WHO “bật đèn xanh” cho thuốc điều trị Ebola đang trong giai đoạn thử nghiệm

Theo Baophapluat.vn,
Chia sẻ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/8 đã cho phép sử dụng các loại thuốc vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm để chống chọi với dịch sốt xuất huyết do virus Ebola.

WHO “bật đèn xanh” cho thuốc điều trị Ebola đang trong giai đoạn thử nghiệm 1
Các nhân viên y tế tại tâm bão Ebola ở Tây Phi

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số người thiệt mạng vì virus Ebola đã vượt quá 1.000 người và một tu sỹ người Tây Ban Nha đã trở thành người châu Âu đầu tiên thiệt mạng trong đợt bùng phát dịch hiện nay.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 12/8, WHO cho biết, việc đã có một số lượng lớn người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Ebola trong năm 2014 cùng tỉ lệ tử vong cao như hiện nay đã dấy lên những lời kêu gọi sử dụng những loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm để tìm cách cứu sống các bệnh nhân và kiềm chế dịch bệnh.

“Trong tình hình đặc biệt như hiện nay, việc sử dụng các biện pháp can thiệp chưa qua kiểm định có khả năng điều trị hoặc ngăn ngừa dịch bệnh là việc mang tính nhân đạo” – Phó tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny phát biểu sau cuộc gặp gỡ với các chuyên gia y tế diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ.

Lựa chọn đầy rủi ro

Cho đến nay, thế giới vẫn không có thuốc chữa trị Ebola dù virus nguy hiểm này đã lây nhiễm sang tổng cộng 1.848 người và hơn 1.000 đã tử vong kể từ khi lần đầu được báo cáo tại Guinea hồi tháng 2 vừa qua. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch bệnh và việc sử dụng các loại thuốc vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm đã dấy lên một cuộc tranh cãi về đạo đức gay gắt.

Tuyên bố về quyết định sử dụng thuốc chưa qua thử nghiệm của cơ quan y tế của Liên hợp quốc được đưa ra sau khi công ty dược tư nhân Mapp Biopharmaceutical của Mỹ - đơn vị đã nghiên cứu và sản xuất ra loại thuốc chống Ebola có tên Zmapp – cho biết đã gửi tất cả số thuốc mà công ty này có tới khu vực Tây Phi đang bị dịch bệnh hoành hành.

Trước đó, 2 liều đầu tiên của loại thuốc đang được thử nghiệm Zmapp đã được dùng để điều trị cho 2 nhân viên y tế người Mỹ. Loại thuốc này cũng đã được gửi tới để chữa trị cho 1 linh mục người Tây Ban Nha. 2 bác sỹ người Mỹ Kent Brantly và Nancy Writebol có vẻ như đang dần khỏi bệnh nhưng linh mục Miguel Pajares đã tử vong sáng 12/8.

Công ty Mapp Biopharmaceutical cho biết, dù cho thấy những kết quả hứa hẹn ở các bệnh nhân đã được điều trị với Zmapp nhưng thuốc này mới chỉ được thử nghiệm ở khỉ và công ty cũng mới phát triển được một lượng rất hạn chế số đơn vị thuốc Zmapp. Vấn đề đang được nhiều người đặt ra với Zmapp là không ai biết liệu những loại thuốc này có phát huy tác dụng hay không và nếu có thì ở những người nào.

Lý giải về quyết định yêu cầu được nhận thuốc Zmapp của Liberia, Bộ trưởng Thông tin nước này Lewis Brown cho biết, chính phủ Liberia nhận thức được những rủi ro liên quan đến loại thuốc này nhưng vẫn lựa chọn như vậy thay vì để ngày càng có thêm nhiều người tử vong. “Lựa chọn còn lại ngoài việc dùng thuốc là cái chết, một cái chết chắc chắn. Chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác để dựa vào” – ông Brown cho biết và đề cập đến tình trạng quá tải của các bệnh viện ở nước này.

Hiện nay, các nhân viên y tế với điều kiện trang thiết bị nghèo nàn tại Liberia đã bỏ việc trong khi nhiều cơ sở chữa bệnh đã buộc phải đóng cửa vì lo sợ bị nhiễm virus. “Tôi nghĩ rằng những người đã bị nhiễm virus cần phải được trao cơ hội thử nghiệm trên chính bản thân họ nếu họ đồng ý làm như vậy. Chúng ta biết rằng có những nguy cơ đi kèm với việc này nhưng giữa việc lựa chọn một mối nguy hiểm và lựa chọn chết dần thì tôi chắc chắn sẽ có nhiều người muốn mạo hiểm hơn” – ông Brown nói.

Tìm kiếm các giải pháp thay thế tiềm năng

Trong lúc này, Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose cũng thông báo chính phủ của bà sẽ quyên tặng khoảng 800 đến 1.000 liều vaccine thử nghiệm cho WHO. Loại thuốc mà chính phủ Canada muốn tặng có tên VSV-EBOV. Thuốc do Phòng thí nghiệm vi trùng học quốc gia Canada phát triển, được sản xuất trong nước. Theo thông cáo của cơ quan y tế Canada, chỉ một lượng nhỏ trong số vaccine phòng bệnh Ebola mà nước này hiện có sẽ được giữ lại để phòng trường hợp cần sử dụng trong nước.

