Vụ việc gây tranh cãi: Hơn 1.000 học sinh Nghệ An khóc như mưa trong 1 buổi diễn thuyết, loạt chuyên gia lên tiếng cảnh báo!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Ở những buổi diễn thuyết này, nước mắt của những đứa trẻ chính là tiêu chí để đo sự thành công của chương trình.

Mới đây, một clip ghi lại cảnh hơn 1.000 học sinh cùng với các thầy cô giáo tại một trường THPT ở Nghệ An xúc động bật khóc khi tham gia buổi diễn thuyết của 1 diễn giả thu hút sự chú ý. Được biết, buổi diễn thuyết nói về những vấn đề mà học sinh đang bế tắc trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, khi diễn giả này nói về vấn đề hiếu thảo với cha mẹ, học sinh cùng các thầy cô giáo đã không kiềm chế được cảm xúc của chính mình.

Cũng tại đây, nhiều học sinh đã mạnh dạn nói lên lời xin lỗi, tình yêu thương của mình đối với cha mẹ. Những lời nói mà bản thân họ chưa bao giờ dám nói ra trong thời gian qua.

Trên thực tế, trên mạng xã hội, không ít chuyên gia có những bài nói chuyện về trách nhiệm, lòng hiếu thảo lấy nước mắt học trò. Rất nhiều trung tâm, công ty kỹ năng sống dùng cảnh khóc lóc để quảng cáo, giới thiệu và luôn nhận được lượt tương tác "khủng" vì đánh vào đúng tâm lý của phụ huynh. Ở những buổi diễn thuyết này, nước mắt của những đứa trẻ chính là tiêu chí để đo sự thành công của chương trình.

Vụ việc gây tranh cãi: Hơn 1.000 học sinh Nghệ An khóc như mưa trong 1 buổi diễn thuyết, loạt chuyên gia lên tiếng cảnh báo! - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Nghệ An

Một đứa trẻ ngày ngày thờ ơ với gia đình bỗng dưng xúc động, vỡ òa khi nghe về cha mẹ. Những người lớn mong nước mắt, tội lỗi sẽ là "chất xúc tác" để những đứa trẻ thay đổi như kỳ vọng của gia đình. Nhất là những trường hợp các đứa trẻ bị đánh giá là bất trị thì phụ huynh lại càng kỳ vọng vào những bài giảng này.

Lấy nước mắt học sinh: Sự thay đổi không đến từ cảm giác tội lỗi

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mục tiêu của các buổi học kỹ năng sống là rất đáng khen, nhưng cách triển khai chưa phù hợp. Những lời xin lỗi và tình cảm được bộc lộ trong những khoảnh khắc như vậy có thể bước đầu tích cực, nhưng nếu không được xây dựng và nuôi dưỡng lâu dài, chúng có thể chỉ là "hiệu ứng nước mắt", không thật sự giúp đỡ học sinh trưởng thành về mặt đạo đức. Ngược lại, còn gây ra tác động tiêu cực.

Sự thay đổi về thái độ, nhân cách không thể đến trong ngày một ngày hai, và càng không nên đến từ cảm giác tội lỗi, "dán nhãn". Nó cần đến từ việc nhận ra các cảm xúc, các suy nghĩ, và biểu lộ một cách thỏa đáng, tự tôn.

Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục Đỗ Cao Sang nhận định, những buổi diễn thuyết "kích" trẻ con khóc lóc gọi điện cho bố mẹ xin lỗi, cảm ơn dễ lấy lòng phụ huynh bởi họ quá nhạy cảm với nước mắt. Đây là một kiểu "hiếu thảo kế" để thao túng tâm lý.

Vụ việc gây tranh cãi: Hơn 1.000 học sinh Nghệ An khóc như mưa trong 1 buổi diễn thuyết, loạt chuyên gia lên tiếng cảnh báo! - Ảnh 2.

Thầy giáo Đỗ Cao Sang

Những buổi diễn thuyết như vậy chỉ có tác dụng ngắn hạn, do cảm xúc bị tác động tức thì nên học sinh tạm thay đổi hành vi. Các em có thể bật khóc nức nở khi được nghe một câu chuyện cảm động về công ơn cha mẹ, nhưng khi quay lại cuộc sống thường ngày, những cảm xúc này sẽ nhanh chóng phai nhạt rồi mọi thứ lại trở về y như cũ.

