Wetreo chính thức ra mắt: Người đủ gửi bát phở, người thiếu trả nụ cười, “thương nhau” chính là mã ADN dân tộc độc bản
Từ một quán ăn nhỏ nơi bán bánh cuốn và phở bò, người ta tìm thấy sự tử tế giữa người Việt với người Việt thông qua một cử chỉ mộc mạc, đó là “của cho đúng cách”.
Con của Rồng thương cháu của Tiên
Từ thiện là gì?
Từ thiện là một hành động trợ giúp người yếu kém, người gặp nạn, hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, thời gian hay là cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe,... Những hành động như trợ giúp tinh thần, an ủi, ổn định tâm lý người gặp nạn, hoặc dành thời gian, công sức làm việc cho các tổ chức từ thiện cũng được xem là hành động từ thiện.
Về mặt chữ nghĩa, hiểu về từ thiện là vậy. Nghe to tát phải không, nhưng thực tế, từ thiện đơn giản chỉ là làm một việc tốt. Người khấm khá hơn giúp người đang khó khăn hoạn nạn, đôi khi chỉ cần một cái bánh, một ly nước, miễn là nó xuất phát từ thiện tâm, ấy là bạn đang từ thiện.
Năm 2024, chòm “Sao Kê” khiến người ta nhắc đến Từ thiện với một thái độ dè dặt. Tuy nhiên, điều ấy không nên là sự ngăn trở con người ta tử tế với nhau. Không phải cứ là tiền to thóc nặng mới nên được ghi nhận; như đã nói trên, chỉ cần bạn muốn làm điều tốt.
Trên con phố Bảo Khánh, một tiệm bánh cuốn - phở bò mang tên Tuệ An từng thu hút khá nhiều thực khách thăm viếng khi trên tường có treo một tấm bảng vuông, in đậm 2 chữ “Phở Treo” hút mắt, bên dưới đề thông tin “Hôm nay có..., còn…”. Người ta thắc mắc, phở treo là phở gì? Nó khác gì phở bò, phở gà hay phở trâu độc lạ?
Câu trả lời là nó chẳng khác gì cả. Nó chính là phở bò quán bán. Chẳng qua, người trả tiền cho bát phở ấy không ăn, mà để dành cho người khó khăn khác tới lấy. Mỗi ngày, quán để dành ra 30 bát để thực khách tới ăn rồi “treo” đấy, đặng sau ai thiếu tiền, ai đói bụng thì ghé quán lấy về ăn - miễn phí hoàn toàn, chỉ cần trả nhau một nụ cười là đủ.
Đơn giản nhỉ, nhưng ấy là cái nghĩa khí của người Việt Nam. Cùng một dòng con Rồng cháu Tiên, ai cũng như anh em một nhà, mà người cùng nhà thương nhau chẳng hết đó. Bát phở được “treo” ấy nhìn là phở, ăn là phở, vào bụng là no, thế mà chẳng phải chỉ là phở đâu, còn là cái tình cho đi chẳng cần nhận lại, anh no bụng tôi vui lòng, nước mình keo sơn ai cũng đủ khoẻ để ra đường đi bão mỗi bận tuyển Việt Nam chiến thắng.
“Một suất treo”
Thực tế, mô hình từ thiện ẩn danh mang tên “phở treo” có xuất phát điểm lâu đời từ Napoli, Ý - thủ phủ của đồ uống mang tên Cà phê. Thế giới biết tới hình thức này với tên gọi “Caffè sospeso” hay suspended coffee - cà phê treo. Ở đây, một người sẽ trả tiền hai, cốc còn lại được trả trước dành tặng cho người đến sau, những người hoặc không mang tiền, hoặc khó khăn có thể lấy và sử dụng. Ban đầu được lan toả rộng tại các quán bar dành cho tầng lớp lao động, gần đây trở lại phổ biến kể từ đại dịch COVID-19 như một nghĩa cử dung dị nhằm chia sẻ sự khó khăn với những người không may mắn.
Năm 2013, chi nhánh tại Anh của thương hiệu đồ uống nổi tiếng Starbucks cũng từng áp dụng phương thức từ thiện ẩn danh này nhằm khuyến khích cộng đồng cùng giúp đỡ những người vô gia cư, tặng họ một buổi sáng bớt mệt mỏi và có thêm chút hy vọng tươi sáng.
