Vụ Trưởng khoa Nhi làm chết trẻ: Phòng khám âm thầm dỡ biển
Sau khi làm chết trẻ, phòng khám của ông Sơn đã âm thầm dỡ biển. Chiều 23/11, có mặt tại đây, không ai nhận ra đó là phòng khám bệnh mà chỉ thuần túy là 1 cửa hàng sữa.
Trong những ngày qua, dư luận quan tâm nhiều đến thông tin cháu Nguyễn Đình Quân (16 tháng tuổi) tử vong sau khi được tiêm tại phòng khám Hương Sen (ở số 90 phố Tía, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) do BS Phạm Anh Sơn - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín làm chủ. Chúng tôi đã tìm về tìm về nhà ông bà ngoại của cháu Quân ở xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) – nơi cháu được phát hiện bị viêm phổi và đi tiêm.
Với vẻ mặt buồn rầu, trao đổi với chúng tôi, anh Lương Văn Tuấn – cậu ruột của cháu Quân nói: “Cháu Quân được đưa đi tiêm hôm trước và hôm sau lại tiêm tiếp nhưng bác sĩ không thử thuốc. Hôm đó, đưa cháu Quân đi tiêm, em không đi cùng mà chỉ có hai chị gái em đưa cháu đi”.
“Khi nhận được thông tin cháu mất, là cậu ruột của cháu, em thấy rất sốc. Hôm trước, gia đình ông Sơn vào nhà em đưa tiền và hoa quả để làm ma chay cho cháu Quân nhưng gia đình không nhận tiền mà chỉ nhận hoa quả để thắp hương”.
Cùng chung cảm xúc buồn lòng, cô Lê Thị Quất (51 tuổi, bà ngoại của cháu Quân) chia sẻ: “Cháu Quân khỏe mạnh bình thường, chỉ bị ho. Bố mẹ cháu cho cháu đi khám thì bác sĩ bảo là bị viêm phổi nên phải tiêm. Sau mũi tiêm đầu tiên, sức khỏe của cháu đã khá lên nhưng đến hôm sau, sau mũi tiêm thứ hai thì việc không may đã xảy ra”.
Nhớ lại thời điểm sự việc xảy ra, cô Quất cho hay: “Hôm đó, tôi không đưa cháu đi tiêm mà chỉ có mẹ cháu và dì cháu nữa đưa cháu đi tiêm. Sau khi tiêm xong, ra đến cửa phòng khám, cháu Quân khóc nhiều và nấc lên, mặt mày đỏ, tím tái. Lúc đó, gia đình đã bảo là đưa cháu Quân đi cấp cứu nhưng ông Sơn bảo là cứ yên tâm. Ý ông ấy nói là sơ cứu xong thì sẽ đem cháu đi cấp cứu nhưng không may là cháu cứ lịm dần đi và đã tử vong trước khi đến bệnh viện”.
“Khi nhận được tin cháu Quân tử vong, tôi đang đi chợ. Lúc đó, tôi bủn rủn chân tay, hoảng hốt. Đi chợ về, tôi cũng chẳng kịp cất túi mà vội vàng đưa cháu đi cấp cứu nhưng đã muộn. Nuôi cháu đến 17 tháng tuổi, cháu đã biết ăn, nói rất tốt nên khi cháu ra đi gia đình chúng tôi vô cùng thương xót”, cô Quất nghẹn ngào nói.
Khi được hỏi về những kiến nghị đối với cơ quan chức năng về việc này, bà Quất cho hay, gia đình tôi không có kiến nghị gì. Bà Quất cũng cho biết ngay tối xảy ra vụ việc, gia đình ông Sơn đã lên trên gia đình nhà nội của cháu Quân để xin lỗi luôn.
Theo bà Quất, gia đình bà cho rằng đây là một tai nạn, một sự rủi ro đôi lúc không thể tránh được. “Gia đình chúng tôi là bên ngoại nên mọi việc do gia đình bên nhà nội quyết định. Chúng tôi cũng không muốn làm to chuyện bởi nghĩ rằng người bác sĩ nào cũng muốn chữa khỏi bệnh cho các bệnh nhân chứ đâu muốn giết bệnh nhân. Vì nghĩ thế nên gia đình tôi thông cảm với ông Sơn”, cô Quất nói.
Cô Quất cho biết thêm: “Tôi không oán trách gì mà chỉ tiếc rằng ông bác sĩ đó đã không nghe tôi là thử thuốc ngay từ đầu thì dù có bị làm sao thì gia đình tôi đỡ ân hận. Ông ấy đã chủ quan, quá tin tưởng vào tay nghề của mình. Thứ hai là khi cháu khóc nhiều và có biểu hiện tím tái, nếu đưa cháu đi cấp cứu luôn thì mức độ rủi ro đã không cao như thế. Gia đình tôi có oán giận ông ấy cũng không lấy lại được cháu mình. Đó là rủi ro không ai mong muốn xảy ra. Gia đình bên nhà ông bà nội của cháu Quân cũng nghĩ như thế”.
Hỏi thăm về sức khỏe của chị Lương Thị Mỹ (27 tuổi, mẹ của cháu Quân), bà Quất cho biết: “Từ hôm cháu Quân gặp chuyện không may, chị Mỹ bị sốc, không ăn được, lúc nào cũng thương xót khóc con”.
Theo quan sát của phóng viên, lâu nay phòng khám được hoạt động cùng với cửa hàng kinh doanh sữa nhưng sau khi sự việc, theo nhiều người dân, biển quảng cáo khám chữa bệnh do bác sĩ Sơn phụ trách đã được dỡ đi. Đến chiều 23/11 có mặt tại đây không ai nhận ra đó là phòng khám bệnh mà chỉ thuần túy là một cửa hàng sữa.