Nước mắt học sinh không phải là dấu hiệu của một bài học đạo đức thành công. Thay vì sử dụng những bài diễn thuyết thao túng cảm xúc, nhà trường và cha mẹ nên áp dụng những phương pháp giáo dục bền vững, mang tính thực tế và sâu sắc hơn. Thay vì khiến các em thấy lo lắng, day dứt, xấu hổ, nên khơi gợi cho các em những cảm xúc tích cực. Dạy kỹ năng dựa trên giá trị sống cần một quá trình. Cha mẹ, người lớn phải làm gương cho con, phải kiên trì hướng dẫn từ khi con còn nhỏ.

"Cha mẹ nên hướng con đến một nhân cách tự chủ, độc lập tư duy và có trách nhiệm. Nếu con có trách nhiệm và biết suy nghĩ đúng, tất sẽ làm cha mẹ vui. Việc gì phải khóc lóc? Tôi không thích con tôi gọi điện khóc lóc xin lỗi, cảm ơn tôi. Tôi muốn con tự chủ và sống có ích, không làm phiền người khác, và tiến tới giúp ích cho người khác", thầy Sang nói.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng: Để học sinh rơi nước mắt, thật ra không khó. Có thể chiếu một video bi thương, kể một câu chuyện nghịch cảnh mà chính diễn giả hay nhân vật nào đó đã trải qua, hoặc đặt các em vào một tình huống tưởng tượng có liên quan đến những nỗi sợ hoặc lo lắng thầm kín ở lứa tuổi đó. Kỹ thuật này, có tên là emotional triggering (kích hoạt cảm xúc). Học sinh càng nhỏ, càng ít trải nghiệm thì càng dễ kích hoạt cái công tắc cảm xúc này lên.

Vụ việc gây tranh cãi: Hơn 1.000 học sinh Nghệ An khóc như mưa trong 1 buổi diễn thuyết, loạt chuyên gia lên tiếng cảnh báo! - Ảnh 3.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương

Nhưng hậu quả của việc lạm dụng điều này là gì?

Những câu chuyện bi thương, những hình ảnh đau lòng có thể khơi gợi sự đồng cảm, nhưng chúng cũng dễ dàng biến thành áp lực cảm xúc. Tức là, khiến học sinh khóc vì cảm thấy mình được kỳ vọng phải rơi lệ trong hoàn cảnh đấy, nếu không thì sẽ bị xem là “vô cảm”. Một số em khác, thì nước mắt rơi là thật, nhưng khi cơn sóng cảm xúc đi qua, các em có thể thấy bất an và hoang mang. Sao lúc đấy mình lại thế nhỉ? Vậy tiếp theo mình nên làm cái gì bây giờ?…

Kích hoạt cảm xúc lên một cách nhất thời chứa đựng những mặt trái đầy rủi ro, nếu không đi kèm với việc dẫn dắt học sinh đến những kế hoạch hành động ý nghĩa và những thay đổi lâu dài. Học sinh có thể dần bị chai lì cảm xúc và mất dần niềm tin vào những điều tốt đẹp sau vài lần khóc lóc. Vì cứ bước ra khỏi hội trường là mọi thứ quay lại như cũ, có gì thay đổi đâu, vậy những thứ tôi vừa được nghe phải chăng toàn là “đạo đức giả” và chỉ để nghe cho hay thôi. Những em tinh khôn hơn, khi nhận ra rằng cảm xúc có thể bị chơi đùa, thậm chí sẽ học chính cái kỹ thuật ấy mà thao túng những người xung quanh mình.

Là người làm giáo dục, chúng ta cần tự hỏi: Giáo dục cảm xúc hay đạo đức có nhất thiết cần đến nước mắt không? Những giọt nước mắt có thể làm đẹp thêm câu chuyện giáo dục trong ngắn hạn, nhưng chúng ta không thể dùng cảm xúc để thay thế cho mục tiêu cốt lõi: Giúp học sinh hiểu và hành động có ý thức.

Giáo dục cảm xúc đích thực rất khác với một chương trình “biểu diễn cảm xúc”. Giáo dục cảm xúc không chỉ là lay động con tim, mà còn là nuôi dưỡng trí tuệ và ý chí để có thể vững vàng với hành trình làm người.

"Hãy thận trọng khi chơi đùa với cảm xúc của trẻ, bởi đằng sau những đôi mắt đỏ hoe có thể là một tâm hồn đang chới với. Và khi đó, chúng ta đã thất bại với chính trách nhiệm giáo dục của mình", bà Phương nói.

Chia sẻ