Ở hình thức “một suất treo” này, ranh giới của “người cho” và “người nhận” phần nào được bôi mờ để cả hai đứng cạnh nhau mà không có bất cứ sự hàm ơn nào ngăn trở. Người cho đi gửi lòng tốt của họ tại một nơi để cho người đang khó có thể tới nhận, người nhận cũng không phải mang nỗi băn khoăn ơn huệ - thứ có thể khiến mối quan hệ giữa người và người trở nên bất bình đẳng. Không có mạnh thường quân ở hình thức này, chỉ có những người tốt muốn san sẻ bớt một chút ấm cho người đang khó khăn, vậy tại sao chúng ta không gọi họ là “Những người chia ấm” nhỉ?
Bạn gửi một chút ấm cho người còn chưa no. Cái “no” ở đây cũng không hẳn được hiểu một cách trần trụi về tình trạng cơ thể, mà chỉ nên hiểu là các điều kiện sống chưa đạt được mức “đủ”. Và với sự ấm áp được nhận này, hy vọng cuộc sống của họ sẽ có thêm điểm tựa mà dựa vào.
“WeTreo”
Mang hy vọng về một cuộc sống ai cũng có thể là một người chia ấm, san sẻ với những người khó khăn góp phần xây dựng dân tộc Việt Nam đoàn kết hùng mạnh, WeTreo được ra đời như một dự án cộng đồng dưới khuôn khổ giải thưởng tôn vinh các Đại sứ truyền cảm hứng WeChoice Awards, đồng hành cùng Quỹ Hạt vừng, doanh nghiệp xã hội Social Impact, ví MoMo cùng liên minh các quán ăn tốt bụng khắp đất nước.
Thực khách tới ăn tại các quán trong mạng lưới WeTreo có thể mua thêm 1 hoặc nhiều suất ăn khác gửi lại quán. Sau đó, người nghèo, người khó khăn có thể tới lấy ăn một cách hoàn toàn miễn phí. “Tiền tệ” duy nhất mà họ phải trả là một nụ cười và thắp thêm một ngọn nến khát vọng trong tâm.
Trong đêm Gala WeChoice Awards 2024, đạo diễn Việt Tú và nhà báo Trần Mai Anh đã trao biển tượng We Treo cho các chủ tiệm như một bước đánh dấu, dự án đã chính thức bước vào đời sống. Những biểu tượng như một lời tri ân sâu sắc và cũng là kỳ vọng dự án này sẽ hiện diện ở khắp mọi nơi để nhân rộng những sự tử tế.
Những biểu tượng này kỳ vọng sẽ đặt ở tất cả các quán ăn có cùng mô hình "treo". Chia sẻ về ý nghĩa tấm biển, đạo diễn Việt Tú chia sẻ:
"Tấm biển này rất quen thuộc, lấy ý tưởng từ Michelin - biểu tượng của ẩm thực xa xỉ. Nhưng chúng tôi lấy biểu tượng màu đỏ dễ nhớ này để trao cho các chủ treo, hôm nay có thể là 2 nhưng sau này có thể là 2 vạn, 20 vạn và còn nhiều hơn nữa. Biển này là tín hiệu về sự hy vọng, rằng mình sẽ không bị đói nữa.
Thậm chí đi xa hơn là họ sẽ được giúp đỡ, đó là dấu hiệu của tình người, của sự giúp đỡ và là kim chỉ nam để không chỉ chị Lệ, cô Hồng làm việc này một cách vô điều kiện. Chúng ta chưa chắc đã phải mở quán treo nhưng chỉ cần có tấm lòng thiện tâm, dù ở bất cứ đâu chúng ta cũng có thể gắn lên tấm biển của lòng thiện tâm, sự hy vọng như WeTreo ngày hôm nay".
Cầm trên tay tấm biển hiệu Wetreo, chị Lệ - chủ quán phở treo Hà Nội cũng đã có những chia sẻ vô cùng xúc động cũng như bày tỏ hy vọng mô hình này có thể lan rộng và giúp đỡ nhiều hơn nữa những hoàn cảnh thực sự cần:
"Việc của chúng em làm chỉ là thông điệp muốn mang đến tất cả các cửa hàng - nếu muốn treo biển, hãy cứ mạnh mẽ lên, cộng đồng sẽ chung tay với chúng ta. Sự chung tay ấy sẽ giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh ấm bụng sẽ có việc làm tốt. Và chính họ cũng sẽ giúp đỡ những người khó khăn hơn, để họ tin cuộc sống này vẫn còn rất nhiều điều tử tế.
Em chỉ muốn phở treo, bún treo là điểm dừng hạnh phúc của những người khó khăn, những người cần sự giúp đỡ của cộng đồng".