Vụt mất cơ hội hoàn lương
Cái giá của kẻ không biết hoàn lương đâu chỉ là những năm tháng tù tội mà còn là việc đánh mất chính mình, sự tan vỡ của những hy vọng và niềm tin vào điều tốt đẹp nhất.
Một ngày cuối tháng 8-2024, trong không khí ngột ngạt của phòng xử án tại TAND TP HCM, N.D (33 tuổi) - từng có cơ hội làm lại cuộc đời sau bản án trước đó - một lần nữa đứng trước HĐXX. Ánh đèn phòng xử chiếu xuống gương mặt khắc khổ của D., phản chiếu một cuộc đời lầm lạc không tìm thấy lối ra. Bị cáo đứng trước bục khai báo, cố giữ bình tĩnh nhưng đôi mắt mệt mỏi chất chứa những lo âu như một lời thú tội.
Lạc lối
Bắt đầu làm rõ hành vi phạm tội của N.D, chủ tọa đặt câu hỏi: "Tại sao anh lại tiếp tục phạm tội? Có phải anh chưa nhận thức được hậu quả của việc mình làm?". D. lúng túng, ánh mắt dao động như cố tìm kiếm lý do nào đó để biện minh. Sau đó, D. chỉ cúi đầu im lặng.
HĐXX yêu cầu D. mô tả chi tiết về quá trình chuẩn bị, cách thức thực hiện hành vi trộm cắp của mình. D. nói chỉ làm theo bản năng, rằng cuộc sống sau khi ra tù quá khó khăn, không có công việc, không có tiền bạc. Thế nhưng, những lời bào chữa này chỉ làm tăng thêm sự thất vọng cho HĐXX và những người thân dự khán.
Sau khi ra tù vào đầu năm 2022, D. có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng khi được vợ chồng chị V.T.T (ngụ Hà Nội) thuê làm tài xế. Tuy nhiên, thay vì biết ơn và sống lương thiện, D. lại lợi dụng sự tin tưởng để trộm cắp tài sản của vợ chồng chị.
Nội dung vụ án thể hiện, để giúp D. thuận tiện làm việc, vợ chồng chị T. giao cho anh ta chìa khóa căn hộ tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Biết trong nhà có nhiều tài sản giá trị, trong khi vợ chồng chị T. thường xuyên vắng mặt, D. bắt đầu thực hiện các vụ trộm tài sản.
Vụ trộm đầu tiên xảy ra vào đầu năm 2023, D. lấy 2 túi xách hàng hiệu, bán được hơn 300 triệu đồng. Thấy việc trộm cắp dễ dàng, D. tiếp tục lặp lại hành vi này. Tính đến tháng 4-2023, anh ta đã 7 lần lấy trộm 9 chiếc túi xách hàng hiệu cùng 1 đồng hồ Hublot. Sau khi phát hiện mất tài sản, vợ chồng chị T. trình báo công an và D. bị bắt.
"Anh đã nhận được sự hỗ trợ khi tái hòa nhập cộng đồng nhưng không cố gắng làm lại cuộc đời? Phải chăng anh chọn con đường này vì nó dễ dàng hơn so với việc sống lương thiện?" - một thành viên HĐXX chất vấn. Bị cáo im lặng, đôi tay run rẩy. D. đã chọn con đường dễ dàng nhưng chính con đường ấy lại đưa anh ta trở lại trại giam một lần nữa.
Đối diện với D., ánh mắt của các thành viên HĐXX dường như trở nên lạnh lùng, nghiêm khắc hơn. Bởi lẽ, họ không chỉ xem xét tội lỗi của D. mà còn cân nhắc về cơ hội hoàn lương mà bị cáo đã lãng phí. Ánh nhìn của họ như muốn chất vấn: "Liệu có hình phạt nào đủ sức răn đe cho kẻ không biết hối cải này?".
Cuối cùng, khi những lời tuyên án vang lên, D. chỉ có thể cúi đầu, nhận lấy số phận của mình với sự tiếc nuối. 10 năm tù giam là cái giá cho việc không biết nắm bắt cơ hội "cải tà quy chính" của D.
