Vượt qua đau thương, người Nhật đã sống chung với những trận động đất kinh hoàng như thế nào?
Theo Reuters, Nhật Bản mỗi năm hứng chịu khoảng 2.000 trận động đất mà con người có thể cảm nhận được.
Đã gần 13 năm kể từ thảm họa kép động đất và sóng thần quét qua và gây ra một trong những vụ rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử. Với người dân Nhật Bản, ký ức đau thương ấy vẫn chưa thể quên.
Và ngày đầu tiên của năm mới, nỗi sợ ấy lại hiện về sau khi một vụ động đất mạnh đến 7,5 độ richter với tâm chấn nằm ở tỉnh Ishikawa diễn ra. Cảnh báo sóng thần lập tức được ban bố.
Điều kinh hoàng có thể sẽ tới nhưng người Nhật Bản không hoảng sợ. Những cảnh báo về động đất hay sóng thần có lẽ cũng không còn là điều quá xa lạ với những người dân tại đây.
Nhật Bản vốn nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, là một khu vực chịu nhiều biến động. Theo Reuters, quốc gia này mỗi năm hứng chịu khoảng 2.000 trận động đất mà con người có thể cảm nhận được. 20% số trận động đất có cường độ từ 6 richter trên thế giới được ghi nhận tại Nhật Bản.
Ký giả Rupert Wingfield-Hayes từng có quãng thời gian dài sống và làm việc ở Nhật Bản. Ông thừa nhận đã từng bật ra khỏi giường khi thấy căn hộ của mình rung lắc nhẹ. Nhưng chỉ sau vài tháng, ông đã ngủ ngon bất chấp các chấn động. "Tại Nhật Bản, các chấn động trở thành một phần của cuộc sống. Bạn phải làm quen với điều đó", Rupert chia sẻ.
Dù vậy, người dân vẫn có những lo lắng khi những vụ động đất kiểu như thế xuất hiện, rằng tương lai những vụ việc nghiêm trọng hơn có diễn ra không hay liệu căn hộ của mình đã đủ chắc chắn?
Và rồi cơn ác mộng đã xảy đến vào ngày 11/3/2011. Một trong những vụ động đất lớn nhất lịch sử diễn ra, mặt đất rung chuyển dữ dội. Mọi thứ tồi tệ chưa kết thúc tại đây. Khoảng 40 phút sau, cơn sóng thần đầu tiên đổ ập vào đất liền, gần như cuốn phăng mọi vật cản trên đường đi.
Ngày tiếp theo, nhà máy hạt nhân tại Fukushima bị xác định gặp vấn đề. Hàng trăm nghìn người dân phải sơ tán.
Theo thống kê chính thức được công bố vào năm 2011, thảm họa kép đã cướp đi sinh mạng của 19.739 người, khiến 6.242 người bị thương và 2.552 người đến nay vẫn còn mất tích.
Đến nay, nhiều người vẫn không thể quên được thảm họa này. Gia đình của ký giả Rupert cũng ở Nhật Bản khi ấy. Nhiều tháng sau, họ tìm một nơi ở mới tại Tokyo. Rupert thừa nhận vợ của mình lúc đó đã nghiên cứu cực kỹ về địa chất học và quyết không chọn những căn hộ nằm gần biển.
"Vợ tôi khẳng định không ở những căn hộ được xây từ trước năm 1981", ông Rupert nhớ lại. Sau đó, gia đình ông bắt đầu tích trữ lương thực đề phòng bất trắc.
Thời gian dần trôi cho đến thứ 2 vừa qua. Một vụ động đất nghiêm trọng nữa đã diễn ra ở Nhật Bản. Nhưng lần này, theo ông Rupert, đất nước mặt trời mọc đã đối phó với thảm họa tốt hơn nhiều.
Tại Nhật Bản, họ không tính độ mạnh yếu của các trận động đất theo độ richter. Thay vào đó, họ dựa vào cường độ địa chấn. Chỉ số này có thang đo từ 1 cho đến 7. Hôm 1/1, trận động đất ở Ishikawa đã chạm đến mức 7, tức là mức cao nhất.
Nhiều nhà cửa và công trình đã bị phá hủy. Giao thông bị đình trệ ở nhiều nơi và tình trạng mất điện nước cũng xuất hiện. Tuy nhiên, phần lớn các công trình xây dựng vẫn trụ vững.
Ở thành phố Toyama và Kanazawa, cuộc sống người dân được mô tả gần như bình thường. "Trải nghiệm đó thật đáng sợ. Đến lúc này, đây vẫn là trận động đất tồi tệ nhất tại nơi đây. Chúng tôi bị yêu cầu sơ tán khỏi bờ biển. Nhưng giờ chúng tôi đã trở về và mọi thứ vẫn ổn", một cư dân sinh sống gần thành phố Kashiwazaki chia sẻ.
Suốt hàng thập kỷ qua, thảm họa động đất để lại nhiều đau thương và mất mát cho Nhật Bản nhưng họ biết cách thích nghi với điều đó.
Năm 1923, một thảm họa vẫn được biết tới với tên gọi "Đại thảm họa động đất Kanto" đã xảy đến tại Tokyo và gần như san phẳng thành phố. Những căn nhà bằng gạch được xây theo phong cách châu Âu không chịu nổi sự rung lắc và đổ sập.
Không lâu sau, đạo luật xây dựng chống động đất đầu tiên của Nhật Bản được ban bố. Kể từ đây, những công trình mới được xây sẽ phải gia cố bằng thép và bê tông. Những căn nhà bằng gỗ sẽ phải có dầm chịu lực kiên cố hơn.
Mỗi lần Nhật Bản phải hứng chịu trận động đất nghiêm trọng, họ lại tiến hành nghiên cứu và đưa ra những điều chỉnh phủ hợp. Bước ngoặt đến vào năm 1981 khi kỹ thuật cách ly địa chấn được áp dụng rộng rãi. Tại đây, họ sẽ dùng những thiết bị chuyên dụng như lò xo, vòng cao su để giảm sự rung lắc của tòa nhà.
Năm 2011, vụ động đất có cường độ 9,0 độ richter diễn ra. Cường độ địa chấn được ghi nhận tại Tokyo ở mức 5, tương đương vào thời điểm thảm họa năm 1923 diễn ra.
Vào năm 1923, thành phố thất thủ với hơn 142 nghìn người chết và mất tích. Năm 2011, các tòa nhà chọc trời rung lắc, kính cửa sổ vỡ tan. Tuy nhiên, không có tòa cao ốc nào đổ sập. Thực tế, thương vong về người chủ yếu đến từ sóng thần thay vì do rung lắc mặt đất.
Vụ động đất kinh hoàng gần nhất đã khiến nhiều ngôi nhà gỗ tại Nhật Bản tan tành. Một tòa cao ốc cũng đã bị đổ sập dù truyền thông nhanh chóng chỉ ra tòa nhà này được xây vào năm 1971. Những con số thương vong cũng tăng dần.
Nhưng thật khó để tìm một quốc gia nào có khả năng ứng phó với động đất tốt như Nhật Bản. "Với một vụ động đất như thế, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu diễn ra ở một nơi khác", ông Rupert kết luận.
Nguồn: BBC