Vụ vợ dùng dao chém chết tên trộm giết chồng ở Long An: Người vợ có bị xử phạt?
Tự vệ và chém chết tên trộm giết chồng mình, vậy người vợ liệu có bị phạt tù?
Ngày 11/3 mới đây, thông tin từ UBND xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An cho biết các lực lượng chức năng và công an đang khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra rạng sáng cùng ngày.
Theo lời khai ban đầu của chị Hằng, khoảng 0h30 đêm 11/3, chị nghe tiếng kêu cửa từ phía ngoài. Lúc đó, chồng chị vừa bước ra khỏi giường tới mở cửa thì bất ngờ chị nghe tiếng kêu thất thanh của chồng. Vừa choàng tỉnh dậy, chị Hằng chỉ loáng thoáng thấy anh Hội ngã quỵ xuống đất. Chưa kịp hoàn hồn, chị bị đối tượng Nguyễn Thành Trung lao vào khống chế để hỏi chỗ cất giấu tiền, vàng.
Quá kinh hoàng trước sự việc xảy ra chị phản kháng mạnh để thoát thân nhưng bị Trung vung dao chém 2 nhát vào người, sau đó, chị vùng bỏ chạy và chụp được con dao trên bàn quơ lại phía sau. Cú quơ của chị trúng ngay vào vùng đầu đối tượng Nguyễn Thành Trung khiến đối tượng này gục xuống đất cách thi thể chồng chị khoảng 5 mét và tử vong sau đó.
Nhận được tin báo của người dân, công an huyện Cần Giuộc đã có mặt tại hiện trường. Do đây là vụ án nghiêm trọng nên họ chuyển hồ sơ về công an tỉnh để phối hợp thực hiện, đồng thời đưa hai thi thể về Trung tâm Y tế huyện để làm thủ tục khám nghiệm pháp y.
Hiện trường nơi xảy ra vụ án
Cũng theo lời khai của chị Hằng, cách sự việc nói trên khoảng hơn một tháng, Trung có vay mượn của vợ chồng chị Hằng khoảng 60 triệu đồng, nhiều lần gia đình chị yêu cầu Trung trả khoản nợ trên nhưng đối tượng khất lần chưa trả.
Trong vụ án lần này, nhiều người lo lắng cho chị Hằng, sợ chị vướng vào lao lý. Nhận định về điều này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản... của mọi công dân. Về nguyên tắc chung thì người nào cố ý xâm hại đến tính tính mạng, sức khỏe, tài sản... của công dân thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Tuy nhiên không phải mọi trường hợp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân đều là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có 07 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự bao gồm:
Thứ nhất, sự kiện bất ngờ. Điều 20 BLHS quy định về sự kiện bất ngờ: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Điều 21 BLHS năm 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, phòng vệ chính đáng. Điều 22 BLHS năm 2015 quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Thứ tư, tình thế cấp thiết. Điều 23 BLHS năm 2015 quy định: tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn hoặc thiệt hại cần ngăn ngừa.
Thư năm, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội. Điều 24 BLHS năm 2015 quy định là hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ.
Thứ sáu, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Điều 25 BLHS năm 2015 quy định: Hành vi của một người đã gây thiệt hại khi tiến hành, thực hiện việc nghiên cứu, thủ nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa cũng như quy định về không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự....
Thứ bảy, thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên. Điều 26 BLHS năm 2015 quy định: hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó.
Như vậy, đối chiếu với các quy định của bộ luật hình sự năm 2015, luật sư Cường cho rằng, trường hợp chị Hằng dùng dao giằng được của hung thủ vừa sát hại chồng chị để chống trả lại đối tượng đột nhập có thể được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng hoặc gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội.
Cả hai trường hợp này thì chị Hằng đều được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 22 bộ luật hình sự hoặc điều 24 bộ luật hình sự 2015.
Những tình tiết cần lưu ý của vụ việc này là trước khi tấn công chị Hằng, đối tượng Trung đã ra tay sát hại chồng chị và dùng dao khống chế chị để cướp tài sản, khi chị hằng bỏ chạy thì đối tượng đã đuổi theo chém vào đầu vào lưng của chị. Đây là tình huống hết sức nguy hiểm đối với một người phụ nữ đã bị thương nặng và chứng kiến đối tượng vừa sát hại chồng mình. Trong tình huống này tính mạng sức khỏe của chị Hằng và của những người khác trong gia đình đang bị đe dọa nghiêm trọng, bởi vậy pháp luật cho phép chị Hằng hoàn toàn có quyền tự vệ, thậm chí có quyền tiêu diệt đối phương để bảo vệ an toàn cho tính mạng của mình và những người khác trong gia đình, đồng thời có quyền tấn công, khống chế, bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang, đối tượng vừa phạm tội giết người, cướp tài sản, và đang hung hăng, manh động, với không khí đẫm máu trong tay.
Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định, một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi thoả mãn đồng thời hai dấu hiệu: một là có hành vi tấn công đang hiện hữu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tổ chức, quyền và lợi ích chính đánh của người phòng vệ hoặc của người khác", hai là hành vi phòng vệ gây thiệt hại cho người xâm phạm là cần thiết việc quy định hai dấu hiệu này để xác định giới hạn của phòng vệ chính đáng bởi tại khoản 2 của điều luật quy định "Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này". Tuy nhiên, nếu người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng sẽ là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS.
Luật sư Cường nhận định: "Trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần làm rõ các yếu tố về hành vi cũng như động cơ, mục đích, thái độ của chị Hằng để đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi, xác định trong tình huống này hành vi của chị Hằng là không có lỗi, áp dụng đúng pháp luật để loại trừ trách nhiệm hình sự cho chị này, nêu cao tinh thần đấu tranh phòng và chống tội phạm, đảm bảo công bằng trước pháp luật".
Hiện vụ việc đang được Cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, điều tra ban đầu theo quy định của pháp luật.