Cũng theo thông cáo của Cơ quan y tế Canada, VSV-EBOV chưa từng được thử nghiệm trên người nhưng đã cho thấy những triển vọng trong các nghiên cứu ở động vật. Một nhóm cố vấn về đạo đức của chính phủ Canada và ủy ban các chuyên gia đạo đức y tế của WHO đều đã được thông báo về quyết định phổ biến vaccine VSV-EBOV dù người ta vẫn chưa biết được hết các tác dụng phụ và hậu quả của thuốc này.

Với việc số lượng thuốc Zmapp hiện đã cạn kiệt, Phó tổng giám đốc WHO Kieny nhấn mạnh rằng hiện vẫn có những phương pháp điều trị tiềm năng và các loại vaccine khác được xem là những giải pháp thay thế nghiêm túc. Theo thông tin của bà Kieny, trong số đó có 2 loại vaccine tiềm năng đang được đẩy nhanh các giai đoạn nghiên cứu để tiến tới các thử nghiệm lâm sàng. Phó tổng giám đốc WHO cho biết, một số loại thuốc nhất định đã được phát triển tới một giai đọan nhất định nhưng các công ty nghiên cứu ra những loại thuốc này đã không bỏ tiền cho các thử nghiệm lâm sàng đắt đỏ bởi virus Ebola thường được xem là bệnh của người nghèo ở những nước nghèo, vốn không được xem là thị trường của các công ty thuốc đó.

Trong hoàn cảnh như vậy, bà Kieny cho biết, các loại thuốc chưa được cấp phép nhưng đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả ở khỉ có thể là một tài sản quý giá trong cuộc chiến chống lại Ebola.

Điển hình Nigeria

Nigeria là một ví dụ điển hình về việc một thử nghiệm lâm sàng có thể gây tranh cãi đến đâu. Cụ thể, năm 1996, công ty dược Pfizer của Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng khi dịch viêm màng não đang bùng phát và cướp đi sinh mạng của 12.000 người tại bang Kano ở phía Bắc Nigeria trong vòng 6 tháng.

Pfizer tại thời điểm đó đã cho 100 trẻ em uống thuốc kháng sinh thử nghiệm có tên gọi Trovan mà theo giới thiệu của đơn vị này là đã được thử nghiệm trên hơn 5.000 bệnh nhân. Pfize sau đó đã bị chính phủ Nigeria cũng như các gia đình bị ảnh hưởng kiện sau khi 11 trẻ thiệt mạng và hàng chục em bé khác bị tàn tật, trong đó có một số trẻ bị tổn thương não trong quá trình thử nghiệm.

Pfizer cho rằng bệnh viêm màng não mới là nguyên nhân gây ra bệnh tật ở những đứa trẻ đã được điều trị chứ không phải do thuốc của công ty. Tuy nhiên, sau những trận chiến pháp lý kéo dài, công ty đã phải đồng ý với một thỏa thuận dàn xếp trị giá hàng triệu với bang Kano và đến năm 2011, 4 gia đình đã nhận được những khoản bồi thường đầu tiên. Song, điểm khác biệt quan trọng giữa đợt bùng phát dịch Ebola hiệ nay và cuộc thử nghiệm thuốc Trovan hồi năm 1996 của Pfizer là tại thời điểm công ty này tiến hành thử nghiệm thuốc mới thì một loại thuốc điều trị viêm màng não khác vẫn đang được sử dụng rộng rãi.

Mối nguy từ con người

Trong lúc việc sử dụng vaccine chữa Ebola vẫn đang được đưa ra mổ xẻ thì khối các nước Tây Phi ECOWAS thông báo một quan chức của họ tại Nigeria đã tử vong vì Ebola, nâng tổng số người tử vong vì virus này tại Nigeria lên thành 3 người. Sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh đã khiến nỗi sợ hãi bao trùm các nước ở khu vực phía Tây châu Phi. Các biện pháp ngăn cản quyết liệt đã gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn, giá cả tăng cao và thiếu thực phẩm kéo theo những lo ngại về khả năng chết đói. Một số nước trên thế giới cũng đang áp dụng các biện pháp khẩn cấp, trong đó có việc cấm bay và tăng cường kiểm tra sức khỏe.

Nhiều câu chuyện đau lòng về những trường hợp đã bị người dân làng xa lánh khi thứ virus chết người đang treo lơ lửng trên đầu họ. Khi phóng viên của hãng tin AFP đến thăm ngôi làng Ballajah, nằm cách thủ đô Monrovia của Liberia khoảng 150km, bé gái 12 tuổi Fatu Sherrif đã bị nhốt cùng với thi thể của mẹ bé trong điều kiện không có thức ăn và nước uống được 1 tuần. Những tiếng khóc than kêu cứu của đứa trẻ vang lên rồi chìm vào thinh không vì những người hàng xóm đã quá sợ hãi và bỏ chạy khỏi làng khi thấy cả cha lẫn mẹ của bé gái bị bệnh. Fatu sau đó đã qua đời còn người anh trai Barnie, 15 tuổi đã bị người dân xa lánh trong ngôi nhà bị bỏ hoang dù kết quả xét nghiệm cho kết quả âm tính với Ebola và tất cả người dân đều biết điều này.

Chia sẻ