Vừa mắc Covid-19 liệu có 'thoát' biến thể phụ BA.5 không?
Từ tháng 1 đến nay, Việt Nam lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron, hiện Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp mắc biến thể phụ BA.5. Vậy đã mắc Covid-19 liệu có 'thoát' biến thể phụ BA.5 hay không?
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết mặc dù hiện nay, số ca mắc mới đã giảm, tỷ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron (biểu hiện lâm sàng nhẹ) tuy nhiên, biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta (lây lan nhanh hơn các biến thể, chủng trước đó).
Bộ Y tế đánh giá biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục tăng lên ở nước ta. Lý do bởi biến thể đã xâm nhập vào cộng đồng Việt Nam, trong khi khi các nước trên thế giới số ca mắc tăng liên tục hằng tuần và gần như tăng gấp đôi. Hơn thế nữa, việc đi lại của chúng ta đã trở lại bình thường.
"Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 đến 13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5", GS Lân nhấn mạnh.
Theo GS Lân, đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, Việt Nam gần như đã bao phủ được hết các mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cơ bản. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa.
Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch.
Vắc xin là một yếu tố rất quan trọng. Việc tiêm mũi 3, mũi 4 giúp củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.
"Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập", GS-TS. Phan Trọng Lân nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, yếu tố thứ hai là cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.
"Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Theo WHO, các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2022 số người tiêm liều nhắc lại vắc xin Covid-19 cụ thể như sau:
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm nhắc 1 (mũi 3) là 45.094.725 mũi tiêm (chiếm 67,2%). Tỉnh tiêm thấp gồm: Khánh Hòa (41,9%); Bình Thuận (35,4%); Sóc Trăng (40,0%); Cà Mau (38,1%); Hậu Giang (35,1%).
Tỉnh tiêm cao gồm: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).
Kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4): là 4.281.382 mũi tiêm (chiếm 6,4%). Tỉnh tiêm thấp gồm: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (1,4%);
Tỉnh tiêm cao gồm: Bắc Giang (24,2%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).
Nhóm từ 12-17 tuổi:
Tổng số mũi tiêm nhắc: 810.443 mũi tiêm. Kết quả tiêm nhắc <2%:
Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định;Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Điện Biên.
Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận
Miền Nam (9 tỉnh): TP Hồ Chí Minh; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.
Kết quả tiêm nhắc tốt: Thanh Hóa (43,8%); Lâm Đồng (42,0%); Tây Ninh (47,0%).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch Covid-19.