Vụ trao nhầm con: Đứa bé "gửi nhầm" được về nhà
Từ những cố gắng không biết mệt mỏi từ phía người trong cuộc lẫn những người có tâm, kết quả mãn nguyện: chị Liên đồng ý để bé Ngọc Yến về thăm cha mẹ đẻ. Một kết cục có hậu biết bao người chờ đợi đã không còn xa.
Cú điện thoại bất ngờ
8h sáng ngày 18/7/2016, điện thoại của PV rung lên, phía bên kia hiện lên số người gọi là chị Thị Liên. Sau khi xin số điện thoại của anh Vũ Đình Khiên, chị Liên chỉ nhỏ nhẹ nói một câu: “Tôi cho cháu về chơi với bố mẹ đẻ và ông bà!”.
Lần đầu tiên trong đời, bé Ngọc Yến đã được mẹ đẻ bón từng thìa cơm.
Dư vị sau khi nhận cuộc điện thoại quả thực khó có thể diễn tả thành lời. PV vẫn không thể quên được 2 cuộc tiếp xúc với chị Liên 2 ngày trước đây: Tràn đầy tiếng khóc than, nước mắt, tiếng la hét và sự quằn quại đau đớn! Thời gian quả là quá ngắn, để có thể thích nghi với tình huống tâm lý thay đổi hoàn toàn, dù nó mang đầy niềm vui.
Nhận được điện thoại, anh Khiên ngay lập tức phóng xe lên ấp Tổng Cui Lớn đón 2 bà cháu. Qua quãng đường hơn 8km tràn đầy niềm vui, bé Ngọc Yến đã được ôm vào vòng tay mẹ, lần đầu tiên, tại căn nhà của ông bà ngoại nằm trên đường Bà Triệu, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Chỉ mất một thời gian ngắn, bé Ngọc Yến đã hết sợ sệt bỡ ngỡ, mạnh dạn chơi đùa cùng chị gái và bạn Lan Anh. “Khó lý giải lắm, về đến nhà, chỉ mất một lúc, cháu đã chơi đùa với tất cả mọi người”, anh Khiên kể lại.
Ngọc Yến giống chị gái như 2 giọt nước
Sau khi ăn cơm cùng gia đình, 2 bé đã được đưa đi chơi công viên. Đến cuối buổi chiều, anh Khiên lại đưa cả 2 cháu về chơi với mẹ Liên. Khi chia tay bố, cháu Ngọc Yến đã biết tỏ ra quấn bố, ôm cổ bố không rời…
“Chuyển giao nhanh chóng là hoàn toàn bất lợi với 2 trẻ”
Đó là ý kiến của chuyên gia Tâm lý Lê Khanh, PGĐ Trung tâm Tâm lý Giáo dục Rồng Việt (Thành phố Vũng Tàu).
Theo ông Lê Khanh, một cuộc chuyển giao nhanh chóng, cho dù có thể đáp ứng được lòng khao khát mong con của cả 2 người mẹ, nhưng hoàn toàn bất lợi với hai trẻ, ít nhất là về mặt tâm lý nhận thức. Trẻ sẽ lạc lõng, lo lắng và khủng hoảng trong một thời gian, dù cho lúc đó chính là người mẹ ruột chăm sóc!
Điều này cũng tương tự như một đứa trẻ người Việt được làm con nuôi một gia đình phương Tây. Thậm chí có khi còn tệ hơn, bởi vì người mẹ nuôi sẽ chấp nhận giữ một khoản cách tình cảm, tôn trọng những phản ứng của trẻ trước khi chấp nhận người đó là mẹ của mình.
Bé Ngọc Yến hân hoan lần đầu được xem phim hoạt hình cùng bạn Lan Anh và mẹ Trang
Cùng yên ấm trong vòng tay mẹ Trang
Theo ông Khanh, có thể từng bước giúp trẻ hình thành lại mối tương tác gắn bó mẹ con, bằng việc tổ chức hoạt động xum họp theo từng bước. Ban đầu, trẻ chỉ về nhà mẹ ruột chơi một ngày rồi lại quay lại với bố mẹ nuôi, sau đó dẫn bé đi chơi, tập cho trẻ quen với không gian sinh hoạt trong một xã hội còn mới mẻ với trẻ, một hai ngày rồi lại quay về môi trường của mình.
