Vùng giàu nhất Việt Nam sắp có hầm vượt sông 'khủng', nối 2 tỉnh thành phát triển bậc nhất

Thái Hà,
Chia sẻ

Thủ tướng đã đồng ý phương án xây hầm vượt sông ở vùng này.

Thủ tướng đồng ý xây hầm Cát Lái vượt sông

Ngày 3/12, trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghe các bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư báo cáo về các dự án kết nối giao thông.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương xem xét chấp thuận phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay cho cầu Cát Lái, nhằm bảo vệ mỹ quan khu vực hai bên sông và tránh ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Cát Lái.

Vùng giàu nhất Việt Nam sắp có hầm vượt sông 'khủng', nối 2 tỉnh thành phát triển bậc nhất - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với phương án xây dựng hầm vượt sông kết nối Đồng Nai với TP.HCM.

Cách đây 8 năm, dự án cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái, nối TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, làm cơ sở triển khai dự án.

Lúc đó, dự án cầu Cát Lái được nghiên cứu với chiều dài 4,5 km, gồm 8 làn xe, bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), đi theo tuyến đường Nguyễn Thị Định, vượt sông và kết nối với tỉnh lộ 25B ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). 

Công trình dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng vốn đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, sau nhiều năm thảo luận, kế hoạch triển khai vẫn chưa đi đến thống nhất nên phà Cát Lái vẫn đang là phương thức vận tải chính.

Các phương án triển khai hầm Cát Lái

Trong buổi làm việc với các Sở, ngành của tỉnh Đồng Nai vào tháng 11, Công ty CP Fecon và đối tác Shanghai Tunnel Engineering Co. (STEC) đã đề xuất phương án xây dựng hầm vượt sông thay vì cầu Cát Lái, kết nối Đồng Nai với TP.HCM.

Theo đại diện Công ty CP Fecon, việc lựa chọn xây hầm vượt sông thay vì cầu sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, từ đó giảm tối đa ảnh hưởng xã hội đối với cộng đồng cư dân trong khu vực dự án. 

Vùng giàu nhất Việt Nam sắp có hầm vượt sông 'khủng', nối 2 tỉnh thành phát triển bậc nhất - Ảnh 2.

Phà Cát Lái nhìn từ trên cao. Ảnh: Tạp chí DN

Đồng thời, việc xây dựng hầm cũng giúp bảo vệ hoạt động giao thông đường thủy và không làm ảnh hưởng đến Cảng Cát Lái hiện hữu.

Về phương án đề xuất, đại diện Công ty CP Fecon đã đưa ra hai phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai, bao gồm các hầm hở ở phía TP.HCM và Đồng Nai, cùng với hầm kín vượt sông. Cả hai phương án đều đề xuất xây dựng hai tuyến hầm song song.

Phương án 1 đề xuất xây dựng 8 làn xe, mỗi hầm có 4 làn, với vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng chiều dài tuyến hầm theo phương án này là hơn 2,3 km. Trong khi đó, phương án 2 đề xuất quy mô 6 làn xe, mỗi hầm có 3 làn, với chiều dài tuyến hầm khoảng 1,7 km.

Với phương án 1, đại diện Công ty CP Fecon cho biết sẽ bao gồm phần hầm kín, hầm hở và hai hố shaft (giếng phục vụ thi công ngầm) để phục vụ quá trình thi công.

Vùng giàu nhất Việt Nam sắp có hầm vượt sông 'khủng', nối 2 tỉnh thành phát triển bậc nhất - Ảnh 3.

Phà Cát Lái luôn đông đúc vào giờ cao điểm. Ảnh: VOV

Tương tự, đối với phương án 2, phần hầm kín, hầm hở và hai hố shaft sẽ được bố trí tại các vị trí trên mặt đường hiện hữu, cụ thể là đường Lý Thái Tổ và đường Nguyễn Thị Định, do đó không cần phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công hầm. Tuy nhiên, việc thi công sẽ ảnh hưởng đến giao thông trên hai tuyến đường này.

Đại diện Công ty CP Fecon cho biết, các phương án đưa ra hiện tại chỉ là những gợi mở ban đầu do thời gian nghiên cứu còn hạn chế và chưa có đủ số liệu chi tiết về địa chất cũng như các quy hoạch liên quan.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp cũng thông tin rằng, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, phương án thi công hầm thay vì cầu Cát Lái sẽ có chi phí từ 9.000 đến 10.000 tỷ đồng, và thời gian thi công dự kiến là dưới 2 năm.

Vùng Đông Nam Bộ được ví như "mỏ vàng" lớn nhất của Việt Nam về thu hút vốn đầu tư, khi liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn nước ngoài; tính đến ngày 31/10/2024 có trên 21.000 dự án và đạt trên 189 tỷ USD.

Vùng này cũng là vùng giàu nhất Việt Nam khi tổng thu ngân sách nhà nước của toàn vùng ước đạt trên 733.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% tổng thu cả nước (tăng 3,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao); 5/6 địa phương tăng thu. Xuất khẩu ước đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 11%.

Trong vùng, 2 tỉnh thành Đồng Nai và TP.HCM là những tỉnh phát triển top đầu. Cả tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đều nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước.

Chia sẻ