Trả giá
Một trường hợp tương tự cũng từng được đưa ra xét xử hồi tháng 7-2023 tại TAND TP HCM. L.V.B (40 tuổi) sinh ra và lớn lên tại một khu lao động nghèo thuộc vùng ven TP HCM. B. từng là một kẻ cướp giật với những lần vào tù ra tội khiến nhiều người xung quanh không khỏi ái ngại.
Năm 2017, sau khi chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản" và 5 năm 6 tháng tù về tội "Cướp giật tài sản", B. trở về với quyết tâm làm lại từ đầu. B. làm thợ hồ và suốt một thời gian dài sau đó, người ta thấy anh ta dường như đã thay đổi. B. cố gắng kiếm tiền chân chính để nuôi vợ và 3 con nhỏ.
Nhưng cuộc sống đã không dễ dàng. Khi dịch COVID-19 ập đến, B. mất việc, những gánh nặng kinh tế bắt đầu đè lên đôi vai trụ cột gia đình. Đến khi B. bị bắt, người vợ trẻ mới vỡ lẽ, chồng mình đã tìm đến con đường phạm pháp một lần nữa. Nhưng lần này, không phải là những vụ cướp giật trên đường phố mà B. đã lún sâu vào một đường dây buôn bán ma túy.
"Tại sao lại chọn cách quay lại con đường tội lỗi?" - chủ tọa hỏi. B. ấp úng cho rằng cuộc sống quá khó khăn, anh ta cần tiền để nuôi gia đình và không còn lựa chọn nào khác, và có lẽ chẳng ai có thể chấp nhận được lý do ấy. "Rất nhiều người cũng gặp khó khăn nhưng họ không chọn cách phạm pháp. Anh có biết rằng việc mình làm đã gây hại không chỉ cho bản thân mà còn gieo rắc cái chết cho nhiều người khác không?" - HĐXX gay gắt.
Đáp lại là sự im lặng, B. hướng đôi mắt đờ đẫn về phía trước. Có lẽ lúc ấy, B. rất nhớ những khoảnh khắc hạnh phúc khi được trở về nhà sau bao năm tháng tù tội trước đó. Có lẽ B. đã nghĩ mình có thể làm lại từ đầu, rằng cuộc sống lương thiện sẽ mang lại niềm vui và bình yên. Nhưng sự cám dỗ của đồng tiền cùng với những khó khăn của cuộc sống đã khiến B. lạc lối lần nữa.
Khi HĐXX tuyên án 15 năm tù giam, B. gần như không còn đủ sức đứng vững. B. chúi người, loạng choạng, không dám nhìn vào bất kỳ ai, nhất là người vợ đang ngồi ở hàng ghế phía sau. Chị từng "đặt cược" tương lai của mình vào cuộc hôn nhân với B., với niềm tin rằng anh ta sẽ thay đổi. Nhưng giờ đây, tất cả những hy vọng đó tan biến thành những giọt nước mắt lặng lẽ.
Đối với B., chắc hẳn bản án 15 năm không chỉ là sự trừng phạt về mặt thể xác mà còn là sự giam cầm về tâm hồn. Trong những ngày tháng dài đằng đẵng trong trại giam, có lẽ B. sẽ không ngừng suy nghĩ về những quyết định sai lầm của mình. Đêm về, khi không còn những âm thanh của cuộc sống thường nhật, sự cô độc và ăn năn có lẽ sẽ xâm chiếm tâm hồn của kẻ lầm đường này.
Khi đó, B. sẽ cảm nhận rõ ràng nỗi đau khi phải cách xa gia đình, nhất là 3 đứa con nhỏ. Chúng sẽ lớn lên mà không có sự chăm sóc của cha - người lẽ ra phải là chỗ dựa vững chắc cho chúng nhưng lại trở thành nguồn gốc của sự đau khổ, mặc cảm.
Cái giá của kẻ không biết hoàn lương đâu chỉ là những năm tháng tù tội. Đó còn là việc đánh mất chính mình, sự tan vỡ của những hy vọng và niềm tin vào điều tốt đẹp nhất.
Những phiên tòa ấy không chỉ phán xét một người mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai đang đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn: Bước tiếp trên con đường lầm lạc hay quay về với lương tri và làm lại từ đầu.