Whitmore – Căn bệnh bị lãng quên ở Việt Nam quay lại rầm rộ vào năm 2019 khiến nhiều người tưởng "bệnh hiếm gặp"

HH,
Chia sẻ

Vào năm 2019, bệnh whitmore bỗng nổi lên như cồn với hiệu ứng "vi khuẩn ăn thịt người" làm nhiều người lầm tưởng là "bệnh hiếm gặp" ở Việt Nam.

Những ca bệnh whitmore bùng phát vào năm 2019 khiến nhiều người Việt Nam khiếp đảm

Đỉnh điểm nhất phải kể đến chính là vụ gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội có 3 con nhỏ lần lượt tử vong được xác nhận do mắc bệnh whitmore vào những tháng cuối năm 2019. Trong số 3 cháu bé này, hai trường hợp mất gần đây nhất là sinh năm 2014 và 2018 (mất 31/10 và 16/11) với kết quả xét nghiệm dương tính vi khuẩn gây ra bệnh whitmore, khiến nhiều người lo ngại về việc lây nhiễm vi khuẩn này.

Whitmore – Căn bệnh bị lãng quên ở Việt Nam quay lại rầm rộ vào năm 2019 khiến nhiều người tưởng "bệnh hiếm gặp" - Ảnh 1.

Váo năm 2019, nhiều ca bệnh whitmore liên tiếp xảy ra khiến nhiều người kinh hãi.

Trước đó, vào tháng 9, tại Nghệ An ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh whitmore. Ngày 15/9, bệnh viện Sản nhi Nghệ An chia sẻ, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhi cùng lúc mắc bệnh whitmore. Các bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai. Cũng trong tháng này, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân 61 tuổi mắc bệnh whitmore với dấu hiệu sốt cao liên tục, 2 ngón chân phải sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi…

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân bị whitmore "ăn mòn" cánh mũi. Trước khi được chuyển tới đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn whitmore.

Whitmore – Căn bệnh bị lãng quên ở Việt Nam quay lại rầm rộ vào năm 2019 khiến nhiều người tưởng "bệnh hiếm gặp" - Ảnh 3.

Có thể nói, so với nhiều năm về trước, năm 2019 được coi là năm phát hiện nhiều nhất những ca bệnh whitmore. Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như trước đây 5-10 năm mới ghi nhận có 20 ca mắc bệnh whitmore thì đến năm nay số lượng đã tăng đột biến. Riêng tại đây, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Điều này khiến nhiều người đặt ra lo ngại rằng "vi khuẩn ăn thịt người" mang tên whitmore đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Nhiều người cho rằng đây là bệnh hiếm gặp đang có xu hướng quay trở lại Việt Nam. Nhiều người lo ngại căn bệnh có khả năng lây nhiễm. Thực tế không phải vậy.

Bệnh whitmore và những hiểu lầm đã đến lúc cần chấm dứt ngay trong năm 2019

Truyền thông cả một năm qua bao nhiêu ca bệnh đều mong muốn người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Trước hết, bệnh whitmore không phải là bệnh hiếm gặp mà chỉ là bệnh bị lãng quên ở Việt Nam. Đây cũng không phải là "vi khuẩn ăn nội tạng" như nhiều người vẫn hay dùng để nghe thấy đã hết hồn. Nhưng vi khuẩn hoàn toàn có thể xâm nhập vào cơ thể gây tử vong chỉ qua một vết xước nhỏ là sự thật cần hết sức cảnh giác.

Whitmore – Căn bệnh bị lãng quên ở Việt Nam quay lại rầm rộ vào năm 2019 khiến nhiều người tưởng "bệnh hiếm gặp" - Ảnh 4.

Bệnh whitmore không phải là bệnh hiếm gặp mà chỉ là bệnh bị lãng quên ở Việt Nam.

TS Trịnh Thành Trung (Trưởng khoa của Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học quốc gia Hà Nội) vốn là người đi sâu, tìm hiểu kỹ về bệnh Whitmore nhiều năm qua, nhận định: "Whitmore là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể diễn tiến tối cấp và gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện đúng bệnh và thực hiện điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn".

Do đó, điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh. Chuyên gia cũng khẳng định, whitmore không phải là một loại bệnh hiếm gặp như nhiều người đang suy nghĩ. Thực tế, đây là căn bệnh đang bị lãng quên tại Việt Nam.

Theo đó, whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40%-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Đặc biệt, bệnh không có cơ chế lây nhiễm từ người sang người.

Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc whitmore. Điều khó khăn hiện nay là bệnh whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa… Do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Cách để phát hiện được căn bệnh này là làm xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc mủ để phân lập tìm ra vi khuẩn.

Whitmore – Căn bệnh bị lãng quên ở Việt Nam quay lại rầm rộ vào năm 2019 khiến nhiều người tưởng "bệnh hiếm gặp" - Ảnh 6.

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi, xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu…

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi, xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu… Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già rất dễ mắc vì thường có hệ miễn dịch yếu.

Bệnh whitmore có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là vết xước tay, xước chân ban đầu bị nhiễm trùng trên da, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày".

Do đó, khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên, bạn cần hết sức cảnh giác, phải đến ngay những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Đối với bệnh nhân đã từng bị whitmore phải thường xuyên tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, phải có sự kiên trì điều trị vì điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng giống như bệnh nhân bị lao.

Chia sẻ