Có thể khi dẫn trẻ đi chơi, thì cả hai đứa trẻ và hai bà mẹ cùng đi, trao đổi, trò chuyện, ăn uống vui chơi cùng với 2 bé , cho 2 bé kết bạn với nhau… Sau một thời gian thì việc chuyển giao mới xảy ra, nhưng trong ít nhất vài tháng đầu, trẻ vẫn được tạo điều kiện quay lại thăm mẹ nuôi, người đã chăm sóc mình từ nhỏ.
Có như thế, thì tâm lý của trẻ sẽ bớt xáo trộn và ngay cả với hai gia đình, và hai bà mẹ cũng sẽ ổn định được tình cảm hơn, thay vì phải “mất con” thêm một lần nữa, thì sẽ có thêm một người bạn, một đứa con ruột và một đứa con nuôi để cùng nhau xây dựng mối qua hệ thân tình thông qua những lần đến thăm nhau, gặp gỡ lại đứa trẻ mà mình đã chăm sóc.
“Không đơn giản con ai về nhà nấy”
Đó là ý kiến của Thạc sỹ Nguyễn Thu Trang, nghiên cứu sinh chuyên ngành Sức khoẻ cộng đồng tại Đại học ĐH Monash, Australia.
Theo bà Thu Trang, để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay hỗ trợ từ phía bản thân 2 gia đình, chính quyền và cơ sở y tế và cộng đồng. Đối với gia đình 2 trẻ, sự việc không đơn giản là đã nhầm thì nay trao đổi lại, con nhà ai về nhà nấy. Tình cảm được xây dựng không chỉ qua mối liên hệ về mặt di truyền mà còn là thời gian chăm sóc.
Do đó, hai gia đình cần bình tĩnh thảo luận, tạo thời gian qua lại thăm hỏi lẫn nhau để hiểu được cuộc sống và hỗ trợ lẫn nhau. 02 trẻ cũng cần có thời gian để làm quen với gia đình mới. Ban đầu có thể là việc qua lại thường xuyên thăm hỏi, cho 02 trẻ chơi với nhau. Sau đó, có thể đưa các cháu về chơi nhà trong thời gian ngắn như một vài tiếng, rồi tăng dần lên.
Lan Anh lần đầu tiên được bà ngoại địu trong chiếc khăn cổ truyền của người dân tộc S'tiêng.
Nhiều trường hợp trao nhầm con tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy, cách tốt nhất là tạo cho trẻ có 2 gia đình đều được yêu thương như nhau. Trẻ có thể về nhà bố mẹ nuôi hoặc bố mẹ đẻ theo mong muốn. Đây chính là cách giải quyết dựa trên nguyện vọng và vì sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đối với chính quyền và cơ sở y tế: Việc làm kịp thời của Bệnh viên Đa khoa Bình Long trong việc tổ chức hòa giải giữa hai gia đình là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, sự can thiệp không nên chỉ dừng lại tại mức độ đó. Các cán bộ y tế cần làm công tác giải thích, chia sẻ và hỗ trợ cho cả 2 gia đình thích nghi với hoàn cảnh mới, đặc biệt là gia đình chị Liên. Ngoài ra, nội bộ bệnh viện cần có cuộc họp rút kinh nghiệm để tránh các sự việc tương tự xảy ra trên địa bàn.
Về phía cộng đồng: như đã đăng tải, hai cô gái dân tộc S'tiêng đã góp phần tích cực vào việc hỗ trợ hai gia đình. Thiết nghĩ, không chỉ hai cô gái này mà bản thân già làng, người có tiếng nói quan trọng trong bản và các thành viên khác trong ấp cũng cần vào cuộc.
Do sự khác biệt về mặt ngôn ngữ, văn hóa, quá trình để gia đình anh Khiên hòa nhập với cộng đồng nơi đây cần sự giúp đỡ không nhỏ từ phía cộng đồng ấp Tổng Cui Lớn.
Theo Vietnamnet