại đa số các quốc gia.
Ung thư vú là nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất cả hai giới ở đại đa số các quốc gia (Ảnh: Nytimes)
Dù có thể phòng ngừa, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 8 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn thứ 9 trên toàn cầu, chiếm 661.000 trường hợp mới và 348.000 trường hợp tử vong. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ 25 quốc gia, nhiều trong số đó ở châu Phi cận Sahara.
Tại Mỹ, tỉ lệ tử vong do ung thư cũng dự kiến phá kỷ lục trong năm 2024. Trong dự báo mới đây, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) dự đoán sẽ có đến 2 triệu ca ung thư được chẩn đoán trong năm nay.
Theo Tiến sĩ Jean-Yves Blay, giám đốc chính sách công tại Hiệp hội Ung thư Y tế châu Âu, để giảm thiểu số ca mắc ung thư cần có hành động "nhanh chóng và quyết đoán" để giảm ô nhiễm, giảm tiếp xúc với hoác chất độc hại và các chất gây ung thư khác, giảm thiểu các hành vi làm tăng nguy cơ ung thư cũng như giải quyết các trở ngại, sự do dự trong tiêm chủng phòng ngừa các bệnh ung thư (có thể phòng ngừa được).